GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | BAO GIAO DUC | KHOA GIÁO | GIÁO DỤC QUỐC TẾ

 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển từ đào tạo niên chế sang tín chỉ ở bậc đại học mới chỉ dừng ở hình thức và chưa đi đúng với thực chất. Nguyên nhân là do các trường không chỉ thiếu giảng viên mà còn thiếu cả cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học theo mô hình này.

Chỉ là hình thức

Đào tạo theo học chế tín chỉ là một trong 7 bước đi quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục đại học giai đoạn 2006 - 2020. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, mô hình này đã bộc lộ hạn chế khi áp dụng đại trà ở các trường.

 

Đào tạo tín chỉ đang có nhiều vấn để phải bàn

 

Các trường còn thiếu rất nhiều điều kiện đáp ứng được việc đào tạo tín chỉ.


GS Nguyễn Văn Lê, Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Trung ương cho biết, việc đào tạo tín chỉ của các trường hiện nay chưa đi đúng với tinh thần của mô hình tín chỉ mà các nước trên thế giới đang áp dụng. Việc thiếu giảng viên, cơ sở vật chất nghèo nàn khiến các trường chưa thể theo kịp với mô hình này. Cụ thể, theo quy định của Bộ GD - ĐT, tỉ lệ giáo viên phụ trách giảng dạy cho sinh viên là: 1/20. Nhưng thực tế, nhiều trường chưa thể đáp ứng được tỉ lệ này. Vì vậy, sinh viên không có nhiều lựa chọn khi chọn giảng viên.


Đại diện trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết, đào tạo tín chỉ là một trong những nội dung cải cách trong giáo dục đại học và cần có lộ trình. Khi áp dụng phương pháp này vào Việt Nam, cần xem xét có phù hợp hay không. Thực tế hiện nay, việc đào tạo tín chỉ đang được các trường thực hiện một cách cứng nhắc. Cách làm của ta là siết chặt đầu vào và linh hoạt trong đầu ra, trong khi các nước khác thì làm ngược lại.


Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương Đào Thị Thu Giang cho biết, chúng ta đang từ giai đoạn vừa tiếp cận vừa hoàn thiện mô hình đào tạo này. Giai đoạn đầu, trường ĐH Ngoại thương cũng gặp không ít khó khăn khi áp dụng mô hình này. Đến nay, những khó khăn về phòng ốc đã được giải quyết phần nào nhưng cũng chưa triệt để.


Hiện nay, chỉ một số trường đại học lớn là đáp ứng được phần nào những yêu cầu về cơ sở vật chất phục vụ cho mô hình đào tạo tín chỉ. Còn hầu hết các trường ĐH, CĐ trên cả nước chưa thể đáp ứng được điều kiện này. Mô hình đào tạo theo học chế tín chỉ không còn duy trì lớp học như trước nữa mà duy trì theo nhóm, môn học nên số lượng lớp học sẽ nhiều hơn. Mặt khác, việc học qua mạng internet theo mô hình đào tạo tín chỉ cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nghẽn mạng khi có quá nhiều học sinh đăng ký học cùng một lúc đã xảy ra ở nhiều trường.


Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học và sau đại học, Bộ GD - ĐT thừa nhận, việc chuyển đổi cơ học đơn vị đo khối lượng học tập và chương trình đào tạo từ niên chế sang hệ thống tín chỉ tại các trường ĐH hiện mới chỉ dừng ở hình thức, chứ chưa thay đổi nhiều về nội dung chương trình đào tạo. Hệ thống quản lý đào tạo theo tín chỉ chưa đáp ứng yêu cầu về hạ tầng mạng, hệ thống thông tin và phần mềm quản lý đào tạo. Các trường thiếu giảng viên, trợ giảng, cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

Cần thống nhất về điều kiện áp dụng


Hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long Lê Văn Một cho rằng, muốn đào tạo theo hình thức tín chỉ trong điều kiện số lượng sinh viên ngày càng đông thì phần mềm quản lý phải tốt. Bộ GD - ĐT cần tập trung kinh phí thiết kế một phần mềm quản lý chung, trên cơ sở đó các trường có thể điều chỉnh phù hợp với chương trình, điều kiện cụ thể của mình. Đồng thời, chương trình thiết kế cho người học phải mềm dẻo trong các khối; chương trình khung không do Bộ Xây dựng nữa mà giao cho các trường hoặc Bộ yêu cầu thiết kế khung chương trình chung cho các khối, dựa vào đó các trường cũng điều chỉnh theo khối của mình. Đại diện Học viện Phòng không không quân cũng đề nghị Bộ nên tập trung các chuyên gia, tổ chức tập huấn để tạo sự thống nhất trong đào tạo theo tín chỉ toàn ngành.


Ông Bùi Anh Tuấn cho biết, để khắc phục hạn chế này, ngoài việc ban hành Thông tư 57 về sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế đào tạo ĐH, CĐ hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, thì thời gian tới Bộ sẽ đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, tăng cường cơ sở hạ tầng, hệ thống phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, cải cách phương pháp đánh giá, thi và kiểm tra nhằm chấm dứt tình trạng tiêu cực khác trong thi cử, phát triển các phần mềm phục vụ công tác tổ chức quản lý đào tạo hiệu quả, thống nhất. Các trường phải có tổng kết, đánh giá việc thực hiện đào tạo theo tín chỉ, xây dựng lộ trình và cam kết thực hiện đào tạo theo tín chỉ.


Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “Đào tạo theo tín chỉ là phương thức đào tạo hiện đại, có nhiều ưu điểm. Vụ Giáo dục đại học tổng hợp sẽ nghiên cứu và đưa ra những điều kiện cần có để các trường căn cứ vào đó tổ chức dạy và học theo mô hình tín chỉ, những gì phù hợp sẽ đưa vào triển khai đại trà. Tôi không tin có thể đào tạo đồng loạt tín chỉ khi đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, hệ thống tài liệu chưa đủ. Muốn làm được điều ấy phải có điều kiện cần và đủ. Từ hai năm nay, Bộ đã yêu cầu các trường tổ chức việc đào tạo tín chỉ phải đi vào thực chất, tức là có đủ điều kiện mới triển khai.

 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây.

Kenhtuyensinh

Theo: báo TIn Tức