Hà Nội có 22.187 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, cách biệt khá lớn với các tỉnh thành còn lại.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, tính đến hết thời gian mở lại hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (đến 17h ngày 23/8), cả nước vẫn còn 315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển vào đại học nhưng sau đó đã không nhập nguyện vọng lên hệ thống.
20 tỉnh thành có số thí sinh không đăng ký xét tuyển nhiều nhất
Dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu của 315.993 thí sinh này, Bộ GD&ĐT cho biết 20 tỉnh thành có số thí sinh không đăng ký xét tuyển nhiều nhất xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới lần lượt là: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, TP.HCM, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bắc Giang, An Giang, Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ, Đồng Tháp, Bình Định, Long An, Bến Tre, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận, Tiền Giang và Kiên Giang.
Trong đó, số liệu 22.187 thí sinh không nhập nguyện vọng của TP Hà Nội có cách biệt khá lớn với tỉnh đứng thứ hai (Thanh Hóa) và các tỉnh thành còn lại.
Xét theo 3 miền Bắc - Trung - Nam, tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển lần lượt là miền Bắc: 38%, miền Trung: 32% và miền Nam: 30%.
Xét theo các vùng trên cả nước, vùng có tỷ lệ thí sinh không đăng ký xét tuyển cao nhất là Đồng bằng sông Hồng (22%), sau đó đến các vùng: Đồng bằng sông Cửu Long (19%), Miền núi phía Bắc (16%), Bắc Trung Bộ (15%), Đông Nam Bộ (11%), Nam Trung Bộ (10%) và thấp nhất là Tây Nguyên (7%).
Xét theo các khu vực ưu tiên, khu vực có tỷ lệ này cao nhất là khu vực 1 (các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ) với 35%.
Đứng thứ 2 là khu vực 2 nông thôn với 33%. Đứng thứ 3 với 22% là khu vực 2 (các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc trung ương trừ các xã thuộc KV1). Xếp cuối cùng là khu vực 3 (các quận nội thành của thành phố trực thuộc trung ương) với 10%.
Bộ GD&ĐT cũng đưa ra con số thống kê điểm theo các tổ hợp xét tuyển chính của nhóm thí sinh không đăng ký xét tuyển. Theo thống kê này, điểm các tổ hợp của 315.993 thí sinh không đăng ký xét tuyển đều hầu hết ở mức thấp hơn mức điểm trung vị và điểm trung bình của phổ điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đặc biệt ở các khối A0, A1 và B0, mức điểm đại đa số là rất thấp, thấp hơn mức điểm trung vị, điểm trung bình và thấp hơn 15 điểm/tổ hợp.
Riêng khối C0 điểm có khá hơn, tuy nhiên năm nay tổ hợp C0 có phổ điểm thí sinh đạt được rất cao trên cả nước, do vậy mức độ cạnh tranh xét tuyển sẽ cao hơn, điểm sàn mà các trường công bố cũng có xu hướng cao hơn.
Bộ GD&ĐT cho biết thêm, năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống là 642.270; năm 2021 là 794.739. Theo số liệu này, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và chỉ giảm 3,4% so với năm 2020.
Tuy nhiên, cần lưu ý số lượng đăng ký xét tuyển tăng mạnh ở năm 2021 có lý do quan trọng là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thí sinh không thể du học và nhiều em học phổ thông, học đại học ở nước ngoài cũng đã trở về Việt Nam để học tập.
"Điểm khác biệt căn bản trong việc đăng ký xét tuyển năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Do đó, số liệu năm 2022 thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, mong muốn vào học đại học sau khi đã có đầy đủ thông tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT (kể cả điểm sau phúc khảo). Đây là tín hiệu tích cực thể hiện các định hướng và quyết định chủ động của thí sinh khi có đủ thông tin", thông báo của Bộ GD&ĐT nêu rõ.
Trước đó, trả lời PV Dân trí hôm 22/8, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, con số trên 320.000 thí sinh không nhập nguyện vọng (thống kê đến ngày 20/8) là số liệu bình thường, không thể hiện điều gì đáng quan ngại.
Bà nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phân tích số liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT, phân tích theo vùng miền,… đối với số lượng thí sinh không đăng ký xét tuyển kể trên để có các điều chỉnh chính sách tương ứng, phù hợp trong những năm tới.
Những mốc thời gian cần lưu ý sau khi hoàn thành đăng ký nguyện vọng
Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi hoàn thành việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, từ ngày 24/8 đến trước 17h ngày 31/8, thí sinh cần thực hiện thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển. Lịch mở chức năng thanh toán theo các tỉnh/thành (dựa trên phiếu đăng ký của thí sinh) được chia thành 6 khung thời gian, đã được Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi.
Từ ngày 1/9 đến 17/9, các cơ sở đào tạo tải dữ liệu từ hệ thống để xét tuyển và phối hợp xử lý nguyện vọng, lọc ảo.
Trước 17h ngày 17/9, các cơ sở đào tạo công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
Trước 17h ngày 30/9, các thí sinh trúng tuyển tiến hành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2022, cơ sở đào tạo có thể tổ chức tuyển sinh các đợt bổ sung. Thí sinh có nhu cầu xét tuyển đợt bổ sung vào các cơ sở đào tạo sẽ thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của từng trường.
> Khi nào các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn 2022?
> Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường học cắt giảm, tiết kiệm chi phí
Theo Dân trí