Con tôi kém may khi phải thực hiện thay đổi thi THPTHọc sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM thảo luận trong giờ học môn sử - Ảnh minh họa: N.HÙNG

Con tôi kém may khi phải thực hiện thay đổi thi THPT

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 được Bộ GD-ĐT đánh giá cơ bản là tốt, nên năm 2017 bộ sẽ có điều chỉnh để phù hợp hơn. Nhưng tôi lại thấy một sự thay đổi hoàn toàn khác, chứ không hề dựa trên những kinh nghiệm được rút ra từ năm 2016.

Ngay từ đầu năm lớp 10, học sinh đã định hướng mình sẽ học gì, để sau này làm gì. Giờ đùng một cái, bộ yêu cầu thi tất cả các môn, thì thử hỏi thầy cô, học sinh và cả phụ huynh nữa sao chạy theo kịp? Việc tránh học lệch là định hướng đúng đắn, nhưng phải có thời gian và lộ trình thực hiện.

Tuy dự thảo cho rằng đề thi năm 2017 chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12, nhưng hãy giúp tôi chỉ ra phương pháp học nào để một học sinh giỏi lý lớp 10, lớp 11, hóa và sinh ở mức trung bình cả hai năm, có thể học giỏi hóa và sinh năm lớp 12.

Và giờ đây, thời gian và đầu óc tập trung cho môn lý sẽ giảm xuống, vì còn phải tập trung các môn khác. Thế là vừa lo lấp lỗ hổng kiến thức vừa qua, vừa đắp thêm cái mới nữa.

Để phục vụ kỳ thi, bọn nhỏ phải gấp rút nhồi nhét, chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng cái gì cũng biết, nhưng thật ra chẳng biết gì trọn vẹn.

Kết quả là cuối năm lớp 12: lý, hóa, sinh chẳng môn nào giỏi cả. Kiến thức là cả quá trình tích lũy dần dần, chứ không thể một thời gian ngắn mà có được. Muốn xây nhà cao tầng thì móng phải vững mới xây được.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết với bài thi tổ hợp, điểm khi chấm sẽ có cả điểm tổng hợp của bài và điểm của từng môn cấu phần. Để xét tốt nghiệp, sẽ tính điểm cả bài thi tổ hợp.

Còn để xét tuyển ĐH 2017, các trường có thể tổ hợp các điểm thành phần của từng môn, hoặc điểm của cả bài thi, kết hợp với các môn thi khác, để xây dựng tổ hợp xét tuyển.

Việc này sẽ do các trường tự chủ. Theo đó, nếu trường yêu cầu sử dụng điểm của cả bài thi thì thí sinh phải làm hết tất cả. Còn nếu trường chỉ sử dụng một cấu phần thì các em chỉ làm mỗi cấu phần đó.

Đọc xong tôi hoang mang gấp bội. Vì nếu trường ĐH nào chỉ dùng điểm thành phần của từng môn để xét tuyển, thì những học sinh đăng ký xét tuyển toán - lý - Anh, trong 90 phút, chỉ phải làm 20 câu lý (hoặc làm thêm vài câu hóa, sinh để khỏi bị điểm liệt); trong khi cũng thời gian đó, bạn khác phải làm 40 câu hóa và sinh, để đăng ký xét tuyển toán - hóa - sinh. Không lẽ bộ chưa phát hiện ra sự mất công bằng quá rõ như vậy?

Tất cả những sự thay đổi đó, bộ đều cho rằng để giảm áp lực thi cử, giảm chi phí và hàng loạt cái giảm khác có lợi cho người dân.

Nhưng giờ chúng tôi chỉ thấy áp lực nặng nề và tốn kém hơn. Có một thực tế là hiện nay tất cả học sinh lớp 12 đều đi học thêm môn mà mình dùng để xét tuyển ĐH. Giờ thì phải nháo nhào tìm thầy để học thêm vài môn nữa, rồi suy nghĩ học sao cho theo kịp đây?

Các lớp học thêm đã chật kín học sinh, giờ thêm nữa thì chất lượng dạy học sẽ ra sao? Rồi chi phí học thêm từ bây giờ đến khi thi, rồi phải lo đảm bảo sức khỏe và cơm nước cho các cháu để kịp chạy từ nơi này sang nơi khác học; đoạn đường sẽ đi nhiều hơn, mức độ vội vã tăng thêm thì an toàn giao thông sẽ giảm đi... Đấy, biết bao nhiêu là nỗi lo của phụ huynh chúng tôi, thì thử nghĩ chúng tôi tiết kiệm được gì?

Tôi rất hoan nghênh những cải tiến của bộ nhằm làm cho xã hội tốt hơn. Nhưng chúng tôi chỉ mong muốn rằng hãy cho con chúng tôi thời gian, hãy để những thay đổi đó áp dụng cho những đứa con sau của chúng tôi...

Thay đổi giáo dục là sự thay đổi lớn của toàn xã hội và phải có lộ trình. Vậy bắt những cháu sinh năm 1999 phải đột ngột thực hiện ngay sự thay đổi này thì liệu có làm cho nền giáo dục nước ta khởi sắc ngay không?

Tôi cảm thấy con mình kém may mắn khi là những học sinh phải thực hiện thay đổi đột ngột này.

Cần thời gian để chuẩn bị kỹ hơn

Các trường THPT đã bước vào chương trình học của năm học 2016-2017 được nửa tháng. Hiện nay thầy cô và học sinh đang giảng dạy và học tập theo cách dạy và cách học như trước đây, mà bây giờ chúng ta mới bàn chuyện ra đề thi trắc nghiệm môn toán.

Tại sao chúng ta không bàn trong hè, lấy ý kiến của giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn toán, để lắng nghe phản hồi của họ về thuận lợi và khó khăn trong việc chuyển hướng giảng dạy và ra đề thi trắc nghiệm?

Nghe rồi thì hãy tổ chức tập huấn cho giáo viên toán đang trực tiếp giảng dạy lớp 12 trong phạm vi cả nước, để việc giảng dạy và học tập của học sinh được thống nhất, đồng bộ.

Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đưa ra, theo tôi là quá gấp gáp, thiếu bàn bạc, phản biện của giới chuyên môn nên gặp phản ứng bất lợi.

Theo dự thảo, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi minh họa vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10-2016. Học sinh và giáo viên có thể tham khảo định dạng của đề thi này và ôn luyện trong quá trình dạy - học.

Sau thời gian này, chắc chắn giáo viên phải tham gia lớp tập huấn, để chuyển hướng cách giảng dạy theo đề thi trắc nghiệm môn toán. Như vậy có lẽ sẽ mất hết học kỳ 1. Các trường trở tay như thế nào? Học sinh chuyển hướng ra sao?

Phụ huynh lại đau đầu vì phải lo cho con. Tốt nhất, nên ra đề thi trắc nghiệm đối với môn toán và cả môn văn, nhưng cần có thêm câu tự luận.

 


Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160915/con-toi-kem-may-khi-phai-thuc-hien-thay-doi-thi-thpt/1171533.html