Sự kiện: GIÁO DỤC | BÁO GIÁO DỤC | HỌC ĐƯỜNG

Sớm xử lý nghiêm những sai phạm ở Trường đại học Ngoại thương

Là một trong những trường đại học công lập có uy tín, Trường Ðại học Ngoại thương đang có được sự đánh giá cao ở cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, sự nỗ lực phấn đấu nghiên cứu, giảng dạy và học tập của giảng viên, sinh viên nhà trường đang trong tình trạng cùng lúc phải vượt lên nhiều khó khăn, trở ngại, trong đó có cả những vi phạm của một số cán bộ lãnh đạo nhà trường.

Khi trao đổi ý kiến với chúng tôi về tình hình của Trường đại học Ngoại Thương (ÐHNT) trong những năm gần đây, GS,TS Nguyễn Thị Mơ (nguyên Hiệu trưởng giai đoạn 1998-2005, hiện là Ủy viên Hội đồng Khoa học và Ðào tạo của trường) cho biết: "Rất buồn! Những năm gần đây công tác quản lý nhà trường để lại nhiều dư luận không tốt như: Lãnh đạo thiếu dân chủ, không có sự công khai, minh bạch trong quản lý tài chính, nhiều khoản thu, chi để ngoài sổ sách... tình trạng này nếu không được chấn chỉnh, khắc phục sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của cán bộ, giảng viên, cũng như uy tín của nhà trường...".

 

dai hoc ngoai thuong, sai pham, truong dai hoc ngoai thuong, dh ngoai thuong, vi pham, ky luat, quy che, tai chinh, nhan dan

 

Sinh viên trường đại học Ngoại Thương

 

Từ năm 2008 đến nay, một số vi phạm của lãnh đạo Trường ÐHNT gây nên bức xúc trong đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường đã được dư luận phản ánh. Ðã có rất nhiều câu hỏi của cán bộ, giảng viên đặt ra đối với lãnh đạo nhà trường chung quanh những sai phạm, những vấn đề bất hợp lý trong công tác quản lý nhà trường, nhất là công tác quản lý thu, chi tài chính, vấn đề mất dân chủ và những bất thường trong cuộc họp Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở năm 2012... nhưng lãnh đạo nhà trường vẫn một mực khẳng định về tính "hợp lý" và "đúng đắn" của mình trong công tác lãnh đạo, quản lý nhà trường.

Gần đây nhất, trong một cuộc họp cán bộ chủ chốt của nhà trường tháng 12-2012, GS, TS, Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu tiếp tục khẳng định: Việc điều hành Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở không có gì sai, không mất dân chủ, nếu sai thì đồng chí đã bị Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo xử lý vì Bộ trưởng có biết việc này. Chung quanh vấn đề liên quan tài chính, năm 2010, trả lời Báo Vietnamnet về việc một số giáo viên nhà trường phải ký nhận tiền, song không được nhận trên thực tế, Phó Hiệu trưởng ÐHNT, TS Ðào Thị Thu Giang khẳng định: "Hỏi về việc này thì tôi cũng không biết giải thích thế nào. Nếu ký nhận mà không thực nhận thì ai là người đứng ra chứng nhận việc đó? Nhà trường chi là chi trên cơ sở những việc họ làm chứ. Tôi khẳng định làm gì có chuyện như thế!? Họ ký rồi là họ phải được nhận chứ!".

Tuy nhiên, ngược lại với những gì Hiệu trưởng Hoàng Văn Châu và Phó Hiệu trưởng Ðào Thị Thu Giang phát biểu, trả lời công luận, qua tìm hiểu thực tế, có thể thấy những sai phạm nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực.

Mập mờ và sai phạm trong thu, chi tài chính

Trường ÐHNT từ năm 2005 đến nay, báo cáo tài chính hằng năm của nhà trường không công bố công khai, cụ thể, chi tiết theo quy định của Nhà nước (Ðiều 33, Luật Kế toán quy định về hình thức và thời hạn công khai báo cáo tài chính), không gửi xin ý kiến đóng góp của tập thể lãnh đạo các khoa, phòng và cán bộ, giảng viên trong trường, mặc dù lãnh đạo nhiều đơn vị trong trường đã nhiều lần có yêu cầu, đề nghị vấn đề này với lãnh đạo nhà trường. Thay vào đó, tám năm qua, việc công khai các khoản thu, chi tài chính chỉ được đọc và thông qua một cách chung chung trong hội nghị toàn trường, gây ra tình trạng hoài nghi trong cán bộ, giảng viên. Bởi lẽ, ngoài ngân sách, nhà trường còn có không ít nguồn thu lớn từ các dự án, tài trợ quốc tế, kinh phí từ các Chương trình tiên tiến, chất lượng cao, đào tạo, bồi dưỡng sau đại học... Con số tiền tỷ thu được từ luyện thi sau đại học nhưng không được đưa vào ngân sách chung của trường, được phản ánh trong cuộc họp Hội đồng Khoa học và Ðào tạo nhà trường ngày 29-5-2012 là một thí dụ.

