Sự kiện: Trường quốc tế, du học Mỹ
1. Tôi không thể tham dự phỏng vấn như đã hẹn. Tôi có thể xin phỏng vấn vào một ngày khác được không?
Có thể. Vì bất kỳ một lý do nào đó mà đương đơn không thể đến phỏng vấn vào ngày đã được hẹn, đương đơn cần phải thay đổi ngày phỏng vấn của mình qua hệ thống xin hẹn phỏng vấn trên mạng tại trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ và phải in ra giấy xác nhận ngày hẹn mới. Đương đơn không cần phải liên hệ với Phòng lãnh sự, Đại sứ quán Hoa Kỳ.
2. Tôi nói tiếng Anh không được tốt, tôi có thể phỏng vấn bằng tiếng Việt được không?
Có thể. Các viên chức Lãnh sự đều biết tiếng Việt và chúng tôi có phiên dịch.
3. Liệu thân nhân hoặc luật sư đại diện của tôi được tham dự buổi phỏng vấn xin cấp thị thực của tôi không?
Theo qui định chung được áp dụng toàn cầu, không có bất kỳ bên thứ ba nào được phép tham dự buổi phỏng vấn xin thị thực không di dân.
4. Các trung tâm dịch vụ visa có giúp tôi xin được visa không?
Không. Đừng tin bất kỳ người nào nếu họ nói họ có thể giúp bạn lấy được visa. Cũng đừng trả tiền làm giấy tờ giả mạo vì viên chức Lãnh sự được đào tạo kỹ năng phát hiện giấy tờ giả cũng như những lời khai man.
5. Như thế nào là đương đơn được xem “có sự ràng buộc với Việt Nam”?
“Những ràng buộc” ở đây là những khía cạnh cuộc sống của đương đơn mà chúng ràng buộc đương đơn với nơi mình cư trú, bao gồm các mối quan hệ gia đình, công việc và sở hữu tài sản. Trong trường hợp đương đơn còn nhỏ tuổi viên chức phỏng vấn sẽ xem xét về trình độ học vấn, bảng điểm, tình trạng cha mẹ của đương đơn và những kế hoạch trong tương lai cũng như triển vọng tiềm năng của đương đơn ở Việt Nam. Mỗi đương đơn có một tình trạng khác nhau, nên sẽ không có một câu trả lời chung cho đương đơn để chứng minh mối ràng buộc này.
6. Nếu như tôi có một lá thư từ một người có chức quyền bảo đảm việc quay trở về Việt Nam của tôi, thì tôi có được cấp thị thực không?
Một lá thư từ người có chức quyền cũng không thể chứng minh mối ràng buộc của đương đơn với đất nước mà đương đơn đang cư trú. Theo luật của Hoa Kỳ, mỗi đương đơn phải tự mình thuyết phục viên chức bằng chính khả năng của mình.
7. Có tốt hơn nếu tôi không khai rằng tôi có bà con thân thuôc đang sinh sống tại Hoa Kỳ, hoặc tôi có hồ sơ bảo lãnh định cư hoặc tôi đã bị từ chối thị thực trước đây? Sẽ có hậu quả gì nếu như tôi giấu giếm, không khai báo hoặc nộp giấy tờ giả mạo?
Sự khai báo thành thật, rõ ràng là tốt nhất. Chúng tôi cũng biết và hiểu rằng rất nhiều đương đơn có gia đình, họ hàng sống tại Hoa Kỳ, nhưng đương đơn chỉ muốn thăm viếng họ trong thời gian ngắn cũng như đương đơn đang có hồ sơ bảo lãnh nhưng chưa có ý định định cư tại Hoa Kỳ vào thời điểm này. Do đó, tốt nhất là đương đơn nên khai báo thành thật tình trạng của mình. Điều hiển nhiên, nếu viên chức phỏng vấn phát hiện đương đơn cố tình giấu giếm hoặc cung cấp thông tin sai lệch thì chắc chắn đơn xin cấp thị thực sẽ bị từ chối và trong một số trường hợp, đương đơn đó sẽ vĩnh viễn bị cấm không được nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
8. Tôi đã trình ra tất cả các giấy tờ theo hướng dẫn, tôi có được cấp thị thực không?
Không nhất thiết là như vậy. Viên chức phỏng vấn sẽ phải áp dụng điều khoản 214(b) của Bộ Luật Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (INA) để quyết định xem đương đơn có đủ điều kiện được cấp thị thực không. Một phần điều khoản này nêu rằng:
Mỗi ngoại kiều (đương đơn xin thị thực) sẽ được coi như có ý định định cư cho đến khi đương đơn, vào thời điểm xin cấp thị thực, thuyết phục được viên chức lãnh sự rằng đương đơn hội đủ điều kiện được cấp thị thực. . .
