Những năm trước, tháng Tám mới là thời điểm thí sinh quan tâm đến điểm sàn, điểm chuẩn. Thế nhưng năm nay, các bạn thí sinh phải vừa nộp hồ sơ đăng ký dự thi vừa ngóng thông tin về điểm sàn.

Loạn thông tin điểm sàn đại học

Theo thông lệ, tháng Ba và tháng Tư hằng năm là thời điểm thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Sau khi thí sinh dự thi tuyển sinh vào tháng Bảy thì tháng Tám, Bộ GD - ĐT mới công bố thông tin điểm sàn. Từ đó, các trường mới công bố điểm chuẩn vào từng ngành. Tuy nhiên, trước mùa tuyển sinh năm nay, GS. TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT cho biết: "Trên cơ sở phân tích ý kiến đóng góp ở Hội nghị tuyển sinh, qua diễn đàn "Điểm sàn" và đề xuất của các trường ngoài công lập, Bộ dự kiến phương án điểm sàn 2 mức: Điểm sàn trên và điểm sàn dưới. Dự kiến này được đưa ra dựa trên tổng hợp các ý kiến đóng góp, đề xuất về điểm sàn trong thời gian qua".

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, điểm sàn trên là mức điểm sàn không thay đổi so với những năm trước. Còn điểm sàn dưới là ngưỡng tối thiểu để các trường tuyển thêm khi chưa đủ chỉ tiêu. Điểm sàn dưới căn cứ vào mức điểm bình quân 3 môn thi trong từng khối. Ông nhấn mạnh: "Hai điểm sàn không phải là hạ điểm sàn, không phải để phân biệt trường công lập hay ngoài công lập cũng như không phải để đẩy các trường ngoài công lập thành "công dân hạng hai" như nhiều trường đã có ý kiến. Điểm sàn dưới là ngưỡng tối thiểu nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng. Sẽ có rất nhiều thí sinh đạt điểm sàn dưới nên mới phải kèm theo yêu cầu xét kết quả thi tốt nghiệp để tuyển được những thí sinh đủ chất lượng vào học những ngành, những trường còn thiếu chỉ tiêu".

Về phương thức xét tuyển, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, trong 2 đợt xét tuyển đầu tiên, các trường chỉ được nhận những thí sinh đạt điểm sàn trên trở lên. Kể từ đợt xét tuyển thứ ba trở đi, nếu chỉ tiêu tuyển sinh vẫn chưa đủ thì các trường được xét tuyển những thí sinh có điểm sàn dưới kết hợp với xét kết quả thi tốt nghiệp phổ thông. Trong tất cả các đợt xét tuyển thì những thí sinh đạt điểm sàn trên được ưu tiên xét trước. Thứ trưởng Bộ GD - ĐT cho rằng, phương án xác định điểm sàn này phù hợp với Luật Giáo dục đại học về tuyển sinh: Thi tuyển, xét tuyển hay kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển và không ảnh hưởng đến phương pháp học tập và chuẩn bị thi của thí sinh.

Tuy nhiên, khi thí sinh chưa kịp mừng vì cơ hội vào đại học năm nay sẽ rộng cửa, lại có thông tin, đó chỉ là dự kiến. Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, GS. TS Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT cho biết: "Hai điểm sàn mới chỉ là phương án dự kiến và đưa ra lấy ý kiến. Xã hội không đồng tình nên Bộ vẫn duy trì một điểm sàn như các năm trước".

Tùy tiện hay chịu sức ép?

Sở dĩ, Bộ GD - ĐT đưa ra phương án hai điểm sàn chịu sức ép lớn từ Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Trong mùa tuyển sinh 2012, nhiều trường ngoài công lập đã không tuyển đủ chỉ tiêu và có nguy cơ tan rã. Lãnh đạo nhiều trường đại học ngoài công lập cho rằng, điểm sàn là một trong những nguyên nhân khiến các trường này không tuyển được thí sinh. Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã nhiều lần gửi công văn "cầu cứu" và đề nghị Bộ GD - ĐT phải bỏ điểm sàn hoặc có hai mức điểm sàn nhằm cứu vãn tình thế khó khăn cho các trường ngoài công lập.

Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, GS. TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cho biết: "Sợ mùa tuyển sinh 2013 sẽ tiếp tục khó khăn nên Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng, mong Chính phủ cứu các trường ngoài công lập khỏi rơi vào cảnh tan rã. Việc đưa ra hai  mức điểm sàn của Bộ GD - ĐT nhằm mục đích cứu vãn những trường không tuyển sinh được". Tuy nhiên, Bộ GD - ĐT đưa ra phương án hai điểm sàn chưa được một tuần thì chính Bộ lại lên tiếng bác bỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, thông tin thiếu nhất quán từ Bộ khiến các trường đại học, cao đẳng và thí sinh lúng túng. Thí sinh Hồ Trần Việt (trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q. 6, TP.HCM) cho biết: "Sức học không tốt nên khi nộp hồ sơ dự thi mình rất cân nhắc. Nếu phương án hai điểm sàn được áp dụng trong mùa tuyển sinh 2013 thì cơ hội trúng tuyển của mình sẽ cao hơn".

Làm sao để hợp lý điểm sàn đại học?

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP. HCM cho rằng, 10 năm thực hiện "3 chung" nhưng đến nay, Bộ vẫn chưa đưa ra được phương án tối ưu thì rất đáng buồn. Lẽ ra, với kho dữ liệu về số lượng thí sinh dự thi, phổ điểm, điểm sàn, điểm chuẩn… trong 10 năm qua thì Bộ GD - ĐT có thừa cơ sở khoa học để tính toán, đưa ra phương án tuyển sinh và điểm sàn hợp lý. Chỉ tiếc, đến nay Bộ vẫn loay hoay với phương án tuyển sinh "3 chung".  Có lẽ, đã đến lúc Bộ cần đầu tư nghiêm túc để tính toán lại điểm sàn nếu muốn tiếp tục áp dụng việc thi "3 chung".

Rõ ràng, Bộ GD - ĐT đang mắc kẹt khi chịu sức ép lớn từ các trường ngoài công lập (phải hạ điểm sàn để tuyển đủ chỉ tiêu) và dư luận xã hội (nâng cao chất lượng đào tạo để sinh viên ra trường không bị doanh nghiệp tẩy chay). Muốn đưa ra phương án tuyển sinh hợp lý thì cần phải phân tích cặn kẽ cơ sở dữ liệu trong 10 năm thực tuyển sinh "3 chung". Chỉ tiếc, với cách quản lý hiện tại thì khó lòng thực hiện được vấn đề trên. Bởi, tháng Mười Một là thời điểm kết thúc xét tuyển thì tháng Giêng năm sau là họp Hội nghị tuyển sinh trực tuyến ở 6 điểm cầu. Hàng loạt vấn đề cần bàn với hàng trăm nhà quản lý giáo dục nhưng chỉ có 5 giờ đồng hồ thảo luận. Chưa kể, tháng Hai và tháng Ba là thời điểm các lãnh đạo Bộ GD - ĐT bận đi tư vấn tuyển sinh. Từ tháng Tư đến tháng Tám thì lo công tác ra đề thi và thi tuyển sinh. Tháng Chín đến tháng Mười Một thì giám sát công tác xét tuyển. Vậy thì lấy đâu ra thời gian để phân tích và tìm hướng đi mới cho tuyển sinh đại học, cao đẳng?

 

Bạn cần biết thêm thông tin về:

Tỉ lệ chọi 2013

Điểm chuẩn đại học

 

Kenhtuyensinh

Theo: SVVN