Dự thảo thi THPT quốc gia: Hàng loạt câu hỏi cần làm rõPhương án thi THPT Quốc gia 2017 với 2 môn thi KHTN và KHXH đang gây nhiều băn khoăn, thắc mắc cho cả thí sinh lẫn nhà tuyển sinh ĐH. Ảnh: Như Ý.

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi bài thi tổ hợp tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và bài thi tổ hợp xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân) liệu có đánh giá đủ - đúng năng lực của học sinh để các trường làm căn cứ xét tuyển? Làm sao học sinh có thể làm quen kiểu ra đề tích hợp, khi ngân hàng đề thi chưa được phân tích rõ…

Bài tổng hợp 60 câu khó đánh giá năng lực

Nói về dự thảo thi THPT quốc gia 2017, TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên (ĐH Quốc gia TPHCM) tỏ ra lo lắng vì học sinh có quá ít thời gian để làm quen với cách học này.

“Bài thi tổ hợp sẽ chấm điểm như thế nào, chấm chung hay riêng lẻ từng môn hiện chưa được làm rõ. Cách thi này sẽ kéo theo các trường đại học xét tuyển phải thay đổi tổ hợp trong khi Bộ GD&ĐT lại quy định các trường muốn thay đổi tổ hợp xét tuyển phải công bố ít nhất là 3 năm, như vậy liệu có hợp lý?”, TS Mai đặt vấn đề.

Về lượng câu hỏi trong bài thi tổ hợp, TS Mai cho rằng mỗi bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có 60 câu hỏi là quá ít và khó có thể đánh giá hết kiến thức, năng lực của học sinh. “Nếu Bộ GD&ĐT chứng minh được bài thi tổ hợp có đầy đủ cơ sở để đánh giá năng lực của học sinh thì các trường đại học không nên tổ chức thêm một bài thi đánh giá năng lực nữa”, TS Mai nói.

“Xưa nay các trường đại học xét tuyển theo khối thi truyền thống gồm khối A là Toán, Lý, Hóa; khối B là Toán, Hóa, Sinh; C là Văn, Sử, Địa và D là Toán, Văn, Anh… Bây giờ tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thì các trường xét kiểu gì?

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh trường Đại học GTVT TPHCM

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM trăn trở về bài thi tổng hợp bởi các môn được tách ra kết quả từng phần thi khác nhau. “Nếu tính theo cách này thì nên giữ nguyên 3 môn như cũ, để tránh tình trạng thí sinh tập trung môn này mà bỏ môn kia. Bên cạnh đó, với cấu trúc đề thi này thì khung năng lực đánh giá ở đây là gì hay đơn thuần là đánh giá năng lực học được đại học hay không? ”, ông Sơn nói.

Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Luật TPHCM chia sẻ: Bài thi tổng hợp năm 2017 nếu các trường xét tuyển từng môn trong bài thi này sẽ rất khó. “Nếu thí sinh định hướng xét trường y dược không thi môn Sinh thì rất khó để đánh giá. Kết quả của thí sinh đặt ra không có cùng căn cứ để xét tuyển. Do đó, bộ nên cân nhắc kỹ hơn để đánh giá thí sinh từng môn thi trong bài thi. Riêng bài thi khoa học xã hội, đa phần thí sinh sẽ chỉ tập trung cho tổ hợp Sử, Địa mà ít quan tâm tới Giáo dục công dân nên việc đánh giá bài thi có thể bị vênh”, thạc sĩ Hiển nói.

TS Trần Thế Hoàng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM cũng cho rằng, bài thi tổng hợp 3 môn 60 câu là khó đánh giá được năng lực nên cần phải tăng lượng câu hỏi lên nhiều hơn. “Chúng tôi mong muốn có 1 kỳ thi công bằng để các trường đại học không phải tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực nữa bởi kỳ thi này vừa tốn kém, lãng phí, làm khổ người học và quan trọng là làm mất lòng tin của xã hội vào kỳ thi chung. Còn nếu trong  trường hợp phải tổ chức 1 kỳ thi năng lực thì cần phải có 1 ngân hàng đề chung để đảm bảo khách quan, công bằng, tránh sai sót…”, TS Hoàng nói.

Phải sớm công bố quy chế chính thức

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM đặt nhiều câu hỏi xoay quanh bài thi tổng hợp, như thí sinh có cần làm hết các môn hay không, thí sinh chỉ làm 2 phần Lý và Hóa mà bỏ Sinh thì có bị điểm liệt không, nếu có liệt thì liệt bài thi hay môn thi?...

Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM) cho biết, trường vẫn đang trong tâm thế chờ đợi, khi Bộ có phương án chính thức thì mới họp bàn thay đổi cách dạy học để đạt được kết quả tốt nhất. Theo ông Khương, trường hiện vẫn dạy theo chương trình chuẩn, tiếp cận theo các khối thi truyền thống gồm A, A1, B, C, D1. Học sinh đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho khối D1, nhưng với thí sinh khối A phải học thêm môn Sinh, khối B thêm môn Lý, khối C học thêm Giáo dục công dân.

“Chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi chính thức càng sớm càng tốt để trường thay đổi chương trình phù hợp. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng phải công bố sớm phương án xét tuyển 2017, trong đó xét tuyển bao nhiêu % khối thi truyền thống, xét điểm cấu phần hay nguyên điểm bài thi với 2 bài tổ hợp…”, ông Khương nói.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh trường Đại học GTVT TPHCM cũng đề nghị Bộ GD&ĐT công bố quy chế thi càng sớm, càng rõ ràng, chi tiết càng tốt. Thạc sĩ Vũ ví dụ: “Xưa nay các trường đại học xét tuyển theo khối thi truyền thống gồm khối A là Toán, Lý, Hóa; khối B là Toán, Hóa, Sinh; C là Văn, Sử, Địa và D là Toán, Văn, Anh… Bây giờ tổ hợp bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thì các trường xét kiểu gì? Theo tổ hợp truyền thống hay theo bài thi. Nếu theo tổ hợp truyền thống thì thí sinh có thể sẽ chỉ làm phần nào có liên quan mà bỏ các phần còn lại, Bộ phải nói rõ!”.

TS Ngô Hồng Điệp, Phó hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương cũng tỏ ra băn khoăn về việc xét tuyển tổ hợp môn ra sao trong bài thi tổng hợp. “Trong bài thi tổng hợp các em chỉ làm 1 hoặc 2 môn cần thiết mà bỏ môn còn lại thì vô tình cũng dẫn đến học lệch. Nếu thế thì để các em tự chọn môn thi cho khỏe?”, TS Điệp nói.

 


Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/du-thao-thi-thpt-quoc-gia-2017-hang-loat-cau-hoi-can-lam-ro-1049936.tpo