Tuyển sinh đại học, cao đẳng mùa nào cũng được xem như một cuộc chơi đầy mạo hiểm của thí sinh và phụ huynh. Năm nay cũng vậy, có đổi mới, có tiến bộ thì con đường vào đại học của học sinh cũng vẫn đầy những may rủi, cũng đòi hỏi nhiều tính toán đủ đường.
Ở thời điểm hiện tại, một lựa chọn không hợp lí có thể khiến thí sinh vuột mất cơ hội vào đại học dù điểm số không hề thấp (Thí sinh thi tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Sinh tại TP.HCM). Ảnh Hoàng Hoa
Nộp hồ sơ qua bưu điện là “chắc ăn” nhất
Tiến sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có lời khuyên rất thật lòng với các thí sinh là nên lựa chọn hình thức nộp hồ sơ bằng đường bưu điện, vì có các con dấu xác minh thời điểm nộp, sẽ dễ “nói chuyện” hơn sau này. Còn hình thức nộp trực tuyến là phương thức mới, còn có nhiều phức tạp.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cũng lưu ý phương thức nộp hồ sơ trực tuyến có một số hạn chế như sẽ không thể thay đổi chế độ ưu tiên và phải chọn đúng trang web của Bộ GD-ĐT. Còn khi nộp hồ sơ qua đường bưu điện thì phải lưu giữ lại biên lai và liên hệ với trường đại học để biết được phải nộp tiền xét tuyển theo phương thức nào.
Năm nay, trong đợt 1 xét tuyển, thí sinh có thể nộp hồ sơ tối đa 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành. Tuy nhiên, Bộ GD – ĐT không hạn chế số lần nộp hồ sơ xét tuyển. Do đó, các thí sinh có thể nộp rất nhiều hồ sơ cho rất nhiều trường mà không hề bị coi là vi phạm.
Tuy vậy, cách làm này, theo một số chuyên gia thì có thể dẫn đến tác dụng ngược: đó là khiến các thí sinh không thể kiểm soát được khả năng trúng tuyển. Khi nộp nhiều hồ sơ thì thí sinh không thể biết được trường nào sẽ nhận được hồ sơ đầu tiên. Và khi 2 trường đại học đầu tiên đã nhận hồ sơ xét tuyển thì các trường khác sẽ không thể tiếp nhận hồ sơ xét tuyển được nữa.
Điểm chuẩn sẽ giảm từ 1 - 1,5 điểm
Một trong những căn cứ khác hết sức quan trọng để thí sinh lựa chọn là điểm chuẩn năm trước của các trường. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, khả năng điểm chuẩn của các trường năm nay sẽ giảm hơn năm trước từ 1 đến 1,5 điểm. PGS – TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đưa ra “bí kíp” chọn ngành đó là căn cứ vào biểu đồ hình sin của điểm chuẩn. Đơn giản là nếu điểm chuẩn năm trước cao thì năm nay sẽ giảm xuống.
Hiện một số trường đại học tại TP.HCM đã “mạnh dạn” đưa ra điểm trúng tuyển tham khảo. Điểm chuẩn của trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có thể giảm từ 1 -2 điểm so với năm ngoái. Cụ thể là nằm trong khoảng từ 16 đến 19, so với năm ngoái là từ 17 đến 21 điểm. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM sẽ vẫn lấy điểm trúng tuyển là từ 17 như năm ngoái nhưng một số ngành điểm cao thì có thể giảm xuống từ 1 – 1.5 điểm. Thí sinh lưu ý một số ngành có điểm đầu vào khá cao là Thú y, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ hóa, nông học, quản lý môi trường.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM điểm trúng tuyển năm ngoái là 19 đến 24 điểm. Năm nay dự kiến giảm từ 1-1.5 điểm. Một số ngành có điểm rất cao là cơ điện tử, ô tô, điện - điện tử, tự động hóa…
Và một lưu ý hết sức quan trọng đó là khi đã có thông báo trúng tuyển thì thí sinh phải xác nhận việc lựa chọn của mình bằng cách nộp phiếu điểm cho trường trong thời gian quy định. Nếu không thì cũng coi như là thí sinh không hề trúng tuyển.
Việc lựa chọn ngành nào, trường nào để nộp hồ sơ xét tuyển là bài toán không hề dễ dàng. Theo như dự đoán của PGS – TS Bùi Xuân Hải, Phó hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM thì tuyển sinh năm 2016 khác với năm ngoái nên cũng không thể dự đoán được gì nhiều về điểm sàn hay điểm chuẩn nhưng dự đoán là chắc chắn sẽ có những bất ngờ.
Theo Dân Việt, nguồn: http://danviet.vn/tin-tuc/diem-cao-van-co-nguy-co-khong-dau-dai-hoc-697076.html