GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời thẳng thắn, trách nhiệm

Thưa GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, ông có quan điểm thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn ngày 16/11?

- Tôi rất ấn tượng với phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vì Bộ trưởng mới nhận nhiệm vụ hơn 6 tháng mà đối với toàn bộ các vấn đề 49 vị ĐBQH nêu ra, Bộ trưởng đều nắm chắc tình hình, xác định đúng nguyên nhân chính của hạn chế, bất cập và đưa ra được các biện pháp giải quyết toàn diện, có tính khả thi.

Ấn tượng mạnh nhất của tôi là sự thẳng thắn của Bộ trưởng. Trước câu hỏi của ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) về khả năng thực hiện mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ 2008-2020, Bộ trưởng đã trả lời ngay là sẽ không đạt được. Với nhiều câu hỏi khác, Bộ trưởng cũng có những lời đáp ngắn gọn, quyết đoán.

Tôi không nghĩ rằng những câu trả lời thẳng thắn như vậy là dễ dàng. Bởi vì thừa nhận Đề án không đạt được mục tiêu có nghĩa là thừa nhận trách nhiệm. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới nhận nhiệm vụ, không phải người chịu trách nhiệm trực tiếp trong chuyện này.

Nhưng ông có cái khó của mình: một mặt phải nhận trách nhiệm của người đứng đầu Bộ; mặt khác, phải nhận theo cách như thế nào đó để không đẩy trách nhiệm cho người tiền nhiệm. Cách xử lý của ông là gánh lấy trách nhiệm giải quyết và vạch ra những biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề.

Những biện pháp Bộ trưởng đề ra chắc chắn đã được nghiền ngẫm từ lâu, ít nhất là từ khi ông được phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng. Thậm chí, có những vấn đề, có thể ông đã lưu tâm và có giải pháp từ khi còn ở Đại học Quốc gia Hà Nội.

Riêng về Đề án Ngoại ngữ, tôi tâm đắc với quan điểm điều chỉnh cách tiếp cận, mục tiêu, từ cách tiếp cận ôm đồm và mục tiêu vượt quá điều kiện thực thi đưa về một phạm vi đối tượng và mục tiêu hiện thực hơn.

Trả lời ĐBQH về yêu cầu ngoại ngữ đối với cán bộ, giáo viên, giải pháp phân biệt mức độ yêu cầu với các nhóm đối tượng khác nhau (cán bộ, giáo viên tuyển mới; cán bộ, giáo viên trẻ, còn có thời gian phấn đấu; cán bộ, giáo viên đã lớn tuổi) mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra là một giải pháp thực tế, chín chắn. Nếu không có giải pháp phù hợp với thực tiễn như vậy thì những ý tưởng tốt đẹp sẽ chỉ là khẩu hiệu, không có tính khả thi.

Là người trực tiếp chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia 2016 và đưa ra phương án thi THPT Quốc gia 2017, Bộ trưởng nắm chắc và trả lời chi tiết, thuyết phục các câu hỏi của đại biểu về phương án của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, đặc biệt là về hình thức trắc nghiệm và các môn thi tổ hợp.

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Nga (Hải Dương) có quan điểm ngược lại về cách thức thi trắc nghiệm. Trả lời câu hỏi của đại biểu Nga và các câu hỏi của các đại biểu về hình thức thi và cách thức tổ chức thi, đặc biệt là thi trắc nghiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định thi trắc nghiệm không phải đi ngược lại với tính linh hoạt, năng động. Thi trắc nghiệm, mỗi học sinh có một mã đề thi riêng nên không thể có chuyện “áo trắng, áo vàng” hay “ho hắng” làm hiệu trong phòng thi.

Tôi cũng có ấn tượng với sự kiên nhẫn của Bộ trưởng. Đối với nhiều vấn đề, mặc dù Bộ trưởng đã trả lời rõ, đưa ra giải pháp cụ thể, nhưng một số ĐBQH vẫn tái chất vấn, câu hỏi không có nội dung gì mới; làm cho phần sau của buổi chất vấn kéo dài, không đề cập được nhiều vấn đề mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ  rất kiên nhẫn trao đi đổi lại với đại biểu để làm rõ vấn đề.

