Cả thí sinh lẫn chỉ tiêu đều ảo
Sáng qua, 22/8, Bộ GD&ĐT chính thức trả lời báo Tiền Phong về vấn đề hồ sơ ảo. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã phân tích kỹ và quyết định ở mức 15 điểm để đảm bảo chất lượng đào tạo. Với mức này, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển ĐH là 404.282, trong khi tổng tiêu ĐH là 317.639, hệ số dư là 1,27. Năm nay, toàn bộ cơ sở dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia của 120 cụm thi (bao gồm 70 cụm thi đại học do các trường đại học chủ trì và 50 cụm thi tốt nghiệp do sở GD&ĐT và Cục Nhà trường chủ trì) đều được các cụm thi công bố công khai nên tất cả các số liệu trên đều có thể kiểm tra được, không thể nghi ngờ về nguồn tuyển sinh. “Lý giải về tình trạng hết thời gian đăng ký nhập học đợt 1 mà còn rất nhiều trường vẫn không đủ chỉ tiêu, đa số ý kiến đều cho rằng do tình trạng “thí sinh ảo”. Điều đó đúng và không chỉ bây giờ vấn đề “thí sinh ảo” mới được nói đến, bàn đến” – bà Phụng cho hay.
Theo bà Phụng, trước khi tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức họp với một số trường để bàn những biện pháp chống ảo như lập nhóm xét tuyển. Trong các cuộc họp, hầu hết các trường chấp nhận khó khăn về “ảo” để các thí sinh được thuận lợi hơn khi đăng ký xét tuyển. Bà Phụng cũng cho biết khi chốt cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển đợt 1, Bộ GD&ĐT đã thông tin có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường để các trường có thêm thông tin tính toán “thí sinh ảo”.
Theo lý giải của bà Phụng, việc xác định chỉ tiêu của các trường chưa dựa vào thực tế nhu cầu học của xã hội, chưa dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng của thị trường lao động đối với ngành nghề đào tạo… mà chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo tối đa của mình và kinh nghiệm tuyển sinh của năm trước nên so với thực tế, số “ảo” có thể nằm ngay trong số chỉ tiêu được xác định.
Tỷ lệ ảo đợt 1 là 75%
Ngày 16/8, trả lời báo chí liên quan đến tuyển sinh năm 2016, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết có khoảng 75% thí sinh đăng ký cùng lúc 2 trường ĐH. Điều này có nghĩa, tỷ lệ ảo là 75% vì thí sinh chỉ được chọn 1 trường để nộp phiếu chứng nhận kết quả. Đây là thực tế mà các trường đã “bỏ qua” trước khi xác định điểm trúng tuyển. Một chuyên gia giáo dục cho rằng năm nay, không những thí sinh ảo mà các trường cũng ảo! “Chính các trường đã không xác định được điểm “cắt” hồ sơ hợp lý để tuyển được đủ chỉ tiêu. Nhiều trường ĐH lớn đã “chủ quan” bỏ qua điều này” – vị chuyên gia cho hay. Tuy nhiên, chính bản thân vị chuyên gia này cũng thắc mắc tại sao trong số 396.496 thí sinh đã đăng ký, mới chỉ có 200.000 thí sinh nộp phiếu chứng nhận kết quả, vậy còn hơn 100.000 thí sinh nữa đi đâu?
Còn ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội thì đặt câu hỏi liệu khi tính toán số liệu, Bộ GD&ĐT có quên “cắt” chỉ tiêu vào khối ngành công an, quân đội?
GS.TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại cho rằng, đợt xét tuyển bổ sung tỷ lệ ảo sẽ cao hơn rất nhiều vì mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển vào ba trường, mỗi trường hai nguyện vọng. Vì vậy, Bộ GD&ĐT càng phải có sự công khai hoá thông tin về tình hình đăng ký xét tuyển.
Tung chiêu mời gọi thí sinh
Nhắn tin, gọi điện, kết bạn facebook mời thí sinh nhập học… là cách mà các trường đang thực hiện để hút thí sinh trong lần xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 (NVBS) năm nay.
Ghi nhận tại TPHCM sau đợt xét tuyển nguyện vọng 1, số trường tuyển đủ chỉ tiêu hoặc gần đủ và quyết định không tuyển thêm NVBS chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong số các trường tuyển thêm có các trường “hot” của cả nước như Trường Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Nông Lâm TPHCM…
PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Luật TPHCM cho biết, ngoài việc gọi điện chúc mừng tới từng thí sinh trúng tuyển, ban tuyển sinh của trường còn triển khai tổng đài, gửi tin nhắn đến tân sinh viên với nội dung “chúc mừng trúng tuyển” và lưu ý nộp bản gốc kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016; thông tin địa chỉ email và mật khẩu tài khoản cá nhân mà trường thiết lập cho mỗi tân sinh viên. Bên cạnh đó, trong tài khoản email sẽ có giấy báo nhập học chính thức kèm theo thư chúc mừng của hiệu trưởng nhà trường gửi đến tân sinh viên. Tuy nhiên, theo ông Dũng ở đợt 1 trường vẫn thiếu gần 500 chỉ tiêu. Thăm dò các thí sinh qua gọi điện, đa phần các thí sinh không đến nhập học là do trúng tuyển cùng lúc 2 trường và đã chọn trường khác.
Còn ở trường Đại học Mở TPHCM, trong đợt 1, trường này đã phải 3 lần gửi tin nhắn mời thí sinh đến nhập học, thế nhưng khi kết thúc cũng chỉ tuyển được khoảng 85% so với chỉ tiêu. Trong khi đó, ngoài gọi điện thoại, gửi tin nhắn, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM còn nhờ Facebook quảng cáo bằng cách thông qua số điện thoại mời thí sinh like trang fanpage của trường để cập nhật thông tin trúng tuyển, nhập học.
Ở đợt xét tuyển NVBS, tại TPHCM vẫn còn cả chục ngàn chỉ tiêu ở nhiều ngành khác nhau từ y dược đến kỹ thuật, kinh tế, xã hội… Theo đó, trường Đại học Y dược TPHCM đợt này thông báo xét tuyển bổ sung 402 chỉ tiêu cho 12 ngành đào tạo của trường. So với điểm chuẩn 2016 đợt 1, điểm xét tuyển bổ sung của nhiều ngành giảm từ 2 đến 3 điểm. Tương tự, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y (thuộc ĐHQG TPHCM) cũng phải tuyển thêm NVBS mỗi trường 50 chỉ tiêu. Đáng chú ý, trong số các ngành xét tuyển bổ sung ở 3 trường đều có cả những ngành “hot” và có điểm chuẩn rất cao là răng hàm mặt, dược.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết có khoảng 75% thí sinh đăng ký cùng lúc 2 trường ĐH. Điều này có nghĩa, tỷ lệ ảo là 75% vì thí sinh chỉ được chọn 1 trường để nộp phiếu chứng nhận kết quả. Đây là thực tế mà các trường đã “bỏ qua” trước khi xác định điểm trúng tuyển. Một chuyên gia giáo dục cho rằng năm nay, không những thí sinh ảo mà các trường cũng ảo! “Chính các trường đã không xác định được điểm “cắt” hồ sơ hợp lý để tuyển được đủ chỉ tiêu.
Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/hang-loat-truong-dh-khong-tuyen-du-chi-tieu-loi-tai-bo-hay-tai-truong-1041704.tpo