Trẻ cần được chuẩn bị cho tương lai khi công nghệ chi phối cuộc sống sâu sắc. Việc cho học sinh trung học dùng điện thoại trên lớp vì thế cần thiết.

Chị Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, biên tập viên sách Nhã Nam, có con đang học tiểu học tại Hà Nội, chia sẻ góc nhìn về việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp với sự kiểm soát của giáo viên.

Học sinh được sử dụng điện thoại trên lớp để phục vụ học tập

Học sinh được sử dụng điện thoại trên lớp để phục vụ học tập

Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy định mới, chính thức cho phép học sinh THCS, THPT sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập kể từ ngày 1/11.

 

Một học sinh nữ đang dùng điện thoại di động. Ảnh: Shutterstock.Một học sinh nữ đang dùng điện thoại di động. Ảnh: Shutterstock.

Mạng xã hội đang nháo nhác chia thành hai phe sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông tư 32 hôm 15/9 với điều khoản nới lỏng, cho phép học sinh THCS và THPT được dùng điện thoại di động vì mục đích học tập, dưới sự cho phép và kiểm soát của giáo viên, thay vì cấm hoàn toàn như trước đây. Một phe ủng hộ Bộ. Bên còn lại kiên quyết phản đối, cho rằng như thế là vẽ đường cho hươu chạy.

Nhưng, hãy nhìn lại cuộc sống chúng ta đi! Dù có yêu mến cuộc sống mộc mạc xưa cũ đến đâu, có phát chán trước cảnh ngồi bên nhau mà người ta không buồn nhìn nhau, chỉ chăm chú vào điện thoại, chúng ta cũng phải chấp nhận sự thật rằng công nghệ đã là một phần đương nhiên trong cuộc sống. Nếu từ chối nó, bạn cũng chẳng sao, chỉ là sống hơi nhọc, kiểu như mất nhiều thời gian và công sức cho một việc lẽ ra chỉ bấm vài nút trên smartphone là xong. Nhưng đáng ngại hơn, nó có thể khiến bạn mất đi những cơ hội việc làm và thăng tiến.

Hiện tại, tôi khá nghiêm khắc với việc cho con mình dùng thiết bị thông minh. Chúng hầu như không được cầm điện thoại của bố mẹ, chỉ được xem iPad hay tivi nối mạng theo giờ quy định và nội dung do bố mẹ kiểm soát.

Học sinh sử dụng điện thoại di động nên cấm như thế nào?

Học sinh sử dụng điện thoại di động nên cấm như thế nào?

Việc học sinh có được dùng điện thoại di động trong nhà trường hay không, sử dụng ở mức độ nào... là đề tài không mới nhưng vẫn luôn khiến người lớn lúng túng.

Nhưng tôi hiểu công nghệ đã đi quá sâu và cuộc sống, phát triển thành những mạng nhện phức tạp quá sức tư duy của chúng ta rồi. Và công nghệ nếu dùng đúng sẽ rất hữu ích. Vì thế tôi cho rằng câu chuyện bây giờ không phải là tranh cãi xem có nên cho học sinh THCS và THPT dùng điện thoại trong giờ học hay không mà là dùng như thế nào.

Tôi ủng hộ thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi trẻ con cần được chuẩn bị cho tương lai mà công nghệ còn chi phối cuộc sống sâu sắc hơn nữa. Đợt Covid-19 đầu năm 2020 đã cho thấy công nghệ hữu ích thế nào và chúng ta đã thích ứng rất nhanh ra sao. Hóa ra không nhất thiết phải đến văn phòng, trường lớp, công sở, nhiều thứ vẫn vận hành được.

Nhiều cha mẹ, nhà giáo dục và chuyên gia hướng nghiệp hiện nay rất hoang mang, không biết sau này sẽ có những loại công việc nào và lớn lên con mình sẽ làm công việc gì để nuôi sống bản thân. Cơ cấu nghề nghiệp đang thay đổi chóng mặt, không ai biết những nghề mới nào sẽ đến trong tương lai, nhưng có một điểm chắc chắn rằng phải hiểu và sử dụng được công nghệ.

Học sinh từ cấp THCS đã bắt đầu được tìm hiểu về nghề nghiệp, đã có những giáo trình, sách tham khảo về hướng nghiệp cho thanh thiếu niên. Vậy không đưa công nghệ vào trong giờ học từ cấp học này thì đưa vào lúc nào?

Trong cuốn 21 bài học cho thế kỷ 21 của nhà sử học nổi tiếng người Israel Yuval Noah Harari, khi bàn về nghề nghiệp tương lai, ông viết: "Chúng ta không có bất kỳ ý niệm gì về việc thị trường lao động sẽ ra sao vào năm 2050. Nhìn chung mọi người đồng thuận cho rằng học máy và công nghệ robot sẽ thay đổi gần như mọi ngành nghề, từ sản xuất sữa chua đến dạy yoga".

Và tiếp đó ông bàn về giáo dục: "Trong một thế giới như thế, điều cuối cùng một người thầy cần đưa cho học sinh của mình là thêm thông tin. Chúng ta đã có quá nhiều thông tin rồi. Thay vào đó, người ta cần khả năng hiểu được thông tin, biết được sự khác biệt giữa cái quan trọng và cái không quan trọng; trên tất cả là khả năng tổng hợp nhiều mẩu thông tin thành một bức tranh lớn về thế giới".

