Đến lúc quan tâm chất lượng tiến sĩ
Sẽ thay đổi việc đào tạo tiến sĩ


Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, cho biết về số lượng tiến sĩ, đến thời điểm này về cơ bản chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu nhưng chất lượng thì còn có vấn đề. Giờ đã đến lúc cần phải quan tâm vấn đề chất lượng.

Ngày 23.11, website của Bộ GD-ĐT đăng tải thông tin bộ này đang tiến hành điều chỉnh quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành đảm bảo nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo.

Ông Bùi Văn Ga cho biết: “Cách đây 6 năm, đứng trước bối cảnh các trường ĐH thiếu giảng viên có trình độ tiến sĩ, Chính phủ đã phê duyệt đề án đào tạo 20.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ cho giai đoạn 2010 - 2020, trong đó khoảng 10.000 tiến sĩ được đào tạo trong nước. Có thể nói, về số lượng tiến sĩ, đến thời điểm này cơ bản chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu của đề án trên. Nhưng về chất lượng thì còn có vấn đề. Giờ đã đến lúc cần phải quan tâm vấn đề chất lượng. Vấn đề của chúng ta là nguồn lực có giới hạn trong khi đầu tư dàn trải thành thử chỉ có thể đầu tư mỗi nghiên cứu sinh (NCS) trong nước là 15 triệu đồng/năm. Giờ thì đã thấy rõ không ổn.

Đầu tư quá thấp thì không thể đòi hỏi chất lượng


Đầu tư mỗi NCS trong nước 15 triệu đồng/năm thì có phải là quá chênh lệch so với khi gửi người ra nước ngoài làm NCS?

Đây là một vấn đề mà các chuyên gia, các cơ sở giáo dục đào tạo đã nhìn thấy từ lâu. Chẳng hạn như ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã xây dựng một đề án đào tạo sau ĐH, trong đó họ đề xuất thay vì gửi NCS đi nước ngoài thì đào tạo trong nước, họ cam kết chất lượng đào tạo tương đương nước ngoài với số tiền đầu tư ít hơn. Nhưng theo tôi biết thì Bộ Tài chính không đồng ý.

Ngay cả với Đề án 911, trong quá trình xây dựng đề án, Bộ GD-ĐT đã thiết kế định mức tối thiểu 210 triệu đồng/NCS (3 năm, mỗi năm 70 triệu đồng) đào tạo trong nước mà chất lượng thì đảm bảo. Nhưng Bộ Tài chính không đồng ý, họ rút xuống còn 14 - 15 triệu đồng/năm. Đầu tư quá thấp như vậy thì nỗ lực mấy chất lượng vẫn không thể nào so sánh với các nước, trừ một số trường hợp NCS may mắn được thầy hướng dẫn là những nhà khoa học có đề tài khoa học, có quan hệ hợp tác quốc tế…

Người hướng dẫn NCS bắt buộc phải đang hoạt động khoa học, những người thầy đó phải được đầu tư kinh phí thì họ mới nghiên cứu khoa học được chứ ?

Đúng thế nhưng bối cảnh nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay khiến cho không phải thầy nào cũng có tiền để tiến hành nghiên cứu (phải được nhà nước giao đề tài thì mới có tiền). Hiện nay nhiều thầy không có đề tài, không có tiền nhưng do yêu cầu nên các thầy vẫn phải đào tạo. Không có đề tài, không có tiền, không có cơ sở vật chất vẫn phải làm, nên đòi hỏi chất lượng là rất khó.


“Xóa dâu trồng sắn rồi xóa sắn trồng dâu”



Tại sao các nhà khoa học không có nguồn kinh phí mà vẫn phải đào tạo để đáp ứng chỉ tiêu?

Chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ là thực hiện theo Thông tư 32. Trong đó, quy định mỗi người có học hàm học vị nào sẽ được đào tạo tối đa bao nhiêu chỉ tiêu tiến sĩ, thạc sĩ. Vì thế mới có những đề tài tiến sĩ chung chung kiểu như 3 vấn đề 4 giải pháp, rồi 4 giải pháp 3 vấn đề. Cho nên trong việc hướng dẫn NCS làm luận án người ta lưu truyền những câu chuyện cười ra nước mắt, kiểu như người trước làm đề tài xóa cây dâu trồng cây sắn, người sau lại làm đề tài xóa cây sắn trồng cây dâu…

Sở dĩ các NCS cứ phải xoay đi xoay lại một vấn đề cũ như thế là bởi ông thầy chẳng có nghiên cứu nào mới. Vấn đề này càng đáng lo ngại trong lĩnh vực quản lý và khoa học xã hội - nhân văn khi số lượng NCS rất đông, mỗi thầy hướng dẫn đồng thời nhiều NCS (thậm chí vượt số cho phép), thầy lại không có đề tài nghiên cứu, cũng không có thời gian để nghiên cứu, nên đề tài hướng dẫn quanh đi quẩn lại một số vấn đề không mới, xảy ra tình trạng sao đi chép lại, từ đó hạn chế chất lượng.

Những bất cập trên chính là động lực để Bộ GD-ĐT thấy cần phải thay đổi trong đào tạo tiến sĩ. Hiện Bộ đang giao cho các cục, vụ chức năng nghiên cứu, bàn bạc để có thể đưa ra một quy chế đào tạo tiến sĩ thay cho quy chế hiện hành.

Tuyển sinh bất cứ lúc nào có đề tài nghiên cứu


Vậy nội dung cốt lõi của quy chế mới sẽ thế nào, thưa ông?

Đương nhiên siết chặt chất lượng, xem chất lượng là hàng đầu là nội dung xuyên suốt quy chế sắp tới. Cái thứ hai là hội nhập quốc tế. Cơ sở để làm việc này, điều kiện làm thế nào thì sẽ phải bám sát hai quyết định Thủ tướng vừa ban hành, là khung cơ cấu hệ thống và khung trình độ quốc gia. Khung cơ cấu hệ thống quy định rõ: tiến sĩ là nghiên cứu. Mục tiêu của quy chế là siết chặt chất lượng thông qua những quy định về đầu vào, thầy hướng dẫn, kinh phí. Bộ dự định tuyển NCS sẽ không theo đợt mà bất kỳ lúc nào nhà trường có đề tài, có tiền, có điều kiện thì chào hàng trên mạng, chào đề tài trên mạng. Công khai mỗi tháng hay mỗi năm NCS được bồi dưỡng bao nhiêu tiền, thực hiện đề tài trong bao lâu, với tổng kinh phí bao nhiêu... Ai thấy phù hợp thì vào nộp hồ sơ.

Bộ sẽ lắng nghe các chuyên gia như về chi phí đào tạo, yêu cầu đầu vào về ngoại ngữ, yêu cầu về người hướng dẫn…

Thời gian làm tiến sĩ là 3 năm


Theo Bộ GD-ĐT, quy chế mới sẽ bắt buộc NCS phải đạt chuẩn ngoại ngữ nhất định ngay từ đầu vào; hoặc đòi hỏi NCS phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong nước và quốc tế. Ngoài ra để đảm bảo đầu ra, quy chế cũng yêu cầu NCS phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện trong quá trình làm NCS và trước thời điểm luận án được thông qua.

Người hướng dẫn phải là người chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ trở lên, là tác giả hoặc đồng tác giả của các công trình công bố quốc tế thuộc lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án của NCS và phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo.

Thời gian tối thiểu để hoàn thành luận án là 3 năm (thay vì 2 năm như trước đây) để phù hợp với khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Hình thức đào tạo là tập trung toàn thời gian.


Theo Thanh niên