Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Vô số lời ta thán đã được gửi đến các cơ sở đào tạo, kể cả Bộ GD&ĐT, về việc chất lượng đào tạo ở các trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp và trường dạy nghề kiểu gì, sao thất nghiệp nhiều quá. Các cơ sở đào tạo dường như chỉ lo "lôi con người ta nhập học”, học xong trường rũ luôn trách nhiệm. Vậy ai được hưởng lợi thực từ ngân sách GD&ĐT, nếu không phải các trường, là Bộ, chứ đâu phải người học.

Bão thất nghiệp kéo dài

Giờ đây ngay sinh viên (SV) tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu vẫn thất nghiệp. Hàng trăm học viên được tuyển chọn đi du học hàng năm theo các chương trình học bổng của chính phủ theo diện hiệp định, thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước, đến khi về nước nếu không xin được việc Bộ cũng… bó tay, không quan tâm tiếp. Cử nhân thất nghiệp càng "sống chết mặc bay”.

>> Có 2 bằng cử nhân vẫn thất nghiệp

 

Con số sinh viên thất nghiệp không chính xác | Việc làm cho sinh viên


Khi Bộ GD&ĐT chỉ quan tâm giải ngân ngân sách được cấp mà không quan tâm hiệu quả, các trường CĐ, ĐH trốn tránh thống kê cung cấp số liệu người có việc làm - hiệu quả thật sự của đào tạo, đó là tín hiệu rủi ro lớn không chỉ cho người học mà còn cho đất nước. Kinh tế còn khó khăn nữa, ai chịu trách nhiệm về thất thoát, lãng phí nguồn chất xám này? Chưa gọi được tên cá nhân, đơn vị, lãnh đạo ngành nào chịu trách nhiệm sẽ khó có thể đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, chất lượng nguồn nhân lực sẽ còn bế tắc.

Bộ đã yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH công bố chuẩn đầu ra, coi đó là sự thể hiện cam kết của các trường với người học. Nếu cơ sở nào chưa công bố chuẩn đầu ra và chưa thực hiện trách nhiệm đối với người học, xã hội cũng như các bên liên quan thì sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành. Nhưng cam kết của các trường với người học không thể chỉ là "chuẩn đầu ra”.

Lời ta thán gần đây do vậy không chỉ phê về chất lượng đào tạo yếu quá, mà còn bức xúc việc các cơ sở đào tạo không chịu thống kê định kỳ thường niên số người tốt nghiệp ra trường sau một năm vẫn thất nghiệp. Không có số liệu đó, cứ "nhắm mắt đào tạo”, khó tránh vết xe đổ phát triển nhân lực tự phát…

Công bố số sinh viên thất nghiệp thiếu chính xác

Tuy nhiên gần đây một số trường cũng hé lộ lý do không công bố số liệu SV có việc, thất nghiệp sau khi tốt nghiệp hàng năm do số cử nhân ra trường phản hồi ít. Như trường ĐH Sư phạm Hà Nội thực hiện khảo sát này từ năm 2008, mỗi năm trường có 1.500 đến 2.000 SV tốt nghiệp nhưng chỉ có khoảng 35 - 50% phản hồi. Người có trách nhiệm ở đây còn cho biết: Để thống kê số liệu này phải chi phí rất lớn, mỗi năm trường ĐH Sư phạm Hà Nội chi trên dưới 100 triệu đồng để tiến hành công việc khảo sát này.

>> Cử nhân, thạc sĩ đi học trung cấp vì thất nghiệp

Ôi, nếu SV tốt nghiệp ra trường có việc làm mà không thiết hồi âm về trường cũ, không báo tin mình đã có việc hay chưa, thì cũng chẳng có gì để ngạc nhiên về chất lượng đào tạo nữa, ở đây là chất lượng "dạy làm người”. Cử nhân sư phạm sẽ đi "trồng người” trong nay mai mà còn "bạc” với nhà trường vậy, huống hồ cử nhân, kỹ sư các trường khác. Họ không hồi âm vì họ chả thiết gì trường cũ, theo mọi nhẽ?

Gần đây có ý kiến ủng hộ việc Bộ GD&ĐT sử dụng tiêu chí tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm trong đánh giá chất lượng đào tạo ĐH. Tiêu chí này lẽ ra Bộ phải làm từ lâu. Nhưng Bộ đã không làm. Giấu hay công bố con số thất nghiệp khá nhạy cảm? Người ta có quyền nghĩ Bộ đang cố tình lơ đi tỷ lệ thất nghiệp buồn, khi không xử nghiêm những trường không báo cáo thống kê số cử nhân thất nghiệp hằng năm. Bộ lơ đi vì hiểu hơn ai hết tỷ lệ thất nghiệp đáng báo động ra sao, Bộ không muốn nhìn thẳng sự thật đào tạo nhân lực bao năm nay quá lãng phí!

Đổi mới căn bản toàn diện GDĐT mà bỏ sót những "huyệt đạo” tối quan trọng như vậy, như bao lâu nay SGK "bỏ quên” Đại tướng Võ Nguyên Giáp bởi không bài nào nhắc về ông, thì gọi đổi mới đó là "trận đánh nhỏ” e cũng không đáng, không thể là "trận đánh lớn”. Đào tạo ra nguồn nhân lực không thất nghiệp phải được xem là mục tiêu giản dị mà tiên quyết của đổi mới căn bản toàn diện GDĐT!