Quan điểm của ông rất đáng tin cậy bởi nó dựa trên rất nhiều nghiên cứu từ nhiều lĩnh vực, và bởi nó bàn về một tương lai không quá xa mà khi quan sát xu thế cuộc sống hiện nay chúng ta cũng đã thấy được phần nào.

Nếu chúng ta phản đối giáo dục nhồi nhét, trên lớp giáo viên phải đóng vai trò gợi mở thì các thiết bị thông minh có thể hỗ trợ đắc lực, giúp học sinh tự tìm kiếm thông tin, trong khi giáo viên sẽ hướng dẫn việc xử lý. Và nếu thừa nhận "khả năng tổng hợp nhiều mẩu thông tin để tạo nên bức tranh lớn về thế giới" là quan trọng, thiết bị thông minh có lợi thế hơn nhiều khi nó tích hợp được cả âm thanh và hình ảnh, hỗ trợ dựng những sơ đồ, bảng biểu, và làm được những thứ quá khả năng hiểu được của người viết bài này.

Việc cho phép học sinh THCS và THPT được dùng điện thoại di động và các thiết bị khác trong giờ học vì mục đích học tập, dưới sự giám sát của giáo viên từ ngày 1/11 tới là thích ứng nhanh với thực tế.

Một số cha mẹ phản đối vì như thế sẽ không kiểm soát được việc con dùng điện thoại vô tổ chức trong lớp, dẫn đến xao nhãng học tập. Như vậy thầy cô và nhà trường sẽ phải có cơ chế quản lý. Phức tạp đấy nhưng tôi tin làm được, ví dụ tạm thu điện thoại nếu học sinh không tuân thủ, hoặc có những hình thức phạt hợp lý khác. Chứ cứ hành xử theo phong cách "không quản được thì cấm" thì mới gọi là tồi tệ và làm cho giáo dục trở nên lậu hậu.

Cha mẹ khác phản đối thông tư vì lý do trẻ con sẽ bị dùng điện thoại nhiều quá, mà ở nhà cũng cắm mặt vào điện thoại quá nhiều rồi, không khéo mụ mị đầu óc rồi cận thị, kém giao tiếp xã hội, lười vận động, xem nội dung không tử tế. Chúng ta phải nhớ là thời lượng dùng điện thoại trong giờ học sẽ được giáo viên và nhà trường cân nhắc cụ thể, không phải môn nào, giờ nào cũng lôi điện thoại ra quẹt. Điện thoại chỉ là một trong số nhiều công cụ mà thôi.

Còn ở nhà con cũng dùng nhiều điện thoại thì là việc của phụ huynh. Tại sao các anh chị cho phép con dùng điện thoại không kiểm soát ở nhà, rồi đến khi nhà trường cho dùng trong lớp thì lại kêu là con dùng nhiều quá?

Việc xem nội dung không lành mạnh với chiếc điện thoại có kết nối mạng là chuyện có thể. Nhưng phải nói thẳng là thời nào cũng có những thứ không lành mạnh vây quanh trẻ chứ chẳng đợi đến thời Internet, dù bây giờ theo một nghĩa nào đó việc tiếp cận dễ dàng hơn.

Vậy vấn đề là ở chỗ cùng với nhà trường, gia đình cần giáo dục con biết cái gì là nên và không nên, hậu quả của những hành động xấu sẽ là gì. Như vậy, con sẽ biết cân nhắc trước khi chạm tay vào một clip không phù hợp, hoặc thậm chí dù có xem, con cũng sẽ hiểu là không được bắt chước.

Lười vận động hay kém giao tiếp xã hội cũng là chuyện của phụ huynh. Hãy dạy con tập thể dục thể thao từ bé, giúp cha mẹ việc nhà, cho con tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng. Đây cũng là cách khiến chúng rời chiếc điện thoại. Còn chính cha mẹ cũng ôm điện thoại và chẳng thiết gì đến xung quanh thì cũng đừng đòi hỏi con cái mình biết chan hòa, yêu vận động, biết chia sẻ và không nghiện smartphone.

Nhân đây tôi cũng xin bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc với những người làm nghề giáo, bởi sự thay đổi này cũng khiến nhiều thầy cô giáo, nhất là những người hơi nhiều tuổi, không giỏi công nghệ phải vất vả để tiếp cận công nghệ hơn. Thêm nữa, việc quản lý đảm bảo đám học trò ranh mãnh không dùng điện thoại sai mục đích trong giờ học bao giờ cũng rất mệt mỏi.

Nhưng dù sao, đã đến lúc phải thế rồi!

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy / Theo VnExpress

Cha mẹ hoảng hốt khi con dùng điện thoại đển vào web đen

Cha mẹ hoảng hốt khi con dùng điện thoại đển vào web đen

Chị Thanh Hương ( Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) có con đang học lớp 5 cũng đã từng cho con dùng điện thoại di động đắt tiền. Chị tâm sự, có lần chị phát...

Bạn có đồng tình với ý kiến này của Chị Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, biên tập viên sách Nhã Nam? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn và gửi về Ban biên tập Kênh Tuyển sinh qua email [email protected]. Chúng tôi sẽ chọn đăng những ý kiến đóng góp của các bậc phụ huynh trên website Kenhtuyensinh.vn.