Đề nghị bỏ hẳn điểm sàn đại học
Đã có không ít kiến nghị Bộ GD&ĐT nên bỏ điểm sàn hay đề xuất phương án xác định mức điểm sàn riêng cho công lập - dân lập, cho lấy chỉ tiêu dự bị ĐH ở mức dưới điểm sàn chung. Một số ý kiến lại cho rằng phải xem xét lại cách thức ra đề, hay cần có quy định nhiều mức điểm sàn cho phù hợp với cơ cấu vùng miền.
Mỗi ý kiến nêu ra đều có cái lý của nó, việc xác định điểm sàn một cách hợp lý sẽ giúp các nhà trường vượt qua được những khó khăn về nguồn tuyển. Tuy nhiên, việc xác định điểm sàn cũng cần cân nhắc kỹ, để tránh việc tạo thêm nguồn tuyển cho các trường đại học nhưng lại làm cạn kiệt nguồn tuyển đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2012 bậc ĐH tuyển được 88%, CĐ 70%, TCCN 63%. Nhìn vào cả 3 bậc học trên cho thấy đều không tuyển hết chỉ tiêu, tỷ lệ tuyển càng thấp hơn ở bậc CĐ và lại thấp hơn nữa ở bậc trung cấp. Hoàn toàn không có chuyện thí sinh trượt đại học xuống học cao đẳng và trượt cao đẳng xuống học trung cấp.
Thực tế là nhiều em trượt đại học trường này, nhưng không chấp nhận vào trường thấp hơn mà đợi sang năm thi lại.
Giải pháp nào cho điểm sàn đại học 2013?
Điểm sàn phụ thuộc vào trình độ thí sinh năm thi
Những năm qua, sau khi các trường chấm thi xong và chuyển điểm về Bộ GD-ĐT, bộ phận tham mưu tập hợp, thống kê, dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh trong cả nước dự kiến mức điểm sàn theo từng khối rồi trình Hội đồng điểm sàn của Bộ để hội đồng thảo luận, quyết định.
Cách làm này có vẻ như kiểu “đối phó tình thế” vì điểm sàn từng năm thường phụ thuộc vào mức độ dễ khó của đề thi, chỉ tiêu tuyển sinh và năng lực của thí sinh trong năm đó. Đúng ra cần xác định một chuẩn tương đối ổn định, độc lập với các yếu tố vừa nêu để học sinh phổ thông phải phấn đấu đạt đến nếu muốn vào đại học. Để đạt được điều này, đề thi phải phân loại được thí sinh và đánh giá kiến thức theo từng mức độ yếu, trung bình, khá, giỏi.
Đối với thang điểm 10, đạt trung bình thường được hiểu là 5 điểm. Do vậy, nên chăng mặc nhiên quy định điểm sàn đại học là 15 điểm cho 3 môn thi kể từ đây và những năm sau. Từ đó các trường chủ động xét tuyển thí sinh mà không cần phải họp hành, tranh luận gây lãng phí thời gian, sức lực; thí sinh không phải hồi hộp chờ đợi điểm sàn.
Còn lại, vấn đề quan trọng là việc ra đề thi. Cần có những chuyên gia am hiểu sâu về đánh giá, đo lường và nắm chắc chương trình phổ thông, đại học các ngành học liên quan đến môn thi làm “tổng chỉ huy” để thiết kế các đề thi mẫu, đề thi chính thức dùng cho các kỳ thi đại học trong nhiều năm. Ai đạt “điểm sàn mặc nhiên” đó thì mới có cơ hội xét tuyển vào đại học.
Có lẽ các kỳ thi mang tính chất học thuật trên thế giới không ai xác định “điểm sàn” sau khi chấm thi như thi đại học, cao đẳng của ta hiện nay. Chẳng hạn, các đợt thi kiểm tra trình độ tiếng Anh TOEFL, IELTS, TOEIC… ở mọi lúc, mọi nơi và đề thi khác nhau thì với kết quả quy định theo từng mức điểm cố định trước, người ta chấp nhận đạt hay không đạt trình độ tiếng Anh cho từng mục đích cụ thể.
Có thể bạn muốn biết: