Thí sinh "quay lưng" với ngành xã hội

TS Lê Anh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế cho biết, năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh 2016 của Trường là 1.585, tuy nhiên đến thời điểm xét tuyển bổ sung nguyện vọng 1 chỉ có 1.200 CT; trong đó theo tính toán của trường, có khoảng 100 CT ảo, có nghĩa là trường còn thiếu hơn 400 CT. Nhiều ngành như: tin học, sinh học, lịch sử… thiếu khoảng 30-50% so với CT. Theo TS Lê Anh Phương, cũng như những năm trước, đến thời điểm này, môn lịch sử chỉ tuyển được 80/120 CT.

Ông Nguyễn Công Hào- Phó Ban Khảo thí ĐH Huế cho biết, tại Trường ĐHKH Huế, một số ngành xã hội hiện đang thiếu rất nhiều CT. Ví như ngành Văn học tuyển 100 CT nhưng đợt 1 chỉ có 8 thí sinh đăng ký nhập học. Trong đợt tuyển bổ sung đợt 1, ngành này tiếp tục tuyển 92 CT nhưng đến nay mới chỉ tuyển được 7, có nghĩa là ngành Văn học của trường này vẫn còn thiếu 85 CT. Dự kiến, số CT này sẽ được tuyển trong đợt 3 (dự kiến thời gian tuyển ngày 16-9). Tương tự, ngành Lịch sử tuyển 100 CT nhưng qua 2 đợt chỉ có 17 thí sinh nhập học, còn thiếu 83 CT. Hay ngành Địa lý tự nhiên, tuyển bổ sung đợt 2 là 54 CT nhưng chỉ có 2 em nộp hồ sơ (nhưng chưa biết các em có học hay không).

Theo một giảng viên của Trường ĐHSP Huế, nguyên nhân các em không mặn mà với các ngành xã hội là do thời gian qua, sau khi ra trường, các em không tìm được việc làm với chuyên ngành mình đã theo học. "Tôi cũng có biết một số em sau khi tốt nghiệp ĐHSP Văn ra trường nhưng 3, 4 năm trôi qua vẫn không xin được việc làm nên các em đã nộp đơn vào làm công nhân ở KCN Phú Bài. Chính vì sau khi ra trường rất khó xin việc nên nhiều em không chọn các ngành xã hội là phù hợp với thực tế", vị giảng viên này chia sẻ.

Đại học Huế: Nhiều ngành khát chỉ tiêu trầm trọngDù đã 2 lần xét tuyển nhưng hiện Trường ĐH Kinh tế Huế vẫn thiếu gần 400 chỉ tiêu.

Bất cập

PGS.TS Nguyễn Tài Phúc- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Huế cho biết, trong đợt tuyển sinh, trường này có hơn 6.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong đó lần 1 có đến 2.700 trúng tuyển. Tuy nhiên, số lượng TS đăng ký nhập học hiện nay chỉ có 1.360 với 15 ngành học. Hiện, trường này vẫn còn thiếu gần 400 CT. Theo PGS.TS Nguyễn Tài Phúc, do tuyển CT đợt 1 không đáp ứng đủ số lượng nên nhiều ngành học khi tuyển bổ sung đợt 1 buộc phải hạ rất nhiều điểm. Việc hạ điểm trong đợt tuyển bổ sung đợt 1 so với mức điểm trong đợt xét tuyển ban đầu chênh lệch khá cao khiến nhiều sinh viên tiếc nuối vì điểm cao cũng không học được ngành mình mong muốn, trong khi các bạn điểm thấp vẫn đậu.

* Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế vừa có thông báo, không tổ chức kỳ thi năng khiếu đợt 2 vì TS quá ít. Cụ thể, đối với ngành Giáo dục Thể chất (Khoa Giáo dục Thể chất - ĐH Huế), ngành Kiến trúc (ĐH Khoa học Huế), mỗi ngành phải có ít nhất 20 hồ sơ đăng ký dự thi cho mỗi ngành. Đối với trường ĐH Nghệ thuật, có ít nhất 20 hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 8, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các ngành trên là quá ít (chỉ 5 hồ sơ).

