Du học Úc và những vấn đề an toàn cần phải biết
Các mối nguy hiểm mà du học sinh Úc có thể phải đối mặt
1. Động vật hoang dã
Australia là một nước có những động vật rất kỳ lạ và cũng vì thế nó hấp dẫn được nhiều du khách tới thăm. Tuy nhiên, không vì lạ mà chúng vô hại. Nguy hiểm đến từ các loài động vật hoang dã có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Thậm chí những nơi con người thường xuyên lui tới. Do đó, nếu không cản thận, chúng ta có thể bị “xơi tái” ngay lập tức.
Một số động vật phải kể đến như: cá mập, cá sấu và rắn độc. Sinh viên học tập tại Úc nên đề phòng bằng một số cách như: Bơi ở biển không quá xa, tham khảo kinh nghiệm của người có kinh nghiệm về động vật nguy hiểm, không tắm ở vùng nước sâu và có thủy triều, mặc quần áo bảo vệ, tắm ở những bờ sông có hàng rào…
2. Sông suối
Theo số liệu thống kê mới công bố gần đây, có tới hơn 1/4 trên tổng số trường hợp bị chết đuối ở Australia xảy ra ở các con sông trên cả nước, cao hơn rất nhiều so với số vụ chết đuối xảy ra tại các bãi biển.
Một phát hiện đáng chú ý nữa là trong tổng số 996 vụ chết đuối xảy ra ở các con sông trong vòng 13 năm trở lại đây, thì có tới 1/3 số các vụ chết đuối này là có liên quan đến chất cồn.
3. Ánh nắng
Ánh nắng của Australia rất mạnh trong cả mùa đông và có thể khiến da bạn bị thương tổn. Thậm chí, ngay cả chính phủ cũng thường xuyên thông báo cho người Australia để tự bảo vệ sức khỏe trong ánh nắng. Du học sinh Úc cần có sự chuẩn bị như: uống thật nhiều nước, thoa kem chống nắng , đội mũ và mặc quần áo chống nắng khi thăm quan tại nơi xuất hiện ánh nắng có cường độ mạnh.
Làm sao để hành trình du học Úc thật an toàn?
4. Lướt sóng
Lướt sóng là một trong những loại hình thể thao mà người Australia rất thích. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải có chuẩn bị thật kỹ khi bạn muốn thử sức với loại thể thao này. Vì ở các bãi biển Australia có chứa một số nguy hiểm nhất định hoặc do bạn chưa thành thạo môn thể thao lướt sóng. Kinh nghiệm du học Úc với những bạn lần đầu chơi môn này: hãy thử sức với những bãi nước nông hoặc nơi có nhiều người xung quanh. Thì bạn có thể yên tâm vì có sự đảm bảo của những tình nguyện viên cứu hộ biển và người dân Australia.
5. Cháy rừng - cháy nói chung
Người dân Úc sống chung với nguy cơ cháy rừng. Nguy cơ này thường xuất hiện từ cuối mùa xuân đến mùa hè và trong khoảng thời gian này, các bạn cần tuân theo một số khuyến cáo đơn giản về an toàn.
Du học sinh Úc cần phải cập nhật thông tin về nguy cơ cháy rừng trong các bản tin trên truyền hình, đài phát thanh và báo chí. Nếu cắm trại thì sử dụng lò sưởi được chỉ định và tuân thủ những biển báo bên đường và lệnh cấm lửa hoàn toàn. Trong trường hợp cần phải đốt lửa, luôn phải dập tắt hoàn toàn bằng nước.
6. Sự kỳ thị chủng tộc và phân biệt đối xử
Úc là một trong những điểm đến du học có lượng sinh viên nước ngoài đông đảo. Tuy nhiên, thực tế có khá nhiều du học sinh Úc tự tử vì phải đối phó với sự khác biệt văn hóa, phân biệt chủng tộc hay đời sống khó khăn. Ngoài an toàn của mạng sống, các sinh viên du học Úc phải đối phó nạn chủ nhà trọ bóc lột, tính tiền phòng cao và nhồi nhét nhiều sinh viên trong những căn nhà xập xệ, thiếu an toàn và vô cùng mất vệ sinh.
