Cô Nguyễn Thị Thanh Mỹ, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An: "Đề thi chưa phân hóa rõ".
Nhận định chung, tôi thấy nếu so với đề thi THPT quốc gia 2016 thì đề thi minh họa này có phần dễ hơn, lượng câu khó không nhiều bằng. Do đó học sinh chỉ học trong sách giáo khoa vẫn có thể dễ dàng đạt được điểm trung bình. Đây là điều kiện thuận lợi cho các em học sinh vượt tốt nghiệp.
Trước đây, phần tự luận nếu không nắm chắc kiến thức sẽ không thể viết ra được đáp án. Nhưng với hình thức thi trắc nghiệm, giờ đây có một số câu các em chỉ cần hiểu kiến thức ở mức bình thường là có thể chọn ra được đáp án chính xác.
Do đó tôi nghĩ không dễ để đạt điểm tuyệt đối, nhưng điểm thi THPT quốc gia sẽ ở mức khá và cao sẽ nhiều hơn và phổ điểm môn Tiếng Anh sẽ cao hơn.
Thực ra, vẫn có những câu đảm bảo tính phân hóa của đề nhưng để đạt tỷ lệ 60-40 như Bộ nói thì chưa được. Lượng câu hỏi phân hóa khá giỏi theo tôi mới chỉ đạt khoảng 30 câu.
Với 60 phút, học sinh vẫn hoàn toàn có thể đủ thời gian xoay xở. Ở môn Tiếng Anh, chỉ có phần bài đọc là hơi mất thời gian phân tích, còn tất cả các phần ngữ pháp thì chỉ cần nhìn qua là có thể làm được luôn. Năm trước là 3 bài đọc với 30 câu hỏi, nhưng giờ 3 bài đọc chỉ với 20 câu hỏi, do đó tôi nghĩ với mức độ khó của đề thi như thế này thì học sinh hoàn toàn có thể xử lý được.
Cô Trần Thị Hà, giáo viên Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định: "Xét tuyển đại học khó chuẩn xác".
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa, tôi đã cho học sinh làm thử vào hôm nay để khảo sát. Nhìn chung, đề thi giảm tải cho học sinh và với mục tiêu tốt nghiệp thì không đi học thêm gì vẫn hoàn thành rất thoải mái, bởi đề thi bám khá sát chương trình.
Đề thi minh họa này có số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu nhiều hơn so với đề thi THPT quốc gia năm ngoái. Năm nay, có ít nhất là 15 câu ở mức độ nhận biết, như vậy thuận lợi cho mục tiêu tốt nghiệp của học sinh.
Những câu hỏi ở mức độ nhận biết như vậy chỉ nhìn vào là học sinh có thể làm được ngay nếu nắm chắc nội dung sách giáo khoa. Cũng có những câu khó để phân loại, đặc biệt ở phần đọc hiểu.
Tuy nhiên, đối với mục tiêu xét tuyển đại học 2017 thì tôi thấy đề có vẻ khó phân loại hơn so với năm ngoái bởi dễ hơn. Tôi thấy có nhiều chỗ đáng lẽ ra đòi hỏi kiến thức sâu hơn thì đề chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải.
Tôi e rằng nếu với mức độ đề như thế này, để xét tuyển đại học thì sẽ không được chuẩn xác lắm bởi điểm thi sẽ sàn sàn nhau. Thậm chí tôi nghĩ những trường đại học nhóm trên, chuyên sâu về ngoại ngữ có thể sẽ phải làm thêm bài kiểm tra Tiếng Anh riêng để tuyển sinh.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)
Tôi đề xuất cần tăng thêm những câu rất khó để đánh giá được những học sinh mạnh về ngoại ngữ. Bởi trong đề minh họa chỉ khoảng 10 câu như vậy. Tôi nghĩ cần tăng thêm 5 câu khó hẳn.
Những năm trước có những câu cấu trúc diễn đạt, về thành ngữ cố định, nhưng năm nay trong đề minh họa rất hiếm và tôi nghĩ nên thêm vào. Cùng với đó cũng nên tăng câu dễ để những học sinh chỉ với mục tiêu đỗ tốt nghiệp không băn khoăn, không phải đi học thêm và chịu nhiều áp lực.
Em Nguyễn Thu Trang, thủ khoa khối D1 năm 2016: "Hi vọng đề thi có tính phân hóa hơn".
Đề thi này có mức độ phân loại học sinh chưa cao và các câu hỏi để phân hóa xét tuyển đại học cũng không khó hơn các câu phục vụ mục đích tốt nghiệp nhiều. Em hi vọng đề thi thật mức độ phân loại sẽ cao hơn.
Tức là, những câu thuộc mức độ dễ nên dễ hơn, và mức khó nên khó hơn. Đặc biệt nên có một vài câu khó, ví dụ như cụm động từ…, mà chỉ những ai thực sự giỏi mới có thể làm được
Theo em, với mức độ đề này thì 50 câu trong 60 phút là hợp lý và học sinh có thể xử lý được.
Một giáo viên Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa: "Có phần trong đề mẫu vượt chương trình - sách giáo khoa".
Đề thi minh họa về kiến thức thì ổn, tức là đảm bảo có các câu hỏi khó và dễ, có khả năng phân hóa học sinh.
Tuy nhiên, tôi thấy đề chưa đảm bảo đúng tiêu chí như Bộ GD-ĐT từng đưa ra là chỉ tập trung vào chương trình lớp 12. Bởi có những bài đọc trong đề mẫu có chủ đề không thuộc hoặc liên quan đến sách giáo khoa lớp 12.
Chủ đề của bài đọc lại liên quan đến hệ thống từ ngữ. Học sinh không quen chủ đề thì làm sao hiểu được hệ thống từ để làm bài thi?
Tôi cho rằng phải là chủ đề quen thuộc của sách giáo khoa lớp 12 thì học sinh mới có được những định hình quen thuộc.
Từ câu hỏi số 36 trong đề thi minh họa, một bài đọc nói về Trí nhớ, bài kia nói về Đồ uống - Thực phẩm, trong khi trong chương trình lớp 12 không bàn tới các chủ để đó.
Nếu giả sử kiểm tra một kỹ năng đọc hiểu như khi thi IELTS thì sẽ khác, và khi đó có thể kiểm tra bất cứ chủ đề nào trong cuộc sống. Còn một đề thi phổ thông thì phải tuân thủ theo chương trình phổ thông.
Phần đọc hiểu ra ngoài sách giáo khoa có thể không ảnh hưởng nhiều đối với học sinh thành phố, nhưng điều này không dám chắc với học sinh ở vùng nông thôn, bởi các em ở nông thôn khó có thể được luyện nhiều chủ đề khác nhau.
Theo Vietnamnet, nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/332562/de-thi-minh-hoa-mon-tieng-anh-chua-phan-hoa-ro.html