Sau tác phẩm Nhà báo điều tra, nhà báo Đức Hiển tiếp tục cho ra mắt cuốn sách Đừng chờ ai lên tiếng hộ mình.
Trong tác phẩm mới này, tác giả chủ yếu viết về những cuộc đấu tranh giữa “hậu duệ” và “trí tuệ”, “lý” và “lẽ” hay những vấn đề nóng, tiêu cực trong xã hội hiện đại. Tất cả được thể hiện một cách khách quan dưới cây bút của một người làm báo.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn mang đến cho người đọc một góc nhìn khác đầy nhân văn của tác giả với những vấn đề thời sự dân sinh, bức xúc trong xã hội…
Cuốn sách Đừng chờ ai lên tiếng hộ mình được chia làm 4 phần: Sự vô lý có thật, Qua ô cửa phòng xử án, Người ta trông vào, Ký ức qua tay.
Sự vô lý có thật
Trong phần này, tác giả Đức Hiển tập hợp các bài báo viết về những vấn đề, vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận nhiều năm qua trong việc ban thành và thực hiện chủ trương đường lối của các cấp chính quyền như vụ việc lãnh đạo Hà Tĩnh chủ trương và chỉ đạo xử lý 7 công chức không uống Bia Sài Gòn trong một cuộc nhậu; nhà báo Quang Thế, Thế Dũng bị hành hung khi tác nghiệp; dân trắng tay… đúng quy trình khi các nhà máy thủy điện xả lũ... Hay những vụ việc về thực phẩm bẩn và ám ảnh về nó mà các cơn bão truyền thông mang lại.
Sau tất cả sự việc trên, người phải gánh chịu những hậu quả từ những sự vô lý đó vẫn là người dân. Chưa kể nhiều gia đình phải điêu đứng với chính nguồn sống, mưu sinh của mình bấy lâu nay.
Qua ô cửa phòng xử án
Nếu như ở phần một, tác giả tập hợp những bài báo phản ánh vấn đề tiêu cực trong xã hội thì tới phần 2 này, tác giả đưa ra các bài báo thể hiện góc nhìn và quan điểm của mình vụ việc trên. Những bài viết ấy thường đi sâu vào khía cạnh tâm lý tội phạm lẫn sự băn khoăn khi chứng kiến sự cứng nhắc của luật pháp.
Trước tình huống đó, tác giả đã đặt ra câu hỏi liệu luật pháp có tình không?, những người hi sinh vì lẽ phải liệu có thực sự được đền bù xứng đáng?...
Sự phản ứng của dư luận trước vụ án “bánh mỳ” và “nghìn tỷ” tác giả cũng đã khẳng định: “Việc xét xử, trừng trị một người chỉ mang lại hiệu quả răn đe giáo dục khi bản án tuyên tâm phục khẩu phục. Nếu ngược lại, nó gây ức chế và phản cảm không chỉ với người đó mà với số đông dân chúng…”.
Qua mỗi vụ án, sau sự co rúm, ân hận của bị cáo là những giọt nước mắt của người thân, bè bạn. Đằng sau mỗi vụ án đều có một sự tiếc nuối, một cái tặc lưỡi giá như…giá như.
Qua từng con chữ, từng bài báo xuyên suốt qua ô cửa phòng xử án, tác giả giúp người đọc có thêm cái nhìn khách quan hơn về cái xấu, cái ác…vách ngăn giữa tội phạm và người thường đôi khi chỉ là một ranh giới, khi con người bị dồn đến cùng, không gì là không thể.
Người ta trông vào
Đến với phần 3, nhà báo Đức Hiển tập trung vào phong cách lẫn tư cách quan chức, sự đối sánh giữa cán bộ tham nhũng và trong sạch. Những câu chuyện như xe công xe quan, hạ cánh không an toàn… hay chuyện giữa điện thoại và cưa đôi. Không đơn thuần chỉ là những câu chuyện mà ví dụ ấy còn đại diện cho pháp luật và danh dự.
“Khi pháp luật và danh dự được đưa ra bán mua, đổi chác, mặc cả thì sự mất mát không chỉ là tiền phạt, kỷ cương mà cả niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật… Danh dự, nghĩa vụ công dân, trách nhiệm công chức và uy tín chính quyền là thứ không thể và không bao giờ có thể chấp nhận \'cưa đôi\'”.
Không chỉ dừng lại ở những câu chuyện về tham nhũng và trong sạch, phần 3 với tựa đề Người ta trông vào còn phản ánh vấn đề nóng trong xã hội hiện đại, đó là cuộc đấu tranh giữa “hậu duệ” và “trí tuệ” hay công cuộc “tìm người tài chứ không tìm người nhà”...
Có thể nói đây là thực trạng tồn tại từ rất lâu và luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Liệu trí tuệ có khả năng thắng hậu duệ hay chỉ mãi là một cuộc chiến không hồi kết?
Ký ức qua tay
Nếu như 3 phần trên đưa ra những vấn đề nổi cộm, mang tính thời sự thì phần 4 với tên gọi Ký ức qua tay lại là cái nhìn về cuộc đời, sự suy ngẫm và trải nghiệm của tác giả.
Không nóng như các phần trên, nhưng ở chương này lại mang đến cho bạn đọc đầy những triết lý, nỗi niềm của tác giả, giúp ta tiếp thêm niềm tin vào cuộc sống.
“Đàn ong nhắc tôi công viên giữa xóm và khoảnh sân trước nhà có bốn mùa hoa. Nhìn chúng nó cần mẫn và chăm chỉ suốt mùa nắng nóng mà không thở than, tôi nghĩ cuộc sống này không phải khi nào cũng dễ dàng, sẽ có những ngày khó thở, sẽ có lúc buồn chán nhưng dù thế nào thì ta chỉ có thể đi qua nó mà không hổ thẹn nếu mỗi ngày đều cần mẫn làm việc. Khi gió mưa, chúng kết giề lại với nhau, tin rằng bão giông rồi sẽ qua, và chúng đã nương vào nhau qua mùa giông bão chứ không mỗi con một hướng, tứ tán để tìm chỗ nấp cho mình. Chúng sát vào nhau từng chút một chứ không tranh riêng một ngăn tổ, chúng biết cách nhìn tích cực để thấy sự ấm áp thay vì chỉ nhìn thấy sự chật chội…”.
Theo tác giả, cuộc đời đẹp hay xấu đều tùy thuộc vào cái nhìn của mỗi người. Đừng nhìn đời bằng đôi mắt, hãy nhìn, cảm nhận nó bằng trái tim và tâm hồn!
Theo zing.vn