Đổi mới nhưng hãy lắng nghe

Đổi mới nhưng hãy lắng nghe

Dư luận hưởng ứng, vì giảm được nhiều phiền hà, tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Xét tuyển ĐH năm 2015, Bộ cho phép thí sinh được “nộp vào, rút ra” thoải mái tới tận phút chót. Một cuộc chạy đua căng thẳng bùng phát, đến nỗi vào ngày chót có hai mẹ con thí sinh ở Hà Tĩnh phải thuê xe cấp cứu hú còi vượt hơn 350 km ra Hà Nội rút hồ sơ từ Học viện An ninh để chuyển sang Đại học Bách khoa Hà Nội.

Rút kinh nghiệm 2015, sang 2016 Bộ lại đảo ngược thành cấm “rút ra, nộp vào”, tức đã nộp hồ sơ vào trường nào là “chốt hạ” trường đó, đỗ trượt đành chịu. Tình trạng nộp hồ sơ của các trường cũng không được công bố, dẫn đến việc lần đầu tiên các hàng loạt trường top đầu lâm cảnh tuyển thiếu chỉ tiêu tuyển sinh 2016. Chuyện trớ trêu đã xảy ra, thí sinh điểm cao thì trượt, còn thí sinh điểm thấp hơn lại đỗ đối với cùng một ngành của một trường.

Với năm 2017, Bộ lại tiếp tục đổi mới, trong đó đáng chú ý là thí sinh sẽ phải thi 5 môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân), trừ môn Văn thi tự luận, 4 môn còn lại đều thi trắc nghiệm để máy chấm; mỗi địa phương chỉ có một cụm thi thay vì có hai cụm thi như hiện nay. Như vậy, thực chất thí sinh sẽ phải thi tới 9 môn thay vì phải thi 5 môn như mọi khi. Chưa kể thi trắc nghiệm môn toán cũng là điều quá mới lạ với cả thầy lẫn trò.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn cho rằng: “Phương án thi năm 2017 không phải là hoàn toàn  mới mà là sự kế thừa, cải tiến phương án thi 2016 để tốt hơn. Không phải mỗi năm một phương án mới”.

Thế nhưng, với những “đổi mới” liên tục từ 2015 tới nay như đã liệt kê ở trên, dư luận nói “3 năm 3 phương án” cũng chẳng sai. Đó chỉ là cách gọi của câu chữ, còn trên thực tế, với những “kế thừa, cải tiến” như thế này, chắc chắn cả thầy lẫn trò sẽ vô cùng hoang mang khi bước vào năm học cuối cấp 2016-2017. Một sự thay đổi quá lớn và quá đột ngột, đúng như GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định: “Học sinh sẽ không kịp chuẩn bị trong 9 tháng!”.

Hy vọng rằng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ lắng nghe ý kiến của dư luận, của chính những người trong cuộc là các em học sinh cuối cấp năm nay, để có những điều chỉnh phù hợp.  Xin nhắc lại lời của Bộ trưởng Nhạ trong buổi trao đổi với báo chí chiều 4/9 : “Với ngành giáo dục, lắng nghe là hết sức cần thiết, nhưng có lựa chọn, và bản lĩnh, nếu không sẽ thành đẽo cày giữa đường”.


Thi tốt nghiệp THPT 2017


Theo Tiền phong, nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi-chuyen-hom-nay/doi-moi-nhung-hay-lang-nghe-1047096.tpo