Tình trạng thất nghiệp diễn ra ở nhiều nơi
Sở GD-ĐT Nghệ An thực hiện khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Kết quả cho thấy đến đầu năm 2013, trong số 20/21 huyện, thị có 11.569 người đã tốt nghiệp từ TCCN trở lên chưa tìm được việc làm. Trong đó có một thạc sĩ, 3.047 người tốt nghiệp ĐH, 4.042 người trình độ CĐ và 4.479 người TCCN.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Nghệ An - cho rằng dù kết quả chỉ mang tính tương đối vì số lượng sinh viên đã tốt nghiệp chưa có việc làm có thể còn cao hơn nhưng cũng đã làm ông giật mình vì con số sinh viên chưa có việc quá lớn. Mặt khác, số người có việc làm chưa chắc làm đúng chuyên môn đã được đào tạo.
|
Mỗi năm, Nghệ An có khoảng 20.000 sinh viên, học sinh tốt nghiệp các trường từ TCCN đến ĐH trên cả nước. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, đến nay tỉnh đang dư thừa hơn 3.600 giáo viên ở các cấp học. Trong khi đó, mỗi năm tại Nghệ An vẫn có khoảng vài ngàn sinh viên ngành sư phạm ra trường.
Việc sinh viên ra trường không tìm được việc làm diễn ra ở nhiều vùng, miền trong tỉnh, đặc biệt là các huyện miền núi. Theo số liệu thống kê nói trên, huyện biên giới Kỳ Sơn hiện có 343 người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ, TCCN chưa tìm được việc; huyện Tương Dương là 562, Quỳ Châu là 184 người...
Hậu quả của việc mở trường và tuyển sinh tràn lan?
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, sinh viên ra trường thất nghiệp quá nhiều là hệ quả của việc mở quá nhiều trường ĐH, CĐ trong khi chất lượng đào tạo ở một số trường chưa tốt. Mặt khác, tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ của học sinh trước khi lựa chọn nghề nghiệp tương lai đã tạo ra áp lực việc làm dù thực tế ở Nghệ An đang thừa thầy thiếu thợ.
Trước đây, học sinh ở Nghệ An chủ yếu nộp hồ sơ thi vào các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội, nhưng 3 năm trở lại đây học sinh chuyển hướng thi vào các trường ở phía nam để có cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường. Xu thế này đã giúp Nghệ An bớt căng thẳng tình trạng thất nghiệp nhưng con số thống kê nêu trên vẫn là vấn đề đáng lo ngại của tỉnh.
Sở Nội vụ Nghệ An cũng cho biết đợt thi tuyển công chức năm nay chỉ tiêu 120 người nhưng đến thời điểm này đã nhận được 1.856 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Vì thế, cuộc “chạy đua” này vô cùng khốc liệt. “Để con mình cầm được tấm bằng cử nhân sau 4 năm mài đũng quần ở trường ĐH, gia đình phải mất ít nhất 120 triệu đồng, trong đó rất nhiều gia đình phải chạy vạy vay mượn. Con số này nhân lên cho hàng ngàn sinh viên đã tốt nghiệp là một số tiền khổng lồ. Thế nhưng không có việc, nhiều em phải đi xuất khẩu lao động làm công nhân hoặc đi làm công việc không đúng chuyên môn đã được đào tạo là một lãng phí rất lớn. Lâu nay chúng ta cứ nói hướng tới mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhưng trong thực tế hiện nay đó cũng mới chỉ là khẩu hiệu mà thôi. Nhiều trường do thiếu chỉ tiêu nên họ chỉ mong làm sao lôi kéo được học sinh vào học là thành công chứ họ đâu tính đến đầu ra cho học sinh của mình. Và hậu quả là tình trạng thất nghiệp tràn lan sau khi ra trường”, ông Hà tâm tư.
Để giúp học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp với nhu cầu xã hội và khả năng của mình, Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết năm nay sẽ chỉ đạo các trường THPT tổ chức tư vấn, hướng nghiệp kỹ cho học sinh trước khi đăng ký dự thi ĐH, CĐ, TCCN.
Bạn đọc có thể để lại ý kiến và câu hỏi về nội dung bài viết tại ô bên dưới! |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Thanh Niên