12 nhóm ngành nghề hút lao động năm 2013
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM vừa công bố 12 nhóm ngành nghề “hấp dẫn” nhiều lao động (LĐ) năm 2013, chiếm hơn 91% tổng nhu cầu rao tuyển 270.000 LĐ (bao gồm 140.000 chỗ làm việc mới).
Số liệu đưa ra từ kết quả khảo sát nhu cầu tuyển dụng LĐ tại khoảng 6.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Các nhóm ngành thu hút lao động gồm marketing - kinh doanh - bán hàng; du lịch - nhà hàng - khách sạn - dịch vụ - phục vụ; CNTT - điện tử - viễn thông; quản lý - hành chính - giáo dục - đào tạo; dệt - may - da giày; tài chính - kế toán - kiểm toán - đầu tư - bất động sản - chứng khoán; tư vấn - bảo hiểm; cơ khí - luyện kim - công nghệ ôtô; hóa - y tế, chăm sóc sức khỏe; xây dựng - kiến trúc - giao thông vận tải; điện - điện công nghiệp - điện lạnh; kho bãi - vật tư - xuất nhập khẩu.
Riêng KCX-KCN TP.HCM sẽ tập trung rao tuyển các ngành cơ khí, điện tử, CNTT, hóa - dược - cao su, chế biến lương thực thực phẩm (khoảng 30.000 LĐ).
Trong năm 2013, chỉ tiêu cung ứng LĐ đạt trình độ ĐH trở lên chiếm 12,81%; CĐ - trung cấp nghề chiếm 32,73%; sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề (11,11%); còn lại rơi vào các đối tượng LĐ chưa qua đào tạo (chiếm 43,35%).
Nhìn chung, thị trường LĐ 2013 phát triển song song với xu hướng doanh nghiệp nâng cao chất lượng tuyển dụng LĐ, kết hợp khắc phục khó khăn chung của nền kinh tế. Do vậy sự chuyển dịch cơ cấu trình độ tay nghề, cung - cầu LĐ dự báo còn tồn tại nhiều nghịch lý và biến động, dẫn đến tình trạng nhiều LĐ thất nghiệp (hoặc mất việc làm) trong khi doanh nghiệp muốn có đội ngũ LĐ có tay nghề và LĐ phổ thông lại không tìm được.
Các ngành được dự báo tăng cao
Ước tính ngay trong quý I-2013, xu hướng tuyển dụng rơi vào các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, nhựa bao bì, xây dựng, cơ khí, điện tử... tăng cao nhưng không nhiều so với các năm trước (vào cùng thời điểm), chiếm khoảng 43% nhu cầu lực lượng LĐ phổ thông trên tổng số 65.000 chỗ làm việc trống vào đầu năm.
Tuy nhiên bắt đầu từ quý 2, 3-2013 trở đi, thị trường LĐ được dự báo đi vào ổn định hơn. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng trung bình cho mỗi quý đạt khoảng 70.000 LĐ. Riêng quý 4-2013 dự ước có khoảng 30% nhu cầu việc làm bán thời gian, làm việc tại nhà (thông qua các trang mạng điện tử hoặc tự tạo việc làm theo quy mô nhỏ...) trên tổng nhu cầu 65.000 LĐ sẽ được tăng nhanh hơn so với năm 2012.
Thực tế từ các cuộc khảo sát cho thấy 50% học sinh - sinh viên đã qua đào tạo việc làm có thể tìm được việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% còn lại làm việc trái ngành, thu nhập thấp, việc chưa thật sự ổn định và thường xuyên chuyển đổi công việc.
Mặt khác, do tình trạng cơ cấu ngành nghề, trình độ nghề chuyên môn, nhân lực và chính sách thu hút LĐ phân bổ không đồng đều, mất cân đối giữa các khu vực kinh tế dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tại TP.HCM tăng cao (trung bình 5%/năm). Để khắc phục, các nhà quản lý, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác đồng bộ với cơ quan, tổ chức - xã hội lập kế hoạch dự phòng, đầu tư cho hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo và thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng LĐ tương thích theo thực tế xã hội.
Ngoài ra, việc chú trọng hoàn thiện các hệ thống dự báo nhân lực, thông tin thị trường LĐ, đầu tư phát triển quan hệ doanh nghiệp, định hướng tư vấn - giới thiệu việc làm tại các trường, cơ sở đào tạo... thông qua các quỹ tín dụng việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề cũng là điều thiết yếu. Cách làm này hỗ trợ tích cực cho LĐ mất việc gặp hoàn cảnh khó khăn có thể tự tạo việc làm, trang trải cuộc sống!.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Tuổi Trẻ