Tóm lại, tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng vì sự thẳng thắn, phân tích đúng tình hình, đưa ra giải pháp khả thi, nhìn nhận các mặt tương đối hài hòa.

Tuy nhiên, nếu Bộ trưởng có đủ thời gian để khái quát các câu chất vấn theo từng nhóm vấn đề thì nọi dung trả lời sẽ gọn hơn.

Cuối cùng, mặc dù câu hỏi chỉ liên quan đến phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, tôi vẫn muốn được đề cập đến một ấn tượng nổi bật nữa là phần phát biểu ý kiến bổ sung của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Bài phát biểu ngắn của Phó Thủ tướng đã giúp cho Quốc hội và cử tri cả nước thấy rõ hơn toàn cảnh của giáo dục, vị trí của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế, những triết lý đang dắt dẫn đổi mới giáo dục Việt Nam, thêm tin tưởng vào thành công của công cuộc đổi mới giáo dục. Là một nhà giáo, tôi rất cảm kích trước sự nhìn nhận công bằng, khách quan của Phó Thủ tướng và đánh giá cao những kiến giải sâu sắc trong bài phát biểu 15 phút của ông.

Trước việc Bộ trưởng thừa nhận Đề án Ngoại ngữ 2020 không đạt được mục tiêu, ông nhận định như nào về vấn đề này?

- Về một số dự án, đề án giáo dục không đạt mục tiêu, tôi cho rằng nên rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục, chứ không nên lấy đó làm buồn vì khi soạn ra đề án, người làm hướng đến một mục tiêu cao quá nhưng điều kiện không đạt được chứ không phải đề án “vứt đi hoàn toàn”.

Điều này khác với một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay những đề án xây dựng thiếu hiệu quả. Ví dụ, để đẩy trình độ ngoại ngữ của cả một thế hệ học sinh, sinh viên lên là điều vô cùng khó, chưa kể đến phải ôm thêm rất nhiều đối tượng khác trong xã hội. Việc không khả thi là do người thiết kế đề án trước đây đặt ra mục tiêu quá lý tưởng, thoát ly điều kiện thực tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nắm rất rõ tiến độ giải ngân của đề án này để đính chính lại những sai sót trong dư luận. Đây là đề án hơn  9000 tỷ nhưng thực sự đến nay mới có hơn 3.000 tỷ được giải ngân, các địa phương chi khoảng 1.600 tỷ.

Tổng kết phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có 49 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu có tranh luận lại. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là phiên chất vấn có số lượng câu hỏi và tranh luận nhiều nhất. Điều này cho thấy giáo dục đào tạo đang là “điểm nóng” của toàn xã hội?

Là người theo sát các kỳ họp Quốc hội nhiều năm, trong đó có 9 năm làm ĐBQH, tôi thấy không bất ngờ. Giáo dục là vấn đề thiết thân với từng người, từng nhà, luôn được cử tri quan tâm; do đó, việc có nhiều đại biểu đăng ký chất vấn là bình thường. Vả lại, cũng phải nói thật là các vấn đề giáo dục dễ hiểu, dễ nói hơn nhiều vấn đề khác.

Ông suy nghĩ sao về những công việc tiếp theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ phải làm trong thời gian tới?

- Hôm nay, các ĐBQH đã đặt ra nhiều vấn đề mà ngành Giáo dục cần giải quyết. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thay mặt Chính phủ đã giải trình, tiếp thu và cam kết thực hiện một số biện pháp giải quyết vấn đề.

Do đó, công việc tiếp theo Bộ trưởng cần làm là thực hiện các cam kết của mình để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nguyện vọng của nhân dân.

Nhiều giải pháp, nhiều vấn đề cần tới sự cộng tác, phối hợp của nhiều ngành và các địa phương. Bộ trưởng cần tăng cường làm việc, thống nhất với các cơ quan, tổ chức liên quan; tiếp tục đi sâu đi sát, thúc đẩy hiện thực hóa những cam kết cộng tác, phối hợp này. Hy vọng là đến kỳ họp sau của Quốc hội, nhiều vấn đề các ĐBQH đặt ra sẽ được giải quyết có kết quả.

- Trân trọng cảm ơn GS đã trả lời!

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/gsts-nguyen-minh-thuyet-bo-truong-phung-xuan-nha-tra-loi-thang-than-trach-nhiem-2577307-l.html