Sự kiện: Giáo dục, thông tin tuyển sinh, học đường
Nỗi lo lắng về cơm áo, gạo tiền hằng ngày đang khiến nhiều tân sinh viên đứng trước nguy cơ dừng bước trên đường tới giảng đường...
Học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên 19 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và Việt Bắc: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang.
Nhiều bạn vừa học vừa mưu sinh với đủ thứ nghề, có bạn còn dự định bỏ trường về quê vì quá bế tắc trước đường học dài thăm thẳm phía trước...
Cổng trường bách khoa cao vời vợi...
Đậu Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 24 nhưng Hà Thị Loan (xóm Phố Giá, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) không thể theo học vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép. Thay vào đó, Loan quyết định chọn nguyện vọng 2 vào một trường đại học khác gần nhà.
Cô học trò này đã trải qua những năm tháng tuổi thơ khó nhọc. Năm lên 5 tuổi, Loan phải về ở với ông bà nội. Cách đây sáu năm, bố Loan mất vì bệnh hiểm nghèo. “Trước khi mất, bố để lại cho em một bức thư kẹp trong cuốn sổ do chính tay bố làm nhân sinh nhật em. Trong thư, bố nói xin lỗi vì đã không cho em có được cảm giác gia đình hạnh phúc, mong em lớn lên sẽ hiểu và tha thứ cho bố” - Loan kể.
Năm Loan học lớp 11, bà nội hơn 60 tuổi qua đời vì bệnh ung thư, kinh tế gia đình kiệt quệ. Để bớt gánh nặng cho ông nội, Loan sang ở nhà mẹ. Nhưng được một thời gian, do kinh tế gia đình khó khăn, cha dượng và mẹ khuyên Loan nghỉ học để đi làm công nhân. “Lúc đó em buồn lắm, nhưng không thể gây khó cho mẹ được, vì vậy em xin về ở với ông”-Loan tâm sự.
Để tiếp tục đi học, những lúc được nghỉ Loan ra đồng làm việc cùng ông nội hoặc đi hái chè đem bán. Hôm nào phải học cả ngày, Loan ở lại trường và nhịn ăn trưa để tiết kiệm tiền cho ông nội chữa bệnh.
Ngày nhận được giấy báo đậu Đại học Bách khoa Hà Nội cũng là ngày Loan buồn nhất vì giấc mơ đến trường của bạn phải khép lại. Không có tiền trang trải cho bốn năm học sắp tới, cô học trò nhỏ chỉ còn biết dự tính: “Nếu có thể, em sẽ xin nguyện vọng 2 vào Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên để có thể tiết kiệm tiền và đi học gần nhà...”.
Gom rác để học làm bác sĩ
Những ngày này, cậu bé Hoàng Đạt (thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội) dậy từ 5 giờ sáng để đi gom rác khắp làng cùng mẹ rồi đón xe buýt đi hơn 20km để đến trường học.
Đạt mồ côi bố khi vừa lọt lòng. Năm Đạt 2 tuổi, mẹ Đạt - bà Hoàng Thị Mai - được người em trai cho vay tiền mua miếng đất xây ngôi nhà nhỏ ở đầu làng. Để có tiền nuôi con ăn học, hằng ngày ngoài 3 sào ruộng trồng lúa, bà Mai xin đi làm lao công trong làng, thu dọn rác thải, nhưng mỗi tháng cũng chỉ được hơn 1 triệu đồng.
Không may mắn, cậu bé Đạt khi sinh ra đã mắc căn bệnh vẹo vách ngăn mũi. Vì không có tiền chữa nên sau một thời gian bệnh biến chứng sang tai khiến tai Đạt viêm nhiễm, thính lực bị giảm...
Năm 2012 Đạt thi đỗ học viện ngân hàng. Nhưng với số tiền nợ hơn 13 triệu đồng từ ngày đi phẫu thuật tai, Đạt phải xin bảo lưu để ở nhà đi làm thêm giúp mẹ trả nợ. Đạt tâm sự: “Hằng ngày em đi gom rác mang lên bờ đê đổ cùng mẹ. Ngoài ra, em đi bán sách và đi làm gia sư để kiếm thêm thu nhập”.
Năm nay Đạt thi đỗ Đại học Y Hà Nội với ước vọng: “Em muốn sau này được trở thành bác sĩ chữa bệnh, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như mình”.
