Điểm sàn đại học bao giờ có kết luận chính thức
Ngày 11.4, trao đổi với Báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Cho tới nay Bộ chưa có chủ trương nào đặt ra 2 điểm sàn để phân biệt trường tốp trên và tốp dưới, công lập và trường ngoài công lập”.
Ông Ga giải thích thêm: “2 điểm sàn chỉ là phương án do bạn đọc hiến kế trên diễn đàn của báo Giáo dục thời đại và Dân Trí”. Ông Ga cho biết thêm: “Cách xác định điểm sàn mới dự kiến sẽ dựa vào năng lực tối thiểu mà thí sinh có thể học đại học, thể hiện qua kết quả thi "3 chung”. Nhiều người đề nghị xác định ngưỡng này trên cơ sở phân tích phổ điểm kết quả thi của thí sinh”.
Chính vì vậy, theo ông Ga, cho tới nay Bộ chưa quyết định phương án xác định điểm sàn nào cả. Sau khi có kết quả thi, Hội đồng xét điểm sàn của Bộ sẽ họp bàn và đề xuất ý kiến để Bộ trưởng xem xét quyết định. Tất cả các phương án đề xuất cho tới bây giờ cũng chỉ là tham khảo để lấy ý kiến.
Thực tế, một số năm gần đây, tình trạng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, thậm chí phải đóng cửa ngành và nguy cơ ngừng hoạt động một số trường "tốp dưới", ngoài công lập (NCL) ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện thi "ba chung" (chung đề, chung đợt, chung kết quả tuyển sinh) như hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, đã hết vai trò. Nhất là căn cứ để xác định điểm sàn tuyển sinh chung cho các trường của Bộ GD và ÐT chưa thật sự thuyết phục, công bằng do chưa bảo đảm yếu tố vùng miền, nhu cầu ngành nghề... Quy định tuyển sinh hiện nay đã tạo điều kiện cho nhiều trường công lập thành lập lâu năm có thể tuyển sinh "vét" bằng điểm sàn, khiến các trường "tốp" dưới, NCL không còn nguồn tuyển. Ðể đổi mới công tác thi, tuyển sinh, Bộ GD và ÐT dự kiến đưa ra hai mức gồm: Ðiểm sàn đại học trên được xác định theo chỉ tiêu như cũ. Ðiểm sàn dưới là tổng điểm bình quân từng môn của ba môn thi của khối thi tương ứng. Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Bùi Văn Ga cho biết, đây là phương án dự kiến dựa trên các diễn đàn điểm sàn, đề xuất của các trường NCL. Bộ GD và ÐT đưa ra phương án khả thi nhất để tham khảo ý kiến rộng rãi, nếu được đồng thuận cao sẽ áp dụng ngay trong kỳ thi năm nay.
Đâu dễ cứu trường ngoài công lập bằng điểm sàn
Thiện ý “cứu” trường, “cứu” thí sinh của Bộ GD-ĐT lại không nhận được nhiều sự đồng tình từ những người làm giáo dục, thậm chí từ chính từ lãnh đạo các trường ngoài công lập hay “tốp dưới”- nhóm trường đang được xem là cần “giải cứu”. Không ít ý kiến thẳng thắn bày tỏ quan ngại, lo lắng cho chất lượng đầu vào của một số trường tốp dưới vốn đã yếu nay lại càng thêm thê thảm. Thậm chí coi đây là một bước thụt lùi trong công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, vì thực chất là cho phép hạ điểm chuẩn thêm 2 điểm (từ 13-14 điểm xuống 11-12 điểm) dẫn đến tình huống chỉ 3 điểm/môn cũng đỗ ĐH nếu tính cả điểm ưu tiên, vùng miền.
Bên cạnh đó, nói như PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội): “Thực chất, phương án 2 điểm sàn là hạ điểm sàn. Tiêu chuẩn xét tuyển kết hợp giữa mức điểm sàn dưới và điểm thi tốt nghiệp THPT cũng khá rắc rối, gây khó khăn cho các trường, thí sinh và làm nảy sinh tiêu cực giáo dục. Nếu như Bộ GD&ĐT nói rằng mức điểm sàn dưới lấy 11 – 12 điểm vẫn đảm bảo chất lượng thì Bộ nên lấy một mức điểm sàn là 11 – 12 điểm, không cần phải xét thêm điểm thi tốt nghiệp THPT cho rắc rối, vì điểm thi tốt nghiệp chưa chắc đã thực chất”.
Điểm sàn hiện nay đang nắm giữ nhiệm vụ: Đảm bảo chất lượng đầu vào, ổn định chỉ tiêu được giao chứ không đảm bảo chất lượng GDĐH nói chung.
Khoản 2 Điều 34 Luật GDĐH quy định: “Cơ sở GDĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Các trường được tự chủ tuyển sinh theo một trong ba hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi và xét tuyển”. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ cần phải thực thi Luật GDĐH.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nêu quan điểm: Không thể cùng lúc giao ngay quyền tự chủ cho các trường. Tự chủ đến đâu cần căn cứ vào năng lực của cơ sở.
Theo khẳng định của Bộ GD&ĐT, từ nay đến 2015, sẽ ổn định nề nếp thi cử, không có thay đổi đáng kể. Phương án hai mức sàn không nhận được đồng thuận, phương án bỏ sàn chưa thể thực hiện ngay, như vậy, nhiều khả năng điểm sàn chỉ có một mức sẽ được duy trì trong năm nay.
Bạn cần biết:
Điểm sàn đại học 2013 được xác định như thế nào?
Đề xuất 2 mức điểm sàn đại học chỉ là thăm dò
kenhtuyensinh
Tổng hợp