Sự kiện: Thông tin du học
Ngành này có trị giá 18,6 tỷ dollar Australia (AUD), mang lại khoảng 125.000 công ăn việc làm cho người Australia đồng thời là nguồn cung cấp lao động tay nghề cao cho xứ sở chuột túi.
Theo thống kê của Tổ chức giáo dục quốc tế Australia, năm 2010, trong tổng số 1,1 triệu sinh viên Australia có 619.119 sinh viên quốc tế đến từ 190 nước. Có 26.000 môn học trong hơn 1.200 trường đại học, cơ sở đào tạo nghề và trường học, được chia làm ba lĩnh vực chính: đào tạo bậc cao; huấn luyện dạy nghề và học tiếng Anh.
Để có được tiếng tăm và hiệu quả như hiện nay, dĩ nhiên dịch vụ giáo dục đã nằm trong quốc sách của Chính phủ Australia từ nhiều thập niên trước, kể từ Chương trình Colombo từ cuối thập niên 1950, qua đó gắn liền việc phát triển giáo dục với chính sách viện trợ.
Tại Australia, chính phủ miễn giảm học phí giáo dục đại học từ năm 1974. Trong khi đó du học sinh quốc tế tại Australia được nước chủ nhà cấp học bổng (Colombo và các đề án khác), hay được chính phủ nước họ tài trợ hoặc chỉ đóng học phí miễn giảm như sinh viên trong nước. Trong gần nửa triệu sinh viên quốc tế ở Australia chỉ có khoảng 5.000 sinh viên được học bổng do chính phủ Australia cấp.
Làn sóng quốc tế hóa là một xu hướng chính trong giáo dục toàn cầu từ những năm 1980. Năm 1986, chính phủ Australia quyết định mở rộng cửa cho sinh viên quốc tế bằng cách cho phép các trường đại học đón nhận sinh viên nước ngoài đến Australia bằng 100% tiền học phí tự túc. Một làn sóng tuyển sinh và tiếp thị khổng lồ diễn ra khiến lượng sinh viên đến Australia tăng vọt đến… 2.000% trong 20 năm kể từ năm 1986.
Các ngành học được sinh viên quốc tế ưa thích tại các đại học Australia là kinh doanh, quản trị và kinh tế. Các ngành nghiên cứu sau đại học được nữ sinh viên quốc tế chọn là nghệ thuật, khoa học xã hội và nhân văn. Trong khi đó các ngành nam sinh viên thường chọn là khoa học và kỹ thuật. Xu thế này cũng tương tự ở giới sinh viên bản xứ.
Thống kê của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) cho biết, vào năm 1993, Victoria là tiểu bang có sinh viên nước ngoài đến học nhiều nhất (32%), với các trường thu hút hàng đầu như Monash, Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Melbourne (tức Đại học RMIT)...
Theo công trình nghiên cứu mang tên "Giáo dục không biên giới" do Đơn vị Phân tích Kinh tế của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia biên soạn vào năm 2005, Monash là trường đại học Australia đầu tiên "lấn sân" ra quốc tế khi xây dựng một cơ sở tại tại Malaysia. Trong 5 cơ sở đại học nước ngoài ở Malaysia thì có 3 xuất phát từ Australia.
Lợi ích từ các sinh viên quốc tế đến Australia quá rõ ràng trên cả ba cấp độ: cá nhân, tổ chức và quốc gia.
Lợi ích trực tiếp là giáo dục Australia trở nên phong phú, đa dạng và trở thành "môi trường quốc tế", đồng thời có nguồn doanh thu khổng lồ từ học phí sinh viên. Vào năm 1993, học phí trung bình hàng năm cho sinh viên theo học vị tiến sĩ là 15.000 AUD, học vị thạc sĩ và nghiên cứu sau đại học là 12.000 AUD và cử nhân là 10.000 AUD. Theo thống kê năm 1993, tổng học phí thu được từ sinh viên nước ngoài ở Australia là 339 triệu AUD.
Lợi ích gián tiếp là sự tăng trưởng kinh tế trong nước và quan hệ hợp tác thương mại giữa Australia và các nước khác, đặc biệt là khu vực châu Á.
Ở Việt Nam, Australia cũng là nước tiên phong tham gia thành lập cơ sở đại học tư nhân - Trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam.
Hiện nay có hơn 23.000 sinh viên Việt Nam đang theo học trong các cơ sở giáo dục tại Australia.