Ðáng lưu ý, tại Trường ÐHNT xuất hiện tình trạng "ép" giáo viên nộp lại tiền mặt, tiền lương hợp pháp (trả đích danh vào tài khoản cá nhân theo đúng hợp đồng lao động, phải đóng thuế thu nhập cá nhân), tiền công tác phí đi nước ngoài... Sự việc TS Ðào Thị Thu Giang "ép" 16 giảng viên phải "chia sẻ" thu nhập hợp pháp của mình từ công tác phí đi học nước ngoài trong Chương trình tiên tiến và tiền lương được hưởng từ Dự án MUTRAP III (Dự án hỗ trợ xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo pháp luật thương mại quốc tế do các nước châu Âu tài trợ) đã gây nên sự bất bình đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường.

Trước sự việc trên, ngày 22-10-2012, Chi bộ Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (có 17 đảng viên) đã chất vấn, đề nghị TS Ðào Thị Thu Giang giải trình bằng văn bản với Ðảng ủy Trường ÐHNT. Các đảng viên đã nêu rõ những sai phạm của TS Ðào Thị Thu Giang là: ép buộc 16 giảng viên nộp lại tiền mặt trực tiếp cho mình tại phòng riêng và sảnh nhà A. Nhằm che giấu hành vi sai trái và nguồn gốc khoản tiền bất hợp lý này, chứng từ đã được lập vào tháng 6-2012 để hợp thức hóa các khoản thu từ năm 2008 đến 2012, nhưng lại đưa vào sổ kế toán năm 2011! Việc làm này đã cho thấy rõ vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tài chính kế toán của nhà trường, thu tiền, lập phiếu thu trái pháp luật (số tiền lên đến hàng tỷ đồng).

Dự án MUTRAP III chỉ là một trong số rất nhiều dự án đang được thực hiện ở Trường ÐHNT. Trong khi các giáo viên trực tiếp thực hiện dự án phải nộp lại toàn bộ số tiền công lao động trong dự án, thì có tám cá nhân (với tư cách trưởng dự án, phó dự án, các ủy viên và kế toán) lại được hưởng tiền chi hỗ trợ thực hiện dự án, với mức chi 221 triệu đồng (người được ít nhất là 15 triệu đồng, nhiều nhất là 45 triệu đồng). Văn bản đề xuất chi tiền nêu trên và danh sách người nhận tiền được lập và ký ngày 23-6-2010.

Buông lỏng quản lý và lãng phí

Trong khoảng thời gian từ tháng 2-2010 đến tháng 10-2012, Hiệu trưởng nhà trường Hoàng Văn Châu đã thực hiện 25 chuyến công du dài ngày ở nước ngoài, đến nhiều nước khác nhau. Trung bình mỗi chuyến đi khoảng một tuần, thậm chí có chuyến đi kéo dài đến 40 ngày, đó là chuyến đi từ ngày 18-6-2010 đến ngày 27-7-2010 vào đúng thời điểm diễn ra kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy, rất cần thiết sự có mặt lãnh đạo, chỉ đạo của Hiệu trưởng nhà trường.

Thời gian qua, một số đơn vị trong nhà trường không có chức năng, chuyên môn để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nhưng lại đứng ra mở các lớp đào tạo ngắn hạn nhằm thu kinh phí cho đơn vị mình, tạo ra sự chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong trường. Ðơn vị nào muốn mở lớp chỉ cần xin Hiệu trưởng đồng ý, không có sự thống nhất bàn bạc trong Ðảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường. Có thời điểm, nhiều đơn vị cùng mở một loại lớp đào tạo ngắn hạn nên đã xảy ra tình trạng giữa một số đơn vị có sự cạnh tranh, mất đoàn kết (Khoa Sau đại học và Khoa Kinh tế quốc tế cùng mở lớp luyện thi cao học năm 2012).