7. Cuối cùng là ức hiếp và quấy rối
Ức hiếp và quấy rối là khi bạn bị một hay nhiều người đàn áp, thông thường vì những lí do khác biệt văn hóa, giới tính, tôn giáo. Những ức hiếp, quấy rối này có thể thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp qua những phương tiện truyền thông như điện thoại và Internet (còn gọi là ức hiếp qua mạng).
Có nhiều hình thức ức hiếp khác nhau mà du học sinh Úc có khả năng bị: Qua hành động vũ lực (đánh, nhéo), Qua ngôn ngữ (trêu chọc, xúc phạm), Qua tâm lý (hăm dọa, đồn thổi, chê bai), Qua hành vi quấy rối tình dục (sờ soạng, dùng lời nói…)
Những điều cần nhớ để bảo vệ bản thân khi du học Úc
Úc có hệ thống chính trị ổn định và tỷ lệ tội phạm thấp so với thế giới, do đó người dân Úc được hưởng cuộc sống an toàn. Tuy nhiên, đất nước nào cũng tiềm ẩn những nguy hiểm, Úc cũng vậy. Vì thế, chúng ta cần phải tuân thủ những nguyên tắc an toàn khi du học Úc sau đây:
An toàn khi đi ra ngoài
Khi bạn đi chơi cùng bạn bè hay đi ra đường một mình, đây là những điều sau bạn nên lưu ý:
- Luôn luôn nghĩ xem bạn sẽ về nhà bằng cách nào, đặc biệt là buổi tối. Bạn có thể đặt trước một chiếc taxi hay sắp xếp phương tiện di chuyển cùng một người bạn. Luôn luôn đảm bảo rằng bạn có đủ tiền để về nhà.
- Cố gắng đi cùng một người bạn hay cùng một nhóm.
- Giữ túi xách và đồ đạc bên người và ở nơi mà bạn có thể luôn thấy được chúng.
- Không bao giờ đi nhờ xe.
- Nếu bạn không có điện thoại di động, hãy đảm bảo rằng bạn có thẻ điện thoại hay tiền để gọi một cuộc điện thoại.
- Hãy dùng lối cho người đi bộ và qua đường tại lối bộ hành hay theo dõi đèn.
- Hãy để đồ vật quý giá ở nhà nếu bạn không cần đem chúng theo. Bao gồm trang sức, đồ điện tử như ipad và hộ chiếu của bạn. Nếu bạn vừa mới đến và chưa có chỗ ở cố định, hãy hỏi nhân viên hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường bạn về nơi chứa đồ dễ dàng và an toàn trong trường.
- Đừng mang nhiều tiền theo bạn, bạn có thể lấy tiền tại các máy ATM tìm thấy ở các cửa hàng, siêu thị, trạm xăng, khu mua sắm, quán bar, phía trước các cửa hàng và nhiều nơi công cộng khác.
- Hãy gọi 000 khi có khả năng xảy ra tình huống khẩn cấp. Nhớ rằng các cuộc gọi đến số 000 là miễn phí.
An toàn khi ở trường hay trong khuôn viên trường
Khi bạn ở trường suốt cả ngày lẫn đêm, đây là vài lời khuyên giúp bạn được an toàn:
- Hãy chắc chắn rằng bạn biết sự sắp xếp an ninh và tình huống khẩn cấp tại trường và khu vực bạn đang sinh hoạt. Trường của bạn cung cấp cho bạn thông tin này trong toàn bộ thông tin của bạn hay khi bạn mới đến.
- Một số trường lớn có dịch vụ hộ tống an ninh hay xe buýt đưa rước ngoài giờ, hãy liên hệ trực tiếp với trường của bạn để xem họ có dịch vụ này không.
- Nếu bạn lái xe đến trường, cố gắng đậu xe gần điểm đến và sử dụng bãi xe được chiếu sáng tốt.
- Khi rời trường vào ban đêm hãy cố gắng đi cùng một người bạn hay một nhóm, đi lối được chiếu sáng và thường xuyên được người khác sử sụng để đi.
