Phạm Đức Thành từng là học sinh khối A và đỗ ĐH Tài nguyên và Môi trường, chuyên ngành Quản lý đất đai, đạt 980 điểm TOEIC nhờ kỹ năng tự học.
Phạm Đức Thành từng là học sinh khối A và đỗ ĐH Tài nguyên và Môi trường, chuyên ngành Quản lý đất đai. Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian sinh viên, anh luôn trong tình trạng mông lung, không thể xác định hướng đi cho tương lai. Kết quả học vì thế cũng không tốt như mong muốn. Đến khi đi thực tập, Thành vẫn không biết mình thực tập ở đâu, nên đã theo giới thiệu của người quen và thử một công việc không liên quan ngành học.
Thực tập tại công ty xuất nhập khẩu, Thành được yêu cầu phải có trình độ tiếng Anh khá. Tìm hiểu thêm thì biết cần chứng chỉ TOEIC mới có nhiều khả năng tiếp cận cơ hội việc làm trong ngành này. Đây cũng là thời điểm anh bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ.
Thời học phổ thông, chàng trai Hà Nội theo khối A nên chỉ chú trọng học các môn toán, lý, hóa. Bước vào đại học, anh cũng không dành thời gian cho môn học này nên khả năng sử dụng tiếng Anh kém, nhất là kỹ năng nghe và phát âm.
"Lần đầu thử sức với bài thi thử TOEIC, tôi chỉ đạt 355 điểm, vẫn chưa đủ điểm chuẩn đầu ra 450 của trường. Tôi quyết định tập trung ôn luyện và chinh phục TOEIC với mục tiêu 700 điểm trước khi ra trường, vừa phục vụ tốt nghiệp, vừa cải thiện khả năng sử dụng ngoại ngữ để nắm bắt cơ hội việc làm", Thành Phạm chia sẻ về khởi đầu hành trình chinh phục tiếng Anh và chứng chỉ TOEIC.
Phạm Đức Thành rèn luyện được kỹ năng tự học Tiếng Anh
Như hầu hết người mới học, Thành Phạm không biết bắt đầu từ đâu và bối rối với hàng loạt câu hỏi về phương pháp học tiếng Anh hiệu quả. Tự học một khoảng thời gian nhưng không thấy cải thiện, chàng trai Hà Nội nhận ra, để bắt đầu một hành trình học thì cần xác định mình đang đứng ở đâu (khối lượng kiến thức đã nắm được) và mục tiêu cần đạt là gì. Như vậy mới có thể "đo" được lượng kiến thức cần bổ sung, quãng đường cần đi và xây dựng được kế hoạch học tập cụ thể, phương pháp học phù hợp để về đích.
Thành luôn cho rằng thầy cô đóng vai trò định hướng và dẫn dắt chứ không phải nhân tố quyết định hoàn toàn tới kết quả học tập. Cùng với sự chỉ dẫn của thầy cô, người học cần nâng cao khả năng tự học, tự khám phá kiến thức theo cách riêng. Vì vậy, việc đầu tiên Thành làm trong quá trình chinh phục tiếng Anh là sử dụng Internet để tìm kiếm và học hỏi kinh nghiệm tự học từ những người đi trước đã thành công, thử nghiệm các phương pháp học sau đó lựa chọn áp dụng những lời khuyên phù hợp với bản thân để tìm ra phương pháp học hiệu quả.
Giai đoạn đầu, Thành dành phần lớn thời gian để tự học, tự trau dồi kiến thức tiếng Anh cơ bản. Anh chàng tìm tất cả những cuốn sách chất lượng, được cộng đồng Anh ngữ đánh giá cao để tự ôn luyện. TOEIC Preparation, 600 essential words for the TOEIC, Easy TOEIC, Big Step TOEIC, English Grammar in Use, New Economy, Hacker... đều có trong tủ sách học TOEIC và được anh tập trung nghiền ngẫm mỗi ngày. Bên cạnh đó Thành còn tận dụng tối đa mọi kênh học miễn phí để thi thử, luyện đọc, luyện nghe, đồng thời luyện cả phát âm và nói.
Anh cũng thường xuyên tham khảo cách học của bạn bè ở lớp để tự cải tiến phương pháp học của mình, đồng thời tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới bạn bè cùng chung mục tiêu chinh phục TOEIC để giúp đỡ nhau nhanh tiến bộ. "Tôi thường xuyên thảo luận và giảng bài cho bạn bè vì đây cũng là một cách để ôn lại kiến thức, từ đó ghi nhớ kiến thức lâu hơn", Thành nói.
Thời gian không dài nhưng Thành tranh thủ tối đa khoảng thời gian ôn luyện tại lớp học TOEIC, liên tục tận dụng cơ hội để trao đổi và học hỏi kiến thức từ thầy giáo. Nhờ đó anh có được những hướng dẫn chi tiết về đề thi TOEIC và nắm chắc kỹ năng làm bài thi. Sau thời gian này, quá trình tự ôn luyện cũng nhờ đó mà đơn giản và dễ dàng hơn.
"Tiếng Anh là môn thiên về kỹ năng, người học cần thực hành thường xuyên để kiến thức được 'va đập' và tăng dần khả năng phản xạ. Các bạn cũng nên lồng ghép sở thích của mình vào việc học để tránh căng thẳng và giảm tối đa tình trạng mất hứng thú trong học tập. Chẳng hạn, nghe nhạc và xem phim tiếng Anh vừa giải trí vừa giúp cải thiện trình độ tiếng Anh. Việc học ngoại ngữ không nhất thiết phải gắn liền với bàn học và sách vở, hãy cố gắng "sống chung" với nó mọi lúc mọi nơi", Thành đưa ra lời khuyên cho người học tiếng Anh.
> Những điều cần lưu ý khi đi thi TOEIC bạn nên biết
> Thi TOEIC bao lâu thì có bằng?
Theo VnExpress