Đó là các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, văn, lịch sử, địa lý và ngoại ngữ theo hình thức tập trung. Đề kiểm tra là đề chung theo khối của trường hoặc của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), việc coi và chấm bài kiểm tra tương tự như thi tốt nghiệp THPT.
Cách kiểm tra này, nếu thực hiện nghiêm túc thì điểm kiểm tra sẽ phản ánh đúng năng lực học tập của học sinh; kết quả học tập của học sinh được đánh giá chính xác và khách quan; giáo viên dạy không thể tự quyết định điểm số theo ý riêng.
Còn hình thức kiểm tra miệng và 15 phút của các môn học được tổ chức trong tiết dạy. Giáo viên ra đề, tự coi kiểm tra và chấm bài kiểm tra học sinh; cùng với kiểm tra 1 tiết và học kỳ các môn: tin học, giáo dục công dân, công nghệ.
Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh theo cách này, nếu như người thầy không có lương tâm và lòng tự trọng, hoàn toàn không thể khách quan; trong khi hiệu trưởng và tổ chuyên môn không thể giám sát được việc cho điểm của giáo viên.
Thế nên những tiêu cực như: sửa điểm, nâng điểm, bắt “ép” học thêm, học sinh ngồi “nhầm” lớp đều xuất phát từ cách kiểm tra này; riêng điểm trung bình của học sinh lớp 12 được giáo viên cho tối đa để được dự thi tốt nghiệp và dễ dàng đậu tốt nghiệp THPT bởi điểm trung bình môn chiếm 50% trong điểm xét tốt nghiệp theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Đây là điều bất hợp lý mà Bộ GD-ĐT cần phải có sự thay đổi ngay cách đánh giá, cho điểm học sinh ở bậc học phổ thông.
Theo đó, hình thức kiểm tra miệng tất cả môn học: Không đánh giá bằng điểm số mà thực hiện bằng nhận xét như các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục đang thực hiện; không tính vào điểm trung bình của môn học; nếu học sinh không thuộc bài hoặc không thực hiện các yêu cầu của giáo viên sẽ bị trừ điểm đạo đức theo quy định; do hiện nay ở nhiều trường phổ thông khi vi phạm điều này, học sinh vừa bị 0 điểm vừa bị trừ 0,5 điểm hành vi đạo đức mỗi lần vi phạm.
Với hình thức kiểm tra 15 phút, 1 tiết và học kỳ của các môn học (trừ môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, nay thêm môn giáo dục quốc phòng - an ninh) được đánh giá bằng cho điểm; được tổ chức tập trung: đề kiểm tra chung theo khối của trường hoặc của sở GD-ĐT, theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn ngữ văn), mỗi học sinh trong phòng kiểm tra có một mã đề riêng, việc tổ chức coi và chấm bài kiểm tra tương tự như thi tốt nghiệp THPT .
Nếu có sự thay đổi này, chắc chắn học sinh sẽ học tốt tất cả môn học, không còn phân biệt môn chính, môn phụ; không còn học “tủ” và học lệch ngay từ lớp đầu cấp (theo lộ trình của Bộ GD-ĐT đến năm 2019 sẽ lấy điểm trung bình kết quả học tập 3 năm cấp THPT); kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển lớp 10 sẽ bớt đi thí sinh bị điểm “liệt”; học sinh vào lớp 10 công lập, đậu tốt nghiệp THPT xứng đáng hơn; các trường ĐH, CĐ xét tuyển qua học bạ sẽ có chất lượng hơn; học sinh lại được trang bị kiến thức toàn diện hơn để vào đời hoặc tiếp tục học nghề, học CĐ, ĐH. Quan trọng hơn là điều đó góp phần chấm dứt tình trạng giáo viên “ ép” học sinh học thêm.
Theo báo Lao động, tin gốc: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/diem-mon-phu-kho-giam-sat-20161204213126283.htm