Với nhiều trường, tuyển thêm được thí sinh nào hay thí sinh ấy, để “bù đắp” cho một mùa tuyển sinh dự báo sẽ hụt nguồn thu đáng kể cho năm học mới đang cận kề...
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, dù số thí sinh đủ điều kiện tham gia xét tuyển ĐH là hơn 400.000 nhưng thực tế mới có chừng 230.000 thí sinh xác nhận nhập học vào các trường ĐH.
Trường quân đội cũng phải tuyển bổ sung
Nỗi ám ảnh tỉ lệ ảo ngoài tầm dự đoán của đợt 1 buộc nhiều trường phải sử dụng chiến thuật đặc biệt trong xét tuyển bổ sung. Theo đó, thay vì công bố đúng số chỉ tiêu còn thiếu, một số trường đã công bố chỉ tiêu bổ sung gấp 2-3 lần chỉ tiêu thực tế còn lại để sẵn sàng “bù ảo”. Nhiều trường chỉ còn thiếu 300-400 chỉ tiêu nhưng lại công bố tuyển bổ sung 700-800 chỉ tiêu.
Trước đó, một số chuyên gia dự đoán lượng thí sinh ảo tăng cao bất thường ở các trường lớn vì nhiều thí sinh điểm cao đã đổ dồn về các trường công an, quân đội. Tuy nhiên, đến nay đã có đủ cơ sở khẳng định giả thiết này không đúng.
Bằng chứng là lần đầu tiên trong lịch sử tuyển sinh, chính khối các trường quân đội cũng phải tuyển bổ sung đến gần 1.400 chỉ tiêu ĐH hệ quân sự. Khối trường công an đã tuyển đủ hệ ĐH, nhưng tổng chỉ tiêu hệ ĐH của các trường công an cũng chỉ là 3.200, trong khi số chỉ tiêu còn thiếu của các trường ĐH lên đến hàng trăm nghìn...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) - cho rằng tình trạng thí sinh ảo và nhiều trường ĐH - kể cả những trường ĐH tốp đầu - không tuyển đủ thí sinh trong đợt 1 là điều hoàn toàn dễ hiểu, và đáng lẽ phải được dự báo một cách đầy đủ.
Theo ông Ngọc, thí sinh được phép đăng ký đồng thời nguyện vọng vào hai trường ĐH khác nhau mà không cần có thứ tự ưu tiên trong xét tuyển, đã gây ra tình huống số đông thí sinh trúng tuyển cả hai trường.
Vì thế về lý thuyết tỉ lệ ảo rất cao, có thể lên tới 200%. Song thực tế tùy theo từng trường với mức độ uy tín, thu hút thí sinh khác nhau và kinh nghiệm trong xét tuyển mà có thể tính toán tỉ lệ ảo khác nhau.
“Sẽ có những trường xác định số trúng tuyển đạt 120-150% chỉ tiêu đã có thể xét đủ chỉ tiêu, nhưng lại có trường có thể phải xây dựng điểm trúng tuyển theo phương án đến 250% so với chỉ tiêu.
Đây là năm đầu tiên áp dụng phương thức xét tuyển này nên các trường không có căn cứ nào để tính toán, chủ yếu phải mò mẫm, có thể đúng, có thể sai, thậm chí phải liều... Có điều liều thì lại sợ vượt chỉ tiêu!
Tất nhiên, tính toán dựa trên kinh nghiệm cũng khó chuẩn, vì có thể năm trước đúng, năm nay sai do sự thay đổi trong lựa chọn của thí sinh” - ông Ngọc phân tích.
