Vốn không phải “dân” Sử chính hiệu nhưng Trần Bảo Sơn (học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT Sơn Tây) xuất sắc là thí sinh duy nhất đạt điểm 10 tuyệt đối môn Lịch sử của thành phố Hà Nội trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017.
Học hành kiểu… “lãng tử”
Nam sinh sở hữu điểm 10 Sử duy nhất của Hà Nội còn đạt 9,5 điểm môn Địa lý, 9,6 điểm môn Tiếng Anh và 8 điểm môn Ngữ văn. Khi được hỏi về quá trình ôn luyện, chàng trai 9X đáp: “Em chỉ dành đúng 2 tuần cuối cùng để ôn tất cả các môn thi, trong đó có môn Sử”.
Chẳng phải sự ăn may nào đó, mấu chốt của kết quả xuất sắc theo Sơn không phải đong đếm bằng thời gian “cày” sách vở mà ở cách tư duy và phương pháp tiếp cận mỗi môn học.
Sơn tâm sự, thú thật em dành khá ít thời gian cho việc học nghiêm túc, việc đọc sách và dùng máy tính chiếm phần lớn quỹ thời gian của em. Sơn học theo cảm hứng, không ít lần lần xin nghỉ học thêm để đi chơi hoặc đi thể dục.
Bảo Sơn cho rằng chỉ khi tâm lý không bị căng thẳng thì mới tiếp thu kiến thức tốt nhất. “Trong vòng 2 tuần do xác định thi tốt nghiệp nên em cảm thấy hợp lúc nào thì học, đa phần là sáng chiều học một chút, tối chơi điện tử thư giãn, gần sáng thì gọi các bạn dậy dạy học cho mình. Trong lúc chơi thì thi thoảng đảo mắt qua cái là nhớ ngay”, Sơn cười nói.
Môn Địa lý và Văn học, Sơn đa phần nhờ các bạn của em dạy trong 2 tuần “nước rút”, kết quả đạt được tương đối tốt.
Tự mày mò tiếng Nga để đọc tài liệu Sử học
Trong khi đối với rất nhiều bạn trẻ, môn Lịch sử có phần nặng nề, đáng sợ thì chàng trai 9X lại có một tình yêu lớn đối với môn học “khó nhằn” này.
Kể về tình yêu Sử học, Sơn chia sẻ: “Hồi bé nhà chưa có truyền hình cáp, những giờ xem tivi em đa phần gặp các chương trình như Phim tài liệu, Theo dòng lịch sử... , niềm đam mê với lịch sử lớn dần trong em. Lên cấp ba thì đỗ vào chuyên Anh, gia đình và bản thân em cũng xác định sẽ dành thời gian cho môn chuyên nhưng khi lên lớp 11 do may mắn gặp được thầy Nguyễn Khánh Vân - người thầy truyền cho em nhiều cảm hứng môn Sử cũng như ý thích của bản thân nên em xin rút đội tuyển Tiếng Anh chuyển qua thi Sử”.
Về cách học, chàng thủ khoa môn Sử của Hà Nội cho biết, em hầu như không học kiến thức trong SGK nhiều. Đối với môn Sử, Sơn chỉ lấy chương trình SGK làm nền (chứ không phải học SGK). Em chủ động tìm sách đọc ngoài, tích cực trao đổi với giáo viên về những vấn đề bản thân thấy cần thiết, tham gia tranh luận với bạn bè để nâng cao kiến thức và cách suy luận nhằm hiểu rõ nhất vấn đề. Thời gian rảnh, Sơn hay viết bài cộng tác cho một số tổ chức, tờ báo chuyên trang về Sử học.
Khi còn là học sinh lớp 11, Sơn được chọn vào đội tuyển cùng các anh chị lớp 12 để thi học sinh giỏi toàn thành phố Hà Nội môn Sử. Kết quả, em đạt giải Nhì. Năm học lớp 12 vừa rồi, Sơn “ẵm” tiếp giải hai giải Nhì học sinh giỏi cấp thành phố và cấp quốc gia môn Lịch sử. “Sử giúp em hiểu về cội nguồn của chính bản thân và chỉ khi hiểu bản thân thì chúng ta mới phát triển được”, Sơn nói.
Theo Sơn, môn Sử giúp em có tư duy phân tích dữ kiện lịch sử đồng thời hỗ trợ em học tốt các môn xã hội khác. Điều thú vị khác là nam sinh này còn tự mày mò học tiếng Nga để đọc thêm các tài liệu Sử học mà tiếng Việt không có. Dù không thành thạo nhưng hiện tại, em có thể dùng các công cụ hỗ trợ để đọc - hiểu tài liệu tiếng Nga.
Với điểm 10 tròn trĩnh môn Sử kỳ thi THPT Quốc gia, chàng trai chuyên Anh khẳng định một điều rằng với niềm đam mê cháy bỏng, sự nỗ lực và phương pháp học hiệu quả thì không gì là không thể.
Những năm cấp 3, chàng lớp trưởng lớp chuyên Anh cũng rất năng nổ. Học giỏi, điển trai, tính cách cởi mở, Sơn là người tiên phong trong các hoạt động ở trường. lớp. Em khởi xướng và là trưởng ban tổ chức chương trình “Thân ái Sơn Tây”, chuỗi hoạt động dành cho học sinh cuối cấp của trường THPT Sơn Tây.
Xem thêm: Điểm chuẩn các trường đại học 2017
Theo Dân Trí