Điều này có nghĩa là viên chức lãnh sự, theo tinh thần của điều luật, luôn xem đương đơn như đang có ý định định cư tại Hoa Kỳ cho đến khi đương đơn chứng minh được điều ngược lại. Đương đơn có thể đưa ra những chứng minh dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng khi tổng hợp lại thì chúng phải đủ thuyết phục viên chức lãnh sự tin rằng những mối ràng buộc về xã hội, gia đình, kinh tế và các ràng buộc khác ở Việt Nam của đương đơn là lý do buộc đương đơn phải rời khỏi Hoa Kỳ khi kết thúc thời gian lưu trú tạm thời. Đương đơn nên chuẩn bị để trình bày trường hợp của mình thật rõ ràng và chính xác. Đương đơn có thể yêu cầu buổi phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
9. Tại sao cuộc phỏng của tôi quá ngắn? Viên Chức chỉ hỏi tôi một vài câu hỏi và hầu như không xem đến những giấy tờ của tôi?
Trong mỗi một ngày làm việc, một viên chức có thể phải phỏng vấn rất nhiều đương đơn trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong đơn xin thị thực của đương đơn nếu được hoàn tất đầy đủ đã bao gồm hầu hết các thông tin cần thiết cho việc xét cấp thị thực. Viên chức chỉ xem đến những giấy tờ của đương đơn khi viên chức cần làm sáng tỏ hơn nữa tình trạng của đương đơn.
10. Nếu được cấp thị thực công tác hoặc du lịch (B1/B2), tôi có thể ở Hoa Kỳ được bao lâu?
Thị thực là điểu kiện cần cho phép đương đơn xin nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Có sự khác nhau giữa thời gian hiệu lực của thị thực (dài nhất là một năm cho người Việt Nam) và thời gian được phép lưu lại Hoa Kỳ (mà có thể trong một vài ngày). Ngày hết hạn của thị thực là ngày cuối cùng mà đương đơn được phép vào Hoa Kỳ. Khi nhập cảnh, các viên chức Bộ An ninh nội địa (DHS) tại các cửa khẩu, không phải là viên chức lãnh sự, sẽ quyết định thời gian đương đơn được phép ở lại Hoa Kỳ để đương đơn hoàn thành mục đích của chuyến đi.
Nếu đương đơn muốn lưu trú ở Hoa Kỳ lâu hơn thời hạn được phép thì đương đơn phải gửi đơn yêu cầu xin gia hạn đến văn phòng Sở Di Trú Hoa Kỳ (USCIS). Các hình phạt sẽ được áp dụng đối với đương đơn nào lưu lại Hoa Kỳ quá thời hạn cho phép. Ngay cả việc “ở quá hạn” một ngày cũng có thể ảnh hưởng rất xấu đến cơ hội được cấp thị thực trong những lần sau.
11. Với thị thực công tác hoặc du lịch tôi có thể làm gì ở Hoa Kỳ?
Thị thực cho khách thăm là thị thực được cấp cho các đương đơn lưu trú tạm thời ở Hoa Kỳ với mục đích công tác hoặc du lịch. “Công tác” nói chung không bao gồm các công việc sinh lợi nhuận, nhưng nó bao gồm hầu hết các hoạt động thương mại hợp pháp khác. Một đương đơn được cấp thị thực công tác có thể đến Hoa Kỳ để tiếp xúc với các hội viên thương mại, thương lượng, ký kết các hợp đồng, mua hàng hóa, giải quyết về tài sản, làm nhân chứng trong một phiên tòa, tham dự các hội nghị chuyên ngành hoặc thương mại, hay tiến hành các cuộc nghiên cứu độc lập.
“Du lịch" bao gồm các dạng tham quan, thăm bạn bè, thân nhân, chữa bệnh, tham dự các hội nghị, các buổi tọa đàm, các hiệp hội doanh thương hoặc các tổ chức xã hội, tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ nghiệp dư không có thù lao về âm nhạc, thể thao, và các sự kiện hoặc các cuộc thi tương tự khác.