Nhiều hạng mục cơ sở vật chất của trường vừa xây dựng xong đã phải sửa chữa, cải tạo gây lãng phí (nhà A), nhiều công trình phục vụ sinh hoạt, học tập hư hỏng, chậm được khắc phục, sửa chữa (nhà B, D). Ðáng chú ý là việc phòng học Chương trình tiên tiến vừa đầu tư xây dựng đã thay mới nhiều hạng mục, gây lãng phí hàng trăm triệu đồng, đối lập với tình trạng thiếu thốn trang thiết bị ở một số khoa, phòng khác.

Trong đợt thi tuyển sinh cao học năm 2012 vừa qua, nhà trường còn tùy tiện chuyển đổi môn thi đầu vào cao học của chuyên ngành Quản trị kinh doanh (từ môn Kinh tế học sang môn Quản trị học) mà chưa được sự thông qua của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Tiêu biểu hơn cho sự làm việc theo "cảm hứng" trong công tác đào tạo sau đại học tại Trường ÐHNT là việc xin phép và tổ chức tuyển sinh đầu vào cao học chuyên ngành Chính sách và Luật Thương mại quốc tế (tháng 9-2012). Cụ thể là: Phòng Quản lý dự án lập tờ trình xin phép Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho phép sử dụng môn thi đầu vào của lớp cao học chuyên ngành Chính sách và Luật Thương mại quốc tế (môn Pháp luật đại cương và Kinh tế học). Lẽ ra, việc quyết định môn thi đầu vào cao học nêu trên phải do Hội đồng Khoa học và Ðào tạo nhà trường đề xuất thông qua, Khoa Sau đại học lập tờ trình Hiệu trưởng ký xin phép Bộ Giáo dục và Ðào tạo.

Mất dân chủ

Những sai phạm kéo dài nhiều năm qua ở Trường ÐHNT đã nhiều lần được dư luận trong và ngoài nhà trường phản ánh, đề nghị khắc phục, song những ý kiến xây dựng không được lãnh đạo nhà trường tôn trọng và tiếp thu, khắc phục vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nổi lên là sự độc đoán, mất dân chủ. Ban Giám hiệu là tổ chức quyết định những việc quan trọng trong điều hành, quản lý nhà trường rất ít khi họp hoặc hội ý (một, hai lần/năm).

Công tác thanh tra, kiểm tra Ðảng mang tính hình thức là nguyên nhân dẫn đến nguyên tắc tập trung dân chủ bị vi phạm nghiêm trọng. Vi phạm gần đây nhất xảy ra ở cuộc họp bỏ phiếu kín bầu ứng viên TS Ðào Thị Thu Giang vào chức danh Phó Giáo sư tại phiên họp Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở Trường ÐHNT ngày 16-9-2012. Những thành viên tham gia bỏ phiếu kín nhận được yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng, GS, TS Hoàng Văn Châu: Những ai không bỏ phiếu cho TS Ðào Thị Thu Giang phải đứng dậy giải thích lý do tại sao lại không bỏ phiếu!

Sự mất dân chủ còn biểu hiện rất rõ trong đợt nhà trường tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4. Trong Kế hoạch số 68-KH/ÐU của Ðảng ủy Trường ÐHNT, đoạn nêu về phương pháp lấy ý kiến góp ý thể hiện sự mất dân chủ. Ðảng ủy Trường ÐHNT yêu cầu: Tất cả những ai có ý kiến góp ý phải ghi rõ họ tên. Sau khi được góp ý, đến nay, Thường vụ Ðảng ủy ÐHNT vẫn chưa có giải trình bằng văn bản về những ý kiến góp ý đối với cá nhân các đồng chí thường vụ. Ðiều này trái với Hướng dẫn 18/HD của Ðảng ủy Khối các trường cao đẳng, đại học.

Những sai phạm về thu chi tài chính, mất dân chủ và tùy tiện trong quản lý đào tạo ở Trường ÐHNT là hết sức nghiêm trọng. Trách nhiệm trước hết thuộc về Ðảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường. Ðề nghị các cơ quan có thẩm quyền của Ðảng, Nhà nước sớm làm rõ, xử lý nghiêm theo pháp luật và kỷ luật của Ðảng những cá nhân sai phạm, giữ ổn định tình hình của nhà trường, đáp ứng sự mong mỏi của tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên, lập lại kỷ cương và uy tín của nhà trường trong bối cảnh Ðảng ta đang triển khai, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng.


Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo Nhân Dân