Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo
Thời điểm này, trong khi nhiều trường ĐH đã đến các trường THPT tư vấn tuyển sinh cho năm 2014 thì không ít trường ĐH, CĐ vẫn kiên nhẫn đợi những thí sinh xét tuyển cuối cùng của kỳ tuyển sinh năm 2013.
Phòng học dư vì không có người học được Trường ĐH Yersin cải tạo làm ký túc xá - Ảnh: Mai Vinh
Thêm một mùa tuyển sinh thất bát nữa của nhiều trường ĐH, CĐ, nhất là những trường ngoài công lập. Điểm thi của thí sinh cao, điểm sàn giảm, nguồn tuyển dồi dào hơn, được vận dụng quy chế ưu tiên nhưng kết quả tuyển sinh lại trái ngược.
>> Vì sao đại học ngoài công lập vẫn khó tuyển sinh?
Lấy phòng học làm KTX
Đây là năm đầu tiên quy chế tuyển sinh quy định việc giảm điểm sàn đối với các trường ở khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ. Thế nhưng điều này vẫn không thể cứu các trường ở những khu vực này khỏi việc tuyển sinh bết bát. ThS Phan Nam - phó hiệu trưởng Trường ĐH Yersin Đà Lạt - cho biết với 700 chỉ tiêu nhưng trường chỉ tuyển được gần 400 sinh viên. Con số này có khá hơn so với 200 sinh viên của mùa tuyển sinh trước nhờ tác động của việc giảm điểm sàn nhưng trường vẫn không tránh khỏi những khó khăn trước mắt.
“Trường đầu tư cơ sở vật chất khá nhiều nhưng người học ít nên một dãy phòng học được cải tạo để làm KTX. Nhân viên cũng dư ra nên những người không có chuyên môn nghiệp vụ cụ thể được chuyển qua quản lý khu KTX này. Học phí của sinh viên cũng chỉ đủ để trả lương và chi phí quản lý” - ông Nam nói.
Tương tự, các trường ở khu vực Tây Nam bộ như Tây Đô, Cửu Long cũng không tuyển đủ chỉ tiêu. Theo TS Nguyễn Phước Quý Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, cả bậc ĐH và CĐ đều tuyển không đủ chỉ tiêu, đặc biệt là bậc CĐ, thí sinh “chê” bậc học này vì vướng quy định về liên thông. Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Châu - hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung (Bình Định) - cho biết tình hình tuyển sinh của trường năm nay còn khó khăn hơn năm trước. Trường được phân 2.400 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 300, trong đó bậc CĐ chỉ có vài chục hồ sơ.
Chờ đợi tuyển sinh riêng
Theo lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh, đến năm 2015 Bộ GD-ĐT sẽ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Giải pháp này được nhiều trường xem là “phao cứu sinh” trong hoàn cảnh tuyển sinh bết bát như hiện nay. Thế nhưng, với nhiều trường, tồn tại đến thời điểm được tự chủ là một khoảng thời gian cực kỳ khó khăn, chẳng khác nào đang “sống mòn”.
TS Nguyễn Minh Châu băn khoăn: năm nay tuyển sinh thế này, nhờ nguồn tuyển từ những năm trước nên trường còn có thể xoay xở được. Những năm tiếp theo nếu vẫn tiếp tục như thế, với đội ngũ hơn 250 cán bộ, giảng viên thật sự, trường rơi vào tình thế rất khó khăn khi chi trả lương và các chi phí hoạt động khác. Phương thức “ba chung” nếu giữ đến năm 2015 thật sự gây khó khăn cho các trường mới thành lập như chúng tôi.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đăng Liêm - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định - cho biết nếu chờ đến năm 2015 để được tuyển sinh riêng, thật sự trường rất khó khăn. Trường cũng đã gửi đề án tuyển sinh riêng vào mùa xuân này nhưng chưa được Bộ GD-ĐT chấp nhận. Nếu được chấp nhận, phương án này sẽ phần nào tháo gỡ được khó khăn trước mắt cho các trường.
Hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, ThS Phan Nam chia sẻ: chưa có khi nào hoạt động giáo dục lại khó khăn như vài năm trở lại đây. Ngay cả việc bộ cho các trường được tuyển thêm bằng kỳ tuyển sinh mùa xuân cũng không cứu vãn được tình hình. “Trường mở ra nhiều quá, hầu như tỉnh nào cũng có ĐH trong khi số lượng học sinh đã bão hòa. Xã hội không biết trường nào chất lượng, trường nào không chất lượng. Người học sẽ khó chọn trường và nhà trường cũng sẽ rất khó khăn để thu hút người học. Thực tế những ngành mà trường tuyển sinh tốt là những ngành Trường ĐH Đà Lạt không đào tạo hoặc điểm chuẩn ngành đó cao. Học phí trường công thấp hơn nhiều nên dĩ nhiên đó là lựa chọn số một của thí sinh” - ông Nam nói thêm.
Xem xét cho tuyển sinh riêng
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga xác nhận đúng là năm nay có khoảng 10 trường ĐH chỉ tuyển được khoảng 10% mặc dù bộ đã mở rộng nguồn tuyển cho các trường rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc các trường khó tuyển sinh là vị trí địa lý và uy tín, nhất là đối với các trường ra đời chưa lâu. Hiện đã có nhiều trường gửi đề án tuyển sinh riêng và bộ đang nghiên cứu để sửa đổi quy chế tuyển sinh, dự kiến tháng 11 hoặc 12 sẽ hoàn thành. Mặc dù luật quy định các trường được tự chủ tuyển sinh nhưng cần phải có quy chế để tạo hành lang pháp lý. Khi quy chế hoàn thành, bộ xem xét trường nào đủ điều kiện sẽ được giao tự chủ tuyển sinh riêng.
Theo: tuoitre