Cô gái Việt đầu tiên học thạc sĩ cờ vây tại Hàn Quốc - Ảnh 1


Học giỏi và rất “mê” cờ vây

Linh tốt nghiệp loại giỏi ngành Kinh tế quốc tế - Trường ĐH Ngoại Thương (Hà Nội), nhưng ít ai biết cô còn có một niềm đam mê với cờ vây từ khi còn rất nhỏ. Cô học chơi cờ vây từ năm lớp 5 tại Câu lạc bộ (CLB) Cờ vây Hà Nội, và luôn là fan ruột của bộ truyện tranh Nhật Bản “Hikaru - kỳ thủ cờ vây”.

Nhắc đến bộ môn cờ vây, Linh háo hức: “Mình thích cờ vây bởi bản thân nó là một môn rất thú vị mà khi chơi rồi sẽ dễ bị “nghiền”. Đối với mình, cờ vây là sự kết hợp giữa tư duy logic và nghệ thuật. Ngoài ra, mình thích tinh thần của cờ vây: Chiến lược trong cờ vây mang tính xây dựng và luôn luôn phải biết cân bằng giữa tấn công và phòng thủ”.

Cân bằng giữa việc học và chơi cờ, Linh tốt nghiệp đại học loại giỏi. Ngoài việc học là chính, Linh còn tham gia thi đấu và dạy cờ tại hai CLB Cờ vây Việt - Hàn và Cờ vây Hà Nội. Đây cũng là nơi để cô gái này trau dồi khả năng thi đấu. Linh từng tham gia 3 giải quốc gia và một giải quốc tế về môn cờ vây. Năm 2013, Linh đạt hạng 9 tại giải Cờ vây quốc gia.

Biết Hàn Quốc là đất nước có nền cờ vây phát triển và có chương trình đào tạo nâng cao, nên từ lúc sắp tốt nghiệp đại học, Linh đã chủ động liên lạc với ĐH Myongji - vốn rất nổi tiếng về các ngành xã hội, để xin học bổng.

Những hoạt động và thành tích trong nhiều năm liền gắn bó với cờ vây đã giúp Linh chinh phục được học bổng Thạc sĩ chuyên ngành Cờ vây học trị giá 30.000 USD của ĐH Myongji. Linh chính thức trở thành nữ sinh đầu tiên của Việt Nam theo học ngành học này ở Hàn Quốc.


Cô gái Việt đầu tiên học thạc sĩ cờ vây tại Hàn Quốc - Ảnh 2

Mong muốn thúc đẩy cờ vây Việt Nam

Hàn Quốc là một trong những nước có nền cờ vây phát triển nhất thế giới, có hẳn kỳ viện và hệ thống kỳ thủ cũng như các giải đấu chuyên nghiệp. “Nhiều người hỏi mình và tỏ ra rất bất ngờ khi biết cờ vây có học vị thạc sĩ. Nhưng thực ra ở Hàn Quốc, ngành cờ vây không chỉ có học vị thạc sĩ mà còn có cả học vị tiến sĩ nữa”, Linh kể.

Học kỳ đầu tiên tại Hàn Quốc, cô gái 9X này được học các môn chuyên ngành như xã hội học, phương pháp nghiên cứu khoa học đặc thù cho cờ vây, và các lớp nâng cao kỹ năng chơi cờ. Linh cho biết, chương trình thạc sĩ Cờ vây học của ĐH Myongji chủ yếu là hướng tới việc phát triển và xây dựng cộng đồng cờ vây hơn là đào tạo kỳ thủ.

Đầu năm nay, Linh đến Malaysia để tham gia “Trại cờ vây Malaysia 2017”. Đây là dịp để Linh giao lưu các kỳ thủ và hướng dẫn các em nhỏ chơi cờ. Giao lưu với nhiều kỳ thủ cờ vây đến từ các quốc gia khác, Linh ấp ủ những dự định phát triển cờ vây tại Việt Nam.

Linh thổ lộ: “Trong 2 năm tới mình sẽ hoàn thành chương trình thạc sĩ, sau đó có thể tiếp tục học lên cao hơn hoặc thử sức một vài công việc trong lĩnh vực cờ vây để học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm. Mình cũng mong muốn có thể góp phần nào đó thúc đẩy thêm phong trào cờ vây tại Việt Nam”.


Theo Thanh Niên