Em Phạm Quang M. (trú TT-Huế) cho biết, 3 môn thi khối A của em đạt được 19,5 điểm. Với điểm số này, em đăng ký nộp vào ngành Quản trị kinh doanh và nguyện vọng 2 là ngành Kinh doanh Thương mại cùng thuộc Trường ĐH Kinh tế Huế. Thế nhưng, trong đợt tuyển đầu tiên, ngành Quản trị kinh doanh lấy 20,5 điểm nên em không đậu và đã trúng tuyển ngành Kinh doanh Thương mại 19 điểm. Thế nhưng, mới đây, em M. rất buồn khi đợt xét tuyển bổ sung đợt 1 ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Kinh tế chỉ lấy 15 điểm. "Nếu ban đầu em không nộp đơn nguyện vọng 1 vào ngành quản trị kinh doanh thì giờ em đã trúng tuyển ngành học mà mình khao khát. Em cứ nghĩ đợt tuyển bổ sung đợt 1 chỉ hạ từ 0,25-0,5 điểm thì mình cũng trượt, nhưng không ngờ đợt tuyển bổ sung lại hạ đến 5,5 điểm so với đợt đầu", M. chia sẻ. Trao đổi về thực trạng này, TS Lê Anh Phương cho rằng: Đây cũng là một bất cập trong xét tuyển.

Theo PGS.TS Nguyễn Tài Phúc, một số ngành của trường này khi tuyển bổ sung đợt 1 đã hạ từ 3-5,5 điểm chuẩn đại học so với đợt tuyển đầu. Đó là ngành Marketing tuyển đợt đầu 19 điểm nhưng đợt tuyển bổ sung chỉ lấy 15 điểm; ngành Thương mại từ 19,5 điểm hạ xuống 15 điểm; ngành quản trị kinh doanh 20,5 điểm cũng hạ xuống còn 15...  Mặc dù một số ngành hạ rất nhiều điểm so với đợt tuyển ban đầu nhưng hiện vẫn không đủ CT tuyển sinh.

Theo nhiều thí sinh, việc xét tuyển của ĐH Huế năm nay có phần không công bằng đối với thí sinh. Ví dụ, ngành Quản trị kinh doanh của ĐH Kinh tế Huế đợt đầu lấy 20,5 điểm nhưng cũng ngành này, trường này và trong cùng đợt tuyển, nhưng tại Phân hiệu ĐH Huế ở Quảng Trị chỉ lấy 15 điểm. "Việc chênh lệch đến 5,5 điểm là điểm số rất lớn đối với các em trong chuyện thi cử. Dù mức điểm ở Quảng Trị lấy thấp nhưng gia đình vẫn muốn em vào Huế học, nhưng vào Huế thì lại thiếu điểm; trong khi nộp hồ sơ ở Quảng Trị thì thừa điểm. Em vẫn chần chừ chưa biết nên chọn phương án nào", một thí sinh ở H. Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chia sẻ.

Được biết, 50 CT ngành Quản trị kinh doanh của Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị đến nay mới chỉ có 1 trường hợp nộp hồ sơ. Lý giải về việc này, ông Nguyễn Công Hào cho rằng, ở Quảng Trị, việc thu hút thí sinh rất khó. Còn theo PGS.TS Nguyễn Tài Phúc, dù điểm tuyển tại địa bàn Huế cao hơn 5,5 điểm nhưng tâm lý sinh viên vẫn thích học ở Huế hơn vì có thể do môi trường tốt hơn.

Năm nay, ĐH Huế tuyển 12.560 CT nhưng đợt 1 chỉ tuyển được hơn 8.500 CT, đợt bổ sung khoảng 1.800 (trong đó, chưa tính đến số lượng TS ảo). Có nghĩa hiện ĐH Huế thiếu hơn 2.500 CT. So với đợt 1, điểm trúng tuyển bổ sung đợt 1 của hầu hết các ngành có xu hướng giảm, không ít ngành phải lấy bằng mức điểm tối thiểu để nộp hồ sơ. Một cán bộ ĐH Huế cho hay, lý do mức điểm trúng tuyển bổ sung đợt 1 giảm là do lượng hồ sơ TS nộp vào thấp và TS ảo cao. Hiện, ĐH Huế đang tính toán các phương án hợp lý để có thể đưa ra kế hoạch tuyển sinh tiếp theo. Một số giảng viên lo ngại chất lượng đầu vào thấp thì ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến việc đào tạo.

Theo CADN, nguồn: http://cadn.com.vn/news/138_154274_da-i-ho-c-hue-nhie-u-nga-nh-kha-t-chi-tieu-tra-m-t.aspx