Đào tạo nghề kiểu... nửa vời!
Hiện nhiều cơ sở đào tạo nghề cho lao động (LĐ) các tỉnh Nam Trung Bộ với trang thiết bị tiêu tốn vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước nhưng chưa theo kịp với sự phát triển công nghệ của sản xuất, dẫn đến “đóng băng” thiết bị dạy nghề.
Khá nhiều giáo viên còn thiếu kỹ năng thực hành nghề; học viên tốt nghiệp học nghề trình độ quá hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng LĐ...
Lãng phí thiết bị
Tỉnh Phú Yên có 17 cơ sở dạy nghề, trong đó đã quy hoạch và đầu tư phát triển 8 trung tâm dạy nghề ở các huyện, thị xã. Song, công tác tuyển sinh đào tạo nghề hằng năm đạt khoảng 11.000 lao động, bình quân chỉ đạt 34% so với chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Cơ sở hạ tầng và thiết bị của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội Nông dân tỉnh (chức năng chính là dạy nghề) được đầu tư cả tỉ đồng, nhưng việc tuyển sinh đào tạo bị “đứng bánh”. Trong năm 2012, UBND tỉnh và Sở LĐTBXH tỉnh phân bổ kế hoạch cho trung tâm này đào tạo nghề LĐ với số tiền trên 483 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ chi phí gần 100 triệu đồng để tuyển sinh dạy nghề được 2 lớp may với 60 người! Hàng loạt thiết bị như máy vi tính, thiết bị chăn nuôi, thú y, máy may... bỏ lãng phí. Theo ông Võ Hữu Sung - Giám đốc Trung tâm dạy nghề HĐND tỉnh: Việc đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn do lâu nay trung tâm này chỉ hợp đồng giáo viên thỉnh giảng, chứ không có đội ngũ giáo viên cơ hữu, do vậy không thể ký hợp đồng đào tạo LĐ với các ngành chức năng!
Trường Cao đẳng nghề Phú Yên với các thiết bị điều khiển và tự động hóa cũng bỏ lãng phí vì thiếu giáo viên hướng dẫn, thiếu học viên theo học. Trong khi đó, tại Trung tâm dạy nghề huyện Tuy An, hàng loạt hệ thống thiết bị xây dựng, thiết bị cơ khí động lực máy phay, bào, hàn, tiện... bị “trùm mềm” dài dài. Trung tâm này cũng chưa có giáo viên để dạy, chưa có nhà xưởng.
Tại tỉnh Khánh Hoà, việc đầu tư thiết bị dạy nghề dàn trải; các đơn vị chức năng của Trung ương đầu tư và “ấn” thiết bị dạy nghề cho địa phương, nên không phù hợp với nhu cầu đào tạo tại chỗ. Tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hoà mới đây, ông Mai Xuân Trí – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh - cho biết: Trang thiết bị dạy nghề của nhiều trường, trung tâm chưa phát huy tác dụng, chưa theo kịp với sự phát triển công nghệ của sản xuất, dẫn đến tình trạng “đóng băng” thiết bị,...
Bất cập đào tạo
Mỗi năm bình quân tỉnh Khánh Hoà đào tạo khoảng 23.950 học sinh, sinh viên học nghề ở 3 cấp độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên. Tuy nhiên, nhiều bất cập nảy sinh khi việc dạy nghề theo kiểu “nửa vời” với kỹ năng nghề đạt thấp; dạy nghề chưa gắn với doanh nghiệp. Ông Mai Xuân Trí – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Khánh Hoà - thừa nhận: Các trường trung cấp nghề chỉ mới đào tạo phần cơ bản cần có của một nghề nên không đáp ứng yêu cầu sử dụng LĐ của DN. Hiện các trường trung cấp nghề: Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh, Vạn Ninh còn thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, quy mô tuyển sinh còn thấp...
Theo ông Lê Thanh Đồng - Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh Phú Yên - đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở dạy nghề yếu về nghiệp vụ quản lý và kỹ năng thực hành, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy nghề. Đa số các cơ sở đào tạo nghề theo năng lực sẵn có, chưa chuyển mạnh đào tạo theo nhu cầu học nghề của người LĐ và yêu cầu của thị trường LĐ. Trong khi đó, các địa phương quá lúng túng trong việc triển khai thí điểm mô hình dạy nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Thêm tồn tại là, theo đề án dạy nghề cho LĐ nông thôn giai đoạn 2011-2015, nhu cầu kinh phí đào tạo nghề mỗi năm hơn 72,6 tỉ đồng, nhưng thực tế phân bổ kinh phí trong 2 năm 2011-2012 được hơn 20 tỉ đồng, chỉ đạt bình quân 13,7%. Ông Trần Quang Nhất – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết: Hạn chế lớn nhất hiện nay là một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ về đào tạo nghề, chưa thật sự quan tâm đến công tác dạy nghề; và bản thân người LĐ còn nặng về bằng cấp, chưa thấy rõ việc học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm. Vấn đề đặt ra là cần đổi mới phương thức đào tạo nghề; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề; đầu tư thiết bị dạy nghề phù hợp; nắm chắc nhu cầu sử dụng LĐ ở các DN để xác định việc đào tạo nghề cho người LĐ phù hợp; đa dạng hóa loại hình đào tạo nghề...
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Lao Động