Đại học Việt Pháp dự kiến tuyển hơn 100 chỉ tiêu thạc sĩ - Ảnh 1

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (còn gọi Trường Đại học Việt Pháp) đào tạo trình độ thạc sĩ bảy ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trường sẽ tuyển 105 chỉ tiêu trong năm nay. Nộp hồ sơ và phỏng vấn đến ngày 25/8.

Sở hữu ưu thế về cơ sở vật chất và chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, Trường Đại học Việt Pháp mở ra cho học viên nhiều cơ hội tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới.


Chương trình giảng dạy 100% bằng tiếng Anh mang đến nhiều lợi ích thiết thực. Học viên tiếp cận với kiến thức khoa học thế giới, chủ động tìm kiếm tài liệu và trao đổi với giảng viên nước ngoài. Trước khi tốt nghiệp, học viên có cơ hội đi thực tập 3-6 tháng tại các trường đại học và viện nghiên cứu ở nước ngoài. Tiếng Anh trở thành công cụ hữu hiệu để học viên hòa nhập cuộc sống và học tập, nghiên cứu đạt kết quả cao. Theo thống kê của trường, hàng năm có 75% số học viên được đi thực tập tại Pháp.Ngay khi thành lập, Đại học Việt Pháp đã được xây dựng theo mô hình quốc tế, theo định hướng nghiên cứu. Học viên được học lý thuyết đi đôi với thực hành trong các phòng thí nghiệm hiện đại, tham gia hội thảo chuyên ngành và dự án cùng giảng viên.

Được thành lập theo hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam - Pháp và nằm trong Liên minh đào tạo gồm 43 trường đại học và viện nghiên cứu của Pháp, Trường Đại học Việt Pháp nhận nhiều hỗ trợ từ phía đối tác Pháp như: giảng viên Pháp đến giảng dạy các chương trình thạc sĩ tại trường, cùng nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ học tập, nghiên cứu.

Hiện nay, Đại học Việt Pháp có sáu ngành đào tạo thạc sĩ, đồng cấp bằng với các trường đại học Pháp gồm: Khoa học vật liệu tiên tiến và Công nghệ Nano, Năng lượng, Vũ trụ; Nước - Môi trường - Hải dương học; Công nghệ Sinh học - Dược học; Công nghệ Thông tin và Truyền thông.

Các chương trình trên đã được kiểm định quốc tế và công nhận đạt chuẩn bởi Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học của Pháp (HCERES). Khi bắt đầu nhập học, học viên được ghi danh tại Đại học Việt Pháp và một Trường Đại học của Pháp nằm trong Liên minh đào tạo. Sau hai năm theo học chương trình thạc sĩ, học viên được nhận hai bằng tốt nghiệp Việt Nam và Pháp.

Năm nay, nắm được xu hướng của nhân lực ngành tài chính, ngân hàng, Trường Đại học Việt Pháp hợp tác cùng Viện John Von Neumann (JVN) - Đại học Quốc gia TP HCM đào tạo chương trình thạc sĩ Khoa học Tài chính Tính toán định lượng tại Hà Nội.

Với những ưu thế độc đáo, trường đã đào tạo nhiều học viên xuất sắc, trong đó có Phan Thanh Hiền.

Từ nhỏ, Phan Thanh Hiền đã có niềm say mê với bầu trời và những vì sao bí ẩn. Năm 2012, với thông tin Trường Đại học Việt Pháp tuyển sinh chương trình Thạc sĩ Vũ trụ đầu tiên tại Việt Nam. Hiền quyết tâm từ bỏ công việc ổn định tại Đà Nẵng để nhập học. Quyết định này được coi là khá mạo hiểm bởi lẽ tại thời điểm đó đối với hầu hết người Việt Nam, Vũ trụ là một ngành học quá xa vời, khó tìm việc làm.

Phan Thanh Hiền đã trưởng thành dưới sự giảng dạy tận tâm của các chuyên gia đầu ngành đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu của Pháp và Việt Nam như Đại học Paris Diderot, Đại học Montpellier, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam…

Phan Thanh Hiền đã giành học bổng thực tập tốt nghiệp toàn phần sáu tháng tại Viện Vật lý Địa cầu Paris và sau đó là học bổng Tiến sĩ toàn phần tại Đại học Paris Diderot, Top 25 trường đại học trẻ tốt nhất thế giới được xếp hạng năm 2016. Quãng thời gian học tập tại Đại học Việt Pháp đã trang bị cho Thanh Hiền nhiều kiến thức trong lĩnh vực vũ trụ và mang đến cơ hội để anh đạt được thành công như ngày hôm nay.

Theo vnexpress