Bộ không nên tham gia trực tiếp
Trước mùa tuyển sinh 2016, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã cảnh báo về hiện tượng thí sinh ảo đến các trường ĐH, CĐ. Trong công văn gửi đến hơn 400 trường vào cuối tháng 5, hiệp hội “tha thiết kêu gọi các trường ĐH, CĐ - trước hết là các trường hội viên - mạnh dạn đứng ra làm nòng cốt tổ chức các nhóm xét tuyển chung, hoặc hăng hái tham gia vào các nhóm đó”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Viết Khuyến - Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - cho biết đây cũng là ý tưởng hiệp hội đề xuất từ tháng 3-2016 với bộ trưởng Bộ GD-ĐT, kèm kiến nghị xét tuyển theo cụm cho các trường ĐH, CĐ của GS toán học Hà Huy Khoái và TS Phan Huy Phú - hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long.
Theo đó, với thuật toán “chấp nhận trì hoãn” mà các chuyên gia đề xuất, thì dù thí sinh đăng ký nhiều ngành/trường ĐH nhưng kèm với thứ tự ưu tiên của từng nguyện vọng thì việc xét tuyển cũng diễn ra thuận lợi mà không quá lo ngại tỉ lệ ảo.
Trong đó, các trường được tự chủ định ra phương thức, tiêu chuẩn tuyển chọn thí sinh, còn bộ có thể đứng ra tổ chức các dịch vụ công ích trong việc xét tuyển theo nhóm lớn, khi có đề nghị từ nhiều trường.
Đồng quan điểm này, TS Quách Tuấn Ngọc cho rằng bài toán xét tuyển ĐH trong tình huống muốn thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng mà không làm rối việc xét tuyển của các trường, không phải khó khả thi nếu bộ giải quyết tốt một số “nút thắt”.
Ông Ngọc ví von trong xét tuyển, có thể tham khảo phương thức sử dụng vé máy bay trực tuyến hiện nay. Trước đây đi máy bay phải có cả xấp vé in, bây giờ chỉ cần code đặt vé để xác nhận, kiểm tra thêm chứng minh nhân dân. Đối với thí sinh tham gia xét tuyển cũng vậy, điều kiện công nghệ thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung cho phép thí sinh sử dụng tài khoản, mã trực tuyến.
Theo ông Ngọc, để xét tuyển trơn tru, tốt nhất Bộ GD-ĐT không nên tham gia trực tiếp vào khâu này. “Bộ xây dựng quy chế, đề ra quy định, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, nhưng bộ không cần can thiệp sâu. Bộ vẫn nên tổ chức thi chung vì bộ ra đề là tốt nhất, đảm bảo chất lượng, an toàn, khách quan, tiêu chí đánh giá thống nhất, chống được tình trạng luyện thi tràn lan...” - ông Ngọc nói.
Tuy nhiên, ông Lê Viết Khuyến cũng cho biết thêm cả công văn của hiệp hội gửi đến các trường ĐH, CĐ cũng như công văn đã gửi cho Bộ GD-ĐT tháng 3-2016 đều chìm trong im lặng, không nhận được bất cứ phản hồi nào.
Nguồn tuyển thực sự còn bao nhiêu?Bước vào đợt xét tuyển bổ sung, nhiều trường băn khoăn: Thực sự số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển mà chưa xác nhận nhập học là bao nhiêu, dải điểm cụ thể của số thí sinh này là thế nào? Liệu số thí sinh còn lại có đủ để lấp đầy 90.000 chỉ tiêu còn trống? Ngày 25-8, thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết thống kê trên hệ thống còn hơn 145.000 thí sinh đủ điều kiện xét tuyển đại học đợt 2. Đây là số thí sinh thực đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ một khối xét tuyển trở lên. Số thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên chiếm khoảng 25% các khối A, B, C và chiếm khoảng 15% các khối A1, D. Cụ thể, thống kê số thí sinh các khối ngành truyền thống từ 15 điểm trở lên và từ 20 điểm trở lên (một thí sinh có thể đạt điểm ở nhiều khối) như sau: |
Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/tin-nong-ituyensinh/20160826/goi-vuot-rao-de-bu-thi-sinh-ao/1161166.html