Sử dụng internet:
Khi sử dụng Internet, như bất cứ nơi đâu trên thế giới, bạn nên nhận thức được và tự chuẩn bị để bảo vệ mình khỏi thư rác, âm mưu bất lương trên internet như lừa đảo lấy thông tin tài chính bằng email, côn đồ trên internet và hành vi trộm cắp thông tin nhận dạng. Bạn có thể xem thêm thông tin về cách tự bảo vệ khi xài internet tại Australia.gov.au
An toàn khi đi du lịch/ cắm trại ở vùng xa xôi
Lái xe qua những vùng xa xôi và gồ ghề của Úc cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước khi ngồi lên xe leo núi hoặc bắt đầu một chuyến đi đến vùng hẻo lánh, du học sinh phải bảo đảm rằng chiếc xe của du khách có trang bị GPS và có hai lốp dự phòng. Lên kế hoạch cho chuyến đi một cách cẩn thận và thông báo cho bên thứ ba về đích đến dự tính của mình. Kiểm tra điều kiện đường xá trước khi khởi hành, ở yên trong xe trong trường hợp xe bị hỏng và tránh không đi trong điều kiện cực nóng. Nếu lái xe thông thường qua những vùng hẻo lánh, hãy đi thật chậm trên những con đường hẹp, gồ ghề đầy bụi bặm và luôn kiểm tra điều kiện đường sá trước khi rẽ ra khỏi những đường lớn. Độ phủ sóng điện thoại di động ở vùng xa xôi rất hạn chế, vì vậy cần kiểm tra độ phủ sóng với nhà cung cấp dịch vụ.
Nếu đi bụi hoặc đi bộ thì cần kiểm tra độ dài và độ khó của con đường và xem xét việc thuê hướng dẫn viên người địa phương cho những chặng đi bộ dài và khó khăn. Nếu đi bộ không có hướng dẫn viên đi cùng, phải nói với ai đó về nơi các bạn định đến và khi nào sẽ trở về. Đi ủng bảo hộ, mũ, kính chống nắng và thuốc đuổi côn trùng và đồ dùng cho thời tiết ẩm ướt, một tấm bản đồ và thật nhiều nước. Khi đi bộ, nhớ xem bản đồ và các biển chỉ dẫn, ở nguyên trên đường, phía sau hàng rào bảo vệ và tránh xa mép của các vách đá.
Đối mặt với nạn ức hiếp và quấy rối
Nếu phát hiện ra ai đó quấy rối hay ức hiếp bạn, việc đầu tiên cần làm là bạn hãy thẳng thắn yêu cầu họ dừng lại. Trong trường hợp hành vi đó vẫn tiếp diễn, du học sinh Úc cần báo ngay với cơ quan có thẩm quyền. Chẳng hạn, nếu bị ai đó chặn đường đi học về để đánh bạn, hãy báo ngay với sở cảnh sát ngay gần nhà để được lưu ý bảo vệ. Nếu không, bạn cũng có thể tìm đến các thầy cô giáo hướng dẫn ở trường, văn phòng sinh viên quốc tế, ông bà chủ nhà hoặc một người bạn bản xứ để được giúp đỡ.
Vượt qua nạn phân biệt đối xử
Trong giáo dục, nếu cảm thấy mình đang phân biệt đối xử và bạn không thể tự giải quyết vấn đề với họ, hãy tới cổng thông tin Chống Phân Biệt Đối Xử quốc gia tại www.antidiscrimination.gov.au để bày tỏ suy nghĩ của mình.
Khi đi làm, nên nhớ rằng bạn cũng phải nhận được những quyền lợi lao động như một công dân Úc. Nhà tuyển dụng không thể trả lương thấp hơn hay đe dọa việc rút thị thực của bạn. Nếu bạn cảm thấy nhà tuyển dụng đang phân biệt đối xử tại nơi làm việc với mình, bạn có thể liên hệ với Văn Phòng Thanh Tra về vấn đề Làm Việc Công Bằng (Fair Work Ombudsman) để tìm thông tin và hướng dẫn. Bạn có thể đọc thêm về quyền làm việc tại Úc tại trang Fairwork.
Cuối cùng, Chương Trình Đa Dạng Úc của Chính Phủ Úc là một sáng kiến để giải quyết nạn phân biệt văn hóa, chủng tộc và tôn giáo bạn cần biết khi có điều kiện du học Úc. Chương trình này cộng tác với các dự án cộng đồng địa phương và tổ chức quốc gia để quảng bá thái độ tôn trọng, công bằng, cảm giác gần gũi cho những người sinh sống tại Úc.
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, việc làm thêm khi chọn du học Úc có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các công ty tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.