Sự kiện: GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH
Siết chặt đào tạo liên thông: Việc cần làm ngay!
Thông tư số 55 quy định siết chặt về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH là việc cần làm ngay để đảm bảo chất lượng dạy và học...
Cuối tháng 12 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 55 quy định siết chặt về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học và có hiệu lực trong năm nay. Ngay sau khi Thông tư ban hành, dư luận xã hội đã lên tiếng trái ngược nhau, rằng đây là chủ trương đúng nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, nhưng nhiều người cũng cho rằng những quy định này sẽ gây khó cho cả nhà trường và người học. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả của hình thức đào tạo liên thông hiện nay thì những quy định mới nhằm siết chặt loại hình đào tạo này là việc cần làm ngay để đảm bảo chất lượng dạy và học.
Cách đây 10 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thí điểm đào tạo liên thông cho 6 trường đại học, cao đẳng. Sau đó, đến năm 2008 Bộ chủ trương mở rộng hơn hình thức đào tạo này cho các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Đây là một hình thức đào tạo mà người học được bảo lưu kết quả của giai đoạn trước để học ở giai đoạn sau, rút ngắn thời gian học tập, giảm được kinh phí đào tạo.
Tuy nhiên, do quản lý chưa chặt chẽ và chưa có định hướng đào tạo rõ ràng nên chất lượng đào tạo theo hình thức liên thông không đảm bảo. Nhiều trường mở liên thông vì mục đích lợi nhuận, sinh viên thì học đối phó, trễ nải. Hậu quả để lại là đa số sinh viên học xong không xin được việc làm vì chất lượng lao động thấp.
Siết chặt để đảm bảo cho chất lượng đào tạo đại học ngày càng hiệu quả
Chính vì vậy, sau khi nhận thấy những bất cập của hình thức đào tạo liên thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chấn chỉnh lại theo hướng siết chặt lại để đảm bảo cho chất lượng đào tạo đại học ngày càng hiệu quả.
Theo ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục đích của Thông tư này trước hết là để nâng cao chất lượng đào tạo đại học và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người học.
Nhưng khi triển khai, do nhận thức khác nhau và đặc biệt là do ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích vật chất của một số trường nên vẫn còn ý kiến khác nhau và thậm chí là ý kiến phản đối.
Sẽ có nhiều trường bị ảnh hưởng nặng nề
Theo lãnh đạo nhiều trường, nếu thực hiện những quy định trong thông tư thì gần như khép lại hình thức đào tạo liên thông mà các trường đang triển khai. Việc này đồng nghĩa với việc “đẩy” không ít trường trung cấp, cao đẳng “chết” theo. Ông Lâm Thanh Hiển, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Lạc Hồng cho rằng, “chất lượng cũng không phải đánh giá qua chất lượng đầu vào. Những em đã xác định đi học trung cấp, đi học nghề… thì rõ ràng việc học sẽ ít đi và như vậy thì phải thi lại là điều khó, gây ra rào cản cho người học. Và đương nhiên là sẽ không khuyến khích được số lượng vào hệ trung cấp, trung cấp nghề, cao đẳng, cao đẳng nghề bởi vì cửa liên thông không có”.
Còn ông Hoàng Xuân Hiệp, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng công nghiệp dệt may thời trang Hà Nội cho rằng, quy định đưa ra và áp dụng trong năm nay thì nhiều khả năng các trường sẽ không tuyển được người học vì những người tốt nghiệp đủ 36 tháng đã dự thi liên thông các năm trước. Người tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng nếu dự kỳ thi đại học, cao đẳng chính quy chắc không đạt đủ điểm theo yêu cầu vì đã xa rời kiến thức phổ thông quá lâu.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả hình thức đào tạo liên thông hiện nay, thì chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo được nhiều người hy vọng sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập thời gian qua; đồng thời thực hiện được mục tiêu quan trọng hơn đó là giải quyết được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Thực tế hiện nay, không ít sinh viên tốt nghiệp các trường đại học thất nghiệp, hoặc làm việc không đúng với chuyên môn được đào tạo. Trong khi đó, xã hội đang thiếu trầm trọng lực lượng lao động có tay nghề, kỹ thuật cao. Nếu tiếp tục để các sinh viên hệ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng “rầm rộ” thi liên thông lên các bậc cao hơn như thời gian qua vô tình đã phá vỡ cấu trúc lao động trong nước và tạo sự hỗn độn khó kiểm soát trong chất lượng đào tạo của các trường, mà hậu quả cuối cùng là người học không tìm được việc.
Ông Lê Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội nêu ý kiến: “Theo tôi, chủ trương này tôi là phù hợp để đảm bảo chất lượng đào tạo. Tất nhiên để đảm bảo chất lượng thì có nhiều biện pháp và có thể thuận cho trường này nhưng không thuận cho trường khác. Nhưng cũng nên làm”.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định: Thông tư 55 không phải nhằm “ngắt” bỏ hình thức đào tạo liên thông mà đưa ra một số quy định nhằm thực hiện đúng Luật Giáo dục Đại học mới. Luật Giáo dục Đại học khẳng định, giáo dục đại học chỉ có hai hệ là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Do đó đào tạo liên thông phải tuân thủ theo quy định hoặc của hệ chính quy, hoặc của hệ thường xuyên, chứ không có quy định riêng. Không chỉ hình thức đào tạo liên thông mà nhiều hình thức đào tạo khác cũng tiếp tục được điều chỉnh cho phù hợp. Đây là việc làm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và bảo vệ quyền lợi của người học trong thời gian tới.
Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 55 về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học với nhiều quy định chặt chẽ hơn là việc làm cần thiết. Điều này xuất phát từ chính những bất cập trong việc đào tạo hình thức liên thông của các trường hiện nay. Quy định mới này sẽ hạn chế được tình trạng học sinh các hệ trung cấp, cao đẳng cứ “ào ạt” tiến lên đại học, cao đẳng mà buông lỏng chất lượng đào tạo.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: báo Tuổi Trẻ