Tại cuộc phỏng vấn, đương đơn phải giải thích thật rõ ràng lý do muốn đến Hoa Kỳ. Viên chức phỏng vấn sẽ dựa vào đó quyết định loại thị thực thích hợp cho mỗi đương đơn.
12. Tôi là một công dân Việt Nam. Tôi có thể xin cấp thị thực không di dân vào Hoa Kỳ tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở nước khác được không?
Có thể. Tuy nhiên, chúng tôi KHÔNG khuyến khích quý vị nộp đơn xin cấp thị thực không di dân vào Hoa Kỳ tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở một nước thứ ba như Thái Lan, Mã Lai, v.v… vì rất khó để các viên chức lãnh sự ở các nước đó xác định được những rằng buộc chặt chẽ của đương đơn với đất nước của họ và thường là các viên chức sẽ từ chối cấp thị thực và thông báo cho đương đơn về nộp đơn xin cấp thị thực vào Hoa Kỳ ở đất nước của mình.
13. Tôi có chồng/vợ là công dân Hoa Kỳ. Tôi có thể xin cấp thị thực du lịch để thăm chồng/vợ ở Hoa Kỳ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ không?
Có thể. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn cho các đương đơn thuyết phục viên chức phỏng vấn rằng mình chỉ có ý định viếng thăm chồng/vợ trong thời gian ngắn, điều kiện để được cấp thị thực du lịch. Khi các viên chức lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao xem xét các đơn xin cấp thị thực không di dân vào Hoa Kỳ, theo tinh thần của điều luật, luôn xem các đương đơn như đang có ý định định cư tại Hoa Kỳ cho đến khi các đương đơn chứng minh được điều ngược lại. Nếu đương đơn nào bày tỏ ý định của mình sẽ định cư trong tương lai gần, thì sẽ vô cùng khó khăn cho đương đơn để chứng minh rằng mình sẽ không ở lại Hoa Kỳ sau khi đã nhận được thị thực du lịch vào Hoa Kỳ. Hầu hết các đương đơn không thể trình bày “ý định kép” (có nghĩa là trước mắt đương đơn chỉ đi trong thời gian ngắn nhưng sau này sẽ đi định cư), điều mà khiến cho đương đơn rất khó hội đủ điều kiện được cấp thị thực du lịch.
14. Đơn xin cấp thị thực không di dân của tôi đã bị từ chối. Tôi phải làm gì để xin cứu xét cho thị thực bị từ chối?
Theo qui định chung được áp dụng toàn cầu, bất kỳ đơn xin cấp thị thực không di dân nào, một khi đã bị từ chối theo Điều khoản 214(b), sẽ không được xem xét lại cho đến khi đương đơn đó xin tái phỏng vấn. Tiến trình đúng cho việc xin xem xét lại thị thực bị từ chối là đương đơn phải xin tái phỏng vấn để một viên chức lãnh sự khác xem xét lại đơn xin cấp thị thực của mình. Đương đơn phải đóng lại phí xin cấp thị thực và lấy ngày hẹn khác để tái phỏng vấn. Lưu ý rằng chúng tôi luôn khuyến cáo các đương đơn đã hơn một lần bị từ chối là KHÔNG nên tái phỏng vấn ngay cho đến khi tình trạng của đương đơn có sự thay đổi đáng kể, vì nếu không rất có thể đương đơn sẽ bị từ chối lần nữa.
15. Hộ chiếu của tôi đã hết hạn tuy nhiên visa vẫn còn giá trị và được ra vào nhiều lần, vậy tôi có phải xin visa mới không khi tôi có hộ chiếu mới?
Đương đơn không cần xin lại visa khác mà có thể s ử dụng hộ chiếu cũ (có visa còn giá trị) và hộ chiếu mới để đến Hoa Kỳ.
16. Tôi có thể mua vé máy bay trước khi thị thực được cấp?
Đương đơn không nên mua vé máy bay trước khi đương đơn được cấp thị thực và cũng không nên có kế hoạch cố định cho đến khi nhận được visa.
Du học, du học Mỹ, thông tin du học Mỹ, phỏng vấn visa du học Mỹ
Đăng ký nhận thông tin du học Mỹ qua email tại ô bên dưới
Kênh Tuyển Sinh