Cô gái quê Bắc Ninh Đặng Thị Ngoan (SN 1997) là thủ khoa kép ngành Ngôn ngữ Anh - Kinh tế quốc tế của Đại học Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội (ULIS) năm 2019.
1. Luôn coi trọng việc học
Ngoan từng là một người không có định hướng nghề nghiệp, không có ý định rõ ràng rằng sau khi ra trường mình sẽ làm gì. Ban đầu, Ngoan đến với ngành Ngôn ngữ Anh chỉ đơn giản bằng niềm yêu thích và say mê. Nhưng khi tiếp thu được những điều bổ ích từ ngành học và nhìn thấy được những cơ hội mà ngành mang lại, Ngoan lại càng nhận ra đó là lựa chọn mà mình quyết tâm theo đuổi đến cùng. “Càng học chuyên sâu hơn, mình càng thấy rằng đây thực sự là một ngành học rất hay và hữu ích, chứ không chỉ là “học xong rồi đi dịch” như mọi người vẫn thường nghĩ”, Ngoan chia sẻ.
Theo Ngoan, khi đến với ULIS cô phải mất một khoảng thời gian dài thuyết phục bố mẹ cho theo học ngôi trường này, bởi Sư phạm mới là mong muốn của bố mẹ cô. Nhưng với quyết tâm muốn học ngôn ngữ và thỏa sức sáng tạo trong công việc, Ngoan đã quyết tâm chứng minh bản thân với lời hứa: Học hết mình, nhận được học bổng và tự xin việc.
“Từ nhỏ đến lớn mình vẫn luôn coi trọng việc học, có lẽ là do ảnh hưởng từ gia đình. Chính vì thế mà suốt thời gian đi học mình đã cố gắng học hành tử tế nhất có thể, để không lãng phí một giọt mồ hôi công sức nào mà bố mẹ đã đầu tư cho mình. ULIS là lựa chọn tốt nhất cho mình ở thời điểm đó nên khi vào trường mình đã tự hứa với bản thân sẽ phải học hết mình để không hổ thẹn với bản thân", cô chia sẻ.
Đặng Thị Ngoan (ngoài cùng, bên phải) cùng bạn bè
2. Xác định mục tiêu
Xác định được mục tiêu ngay từ năm thứ nhất đại học, cô bạn đã lập kế hoạch học tập từ sớm và duy trì thành tích luôn ổn định, kể cả các môn mà nhiều bạn “ngại” nhất như Triết, Tư tưởng, Toán cao cấp... cũng luôn được Ngoan coi trọng và để ý như các môn chuyên ngành. Điều này thực sự đã khiến bảng điểm trong suốt 4 năm của nữ sinh Bắc Ninh rất ấn tượng với nhiều môn A+.
Cô nàng chia sẻ, cô đặt mục tiêu không phải học lại bất cứ môn nào, đồng thời cũng học đủ hoặc hơn số tín chỉ cần thiết của kỳ đó, chứ không để dây dưa sang kỳ khác. "Mình cũng lập một bảng, ghi mục tiêu và kết quả đạt được cho mỗi học kỳ để thấy mình đã làm được những gì, cần cố gắng những gì”, Ngoan nói.Để đạt được học bổng xuất sắc suốt 8 kỳ học, bản thân Ngoan luôn đặt mục tiêu cụ thể ở đầu mỗi kỳ và ước lượng khả năng của bản thân để cố gắng cho từng môn học.
Theo Ngoan, dù số tiền học bổng không phải quá lớn, nhưng cô coi đó là minh chứng cho sự nỗ lực của bản thân, rằng đã làm tròn lời hứa với bố mẹ và những cam kết đối với chính bản thân.
Ngoan cũng cho biết thêm, điều quan trọng nhất trong việc giành học bổng vẫn là thực học. Áp dụng tips/tricks (mẹo vặt, thủ thuật) thì có thể đạt học bổng 1-2 kỳ nếu may mắn, nhưng để có thể duy trì liên tục, phải thực sự thu nạp kiến thức của mỗi môn học vào đầu. Có như vậy thì bản thân sẽ cố gắng trong tất cả các môn học. Ngoài ra Ngoan cũng có động lực khi bản thân thực sự thích ngành học, nên nếu có học bổng cô sẽ không phải xin tiền từ bố mẹ.
3. Tích luỹ kinh nghiệm thực tế
Không chỉ tiếp thu kiến thức cần thiết cho việc học, Ngoan cũng tham gia vào ban truyền thông thuộc Đoàn-Hội của trường, các hoạt động hiến máu nhân đạo, ngày hội việc làm, Kỷ niệm 60 năm thành lập trường, Mùa hè xanh… để nâng cao các kỹ năng cần thiết.
“Những hoạt động này đã giúp mình hòa nhập nhanh với môi trường đại học, học thêm được nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, lập kế hoạch, thuyết trình, sắp xếp thời gian để làm việc hiệu quả.”, Ngoan cho biết thêm.
Trong suốt những năm tháng đại học, bên cạnh việc tập trung vào chuyên ngành của mình, Ngoan cũng học hỏi thêm nhiều kỹ năng khác để nâng cao bản thân như học WordPress, tập làm content và tìm tòi cả về thiết kế.
Ngay khi lên năm 2, Ngoan đã bắt đầu tìm kiếm các công việc làm thêm như đi gia sư tiếng Anh, dịch tài liệu sách báo, dịch phim, viết content... để tiếp xúc thực tiễn với ngành học.
Để có thể cân bằng giữa học tập và làm việc, cô bạn luôn có thời gian biểu nghiêm ngặt dành cho việc học và luôn ưu tiên việc học trên hết. Ngoan luôn cố gắng tập trung cao độ để có thể hoàn thành hết việc học trong khoảng thời gian nhanh nhất và có thời gian dành cho công việc làm thêm của mình.
Ngoan nói rằng: “Công việc giúp cho mình có nhiều kinh nghiệm nhất là dịch phim cho một web xem phim khá có tiếng, mình được làm công việc rất gần gũi với ngành học của mình. Còn công việc giúp mình có bước tiến nhanh nhất có lẽ là dịch tin tức cho website về thể thao. Đây là công việc mà mình vẫn còn duy trì cho đến tận bây giờ.”
Đối với cô bạn, ra trường không có nghĩa là chấm dứt việc học. Ngoan vẫn đầu tư rất nhiều cho học ngoại ngữ mới và các kiến thức cần thiết cho công việc của mình. Với Ngoan, tuổi trẻ là để chơi hết sức, học hết mình, làm việc hết công suất và để bản thân thấy tự hào khi nhìn lại chặng đường đã qua.
> Cô học sinh nghèo với ước mơ trở thành phiên dịch viên
> Chặng đường học tiếng Anh của Quốc Khánh - FBNC có đầy chông gai?
Theo ZING News