“Hay là mình lại... về quê?”
Ngày liên hoan mừng một người bạn cùng lớp chuẩn bị nhập trường, Vũ Văn Sinh (xóm 3, xã Nam Hải, Tiền Hải, Thái Bình) đã khiến nhiều người dân xã Nam Hải xót xa khi thấy cậu trai 18 tuổi đỗ ĐH Nông nghiệp Hà Nội mà gương mặt lộ rõ vẻ u buồn lặng lẽ. Nhà quá nghèo nên Sinh không nghĩ đến việc nhập học. Thấy vậy, những người hàng xóm tốt bụng đã giúp Sinh nơi ăn chốn ở trong một ngôi chùa ở Gia Lâm, gần Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Mọi người còn quyên góp được 6 triệu đồng giúp Sinh đến trường.
12 năm học phổ thông là chuỗi thời gian Sinh ngập trong những buồn tủi. Hai mẹ con hết trú ngụ ở nhà một người bà họ, lại dọn về sống chung với bác. Nhưng gia cảnh của bác cũng bi đát không kém. Cả hai vợ chồng bác và anh họ của Sinh đều có biểu hiện thần kinh không bình thường.
Tai họa ập đến khi Sinh vừa bước vào lớp 10. Được xếp vào hộ nghèo đặc biệt, mẹ con Sinh được xã hỗ trợ 6 triệu đồng và cho vay thêm 7 triệu đồng để xây một ngôi nhà trú chân sau hơn chục năm ở nhờ. Nhưng móng nhà mới vừa chớm hoàn tất thì bất ngờ mẹ Sinh đổ bệnh... Căn bệnh viêm màng não làm mẹ Sinh chẳng còn nhận thức được gì. Nửa năm đầu từ viện về, người đàn bà lặng lẽ nuôi con một mình suốt 15 năm đột ngột trở nên hung hãn, liên tục chửi bới và chỉ chực xông ra đánh người. Sinh khi ấy vừa tròn 15 tuổi, cứ về đến nhà là phải gồng người giữ chặt mẹ, ngăn mẹ không làm liều...
Cũng từ đấy, Sinh mưu sinh bằng nhiều nghề, cố trang trải cuộc sống cho hai mẹ con. Mình Sinh làm bờ, gieo mạ, phun thuốc, cấy hái cả hai sào ruộng, rồi treo băngrôn thuê, dựng bạt, xếp bàn ghế cho các đám cỗ... để có tiền nuôi người mẹ vô thức. Ba năm trời, bữa trưa của hai mẹ con vá víu tí đạm từ nước phở xin của người bán cơm gần nhà. “Nhà cách trường 7km mà trưa nào thằng bé cũng tất tả về, nấu cơm rồi sang xin nhà tôi tí nước phở, xong xuôi lại ra đồng để còn kịp về đi học buổi chiều” - ông Vũ Đức Thành, người bán quán ăn nhỏ gần nhà Sinh, bùi ngùi... Sinh là một trong ba học sinh lớp 12 A8 Trường THPT Nam Tiền Hải, Thái Bình đỗ đại học năm 2013.
Nhập trường với tâm trạng mông lung, không biết duy trì cuộc sống sắp tới ra sao, lại lo cho người mẹ ở nhà chỉ biết trông cậy vào hàng xóm cùng số tiền trợ cấp ít ỏi hơn 300.000 đồng/tháng, đêm nào Sinh cũng khóc: “Mẹ đã vì lo cho mình mà thành ra như thế. Giờ nghỉ học sẽ phụ tấm lòng của mẹ. Nhưng biết làm sao. Hay là mình lại về quê?”...
200 tân sinh viên đồng bằng sông Hồng và Việt Bắc được “tiếp sức”
Sáng 22-9, tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), chương trình “Tiếp sức đến trường” 2013 của báo Tuổi Trẻ sẽ trao học bổng cho 200 tân sinh viên vượt khó học giỏi 19 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và Việt Bắc bao gồm: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Nam Định, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên. Tổng kinh phí học bổng 1 tỉ đồng (5 triệu đồng/suất kèm quà tặng) do Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, VTV9 và báo Tuổi Trẻ tổ chức) và Quỹ khuyến học Vinacam tài trợ.
Theo: tuoitre (Tin bài gốc)