GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho rằng giáo dục Việt Nam tồn tại nhiều vấn đề, nhưng "xã hội đang định kiến nặng nề".
Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới. Sau một tháng, nhiều học sinh, phụ huynh, giáo viên phản ứng vì chương trình nặng, bài học thiết kế tốc độ nhanh. Bộ sách Tiếng Việt Cánh Diều bị chê "sử dụng nhiều phương ngữ, truyện ngụ ngôn phản giáo dục".
Trong hai tiếng, hai khách mời là GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Chủ biên bộ sách Cánh Diều; TS Phan Phương Dung, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Nội - Thăng Long, thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt 1 đã trả lời 40 trong hơn 800 câu hỏi của độc giả.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, Chủ biên bộ sách Cánh Diều. Ảnh: Phạm Dự.
- Cảm ơn giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã tham gia trả lời. Chương trình và sách giáo khoa lớp 1, đặc biệt là môn Tiếng Việt, khiến phụ huynh và dư luận bức xúc. Là Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, ông tiếp nhận những phản hồi đó thế nào? (Bích Hạnh, 42 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Trong cuộc sống, không ai không nhận được những ý kiến phê bình. Tôi đã nhiều tuổi rồi (72 tuổi), nên khá bình tĩnh. Có bình tĩnh mới nhận ra được cái đúng cái sai, giải quyết được vấn đề.
- Đã ai gặp ông, hay gọi điện chia sẻ bức xúc về chương trình và ông đã giải thích thế nào? (Phương Hoa, 42 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Nhiều nhà báo đã gọi điện hoặc trực tiếp gặp đề nghị tôi giải thích. Nhiều bạn bè, thầy cô cũng gọi điện, gửi email, tin nhắn hoặc gặp gỡ chia sẻ. Có người phản ánh triển khai bộ sách rất thuận lợi. Có người nêu băn khoăn, đề nghị tôi giải đáp. Nhưng cũng có người phản ứng gay gắt. Tôi đã trao đổi cặn kẽ với từng người.
Chương trình mới chú trọng thực hành
- Chương trình lớp 1-2 chủ yếu rèn luyện cho học sinh kỹ năng nghe, đọc, viết và các phép tính cơ bản. Cách đây gần 30 năm, thế hệ của tôi đi học một buổi, một buổi đi chăn trâu nhưng vẫn học đầy đủ các kỹ năng trên. Vậy tại sao phải đổi mới chương trình? (Nguyễn Văn Khoa, 34 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã thoát ra khỏi nhóm nước nghèo, chậm phát triển và trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nhưng sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chất lượng cuộc sống còn thấp.
Thời gian trước và sau khi nước ta tiến hành đổi mới, thế giới đã có nhiều thay đổi, giáo dục cũng vậy. Chúng ta phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, cạnh tranh, hội nhập trong tình hình mới.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã quyết định đổi mới giáo dục. Quốc hội ban hành các Nghị quyết số 88 và 51, Thủ tướng cũng ban hành quyết định về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Ngành giáo dục đổi mới chương trình, sách giáo khoa là thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
- Chương trình được xây dựng với mục tiêu hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Khái niệm này rất trừu tượng, xin giải thích nó là gì và tại sao chọn mục tiêu như vậy? (Văn Huy, 40 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình giáo dục phổ thông đã xác định rõ các khái niệm phẩm chất, năng lực. Phẩm chất là những tính tốt thể hiện ở thái độ, hành vi ứng xử của con người; cùng với năng lực tạo nên nhân cách con người. Căn cứ các nghị quyết của Trung ương về xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình giáo dục phổ thông mới) xác định 5 phẩm chất cần đạt là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Nội dung, yêu cầu cần đạt về 5 phẩm chất này đối với từng cấp học đã được quy định cụ thể trong văn bản chương trình.
Năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng và thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí... thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong điều kiện cụ thể.
Năng lực bao gồm năng lực cốt lõi và năng khiếu. Năng lực cốt lõi là năng lực cơ bản, thiết yếu mà bất kỳ ai cũng cần có để sống, học tập và làm việc hiệu quả.
Năng khiếu là những năng lực đặc biệt về trí tuệ, văn nghệ, thể thao, kỹ năng sống... nhờ tố chất sẵn có ở mỗi người.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xác định năng lực cốt lõi bao gồm 3 năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo), 7 năng lực đặc thù (năng lực ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất). Nội dung và yêu cầu của các năng lực này đối với từng cấp học đã được quy định cụ thể trong văn bản chương trình.
- Xin hỏi định hướng phát triển năng lực này được cụ thể hóa trong sách giáo khoa thế nào, khác gì so với sách cũ? (Dương Nguyễn, 40 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu như chương trình giáo dục phổ thông trước đây nặng về cung cấp kiến thức, chủ yếu trả lời cho câu hỏi: "Học xong chương trình, học sinh biết được những gì?" thì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng tính thực hành, tập trung trả lời cho câu hỏi: "Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?".
Theo tinh thần này, sách giáo khoa cần chú trọng tính thiết thực, thực hành.
- Tôi chưa hiểu chương trình lớp 1 cũ có vấn đề gì mà phải thay đổi. Những điểm chưa phù hợp của chương trình mới sẽ giải quyết như thế nào?(Quang)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: So với chương trình cũ, chương trình mới tăng cường hoạt động của học sinh, tăng cường thực hành. Điều này được thể hiện ở chương trình của tất cả môn, nhưng dễ nhận thấy nhất là ở hoạt động trải nghiệm và môn Giáo dục thể chất.
Trong hoạt động trải nghiệm, học sinh được tổ chức hoạt động để rèn luyện bản thân, tìm hiểu cuộc sống xung quanh dưới nhiều hình thức. Còn về môn Giáo dục thể chất, học sinh được lựa chọn hoạt động thích hợp (điền kinh, thể dục). Số giờ Giáo dục thể chất cũng được tăng thêm một tiết một tuần.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã có quy định về phát triển chương trình (điều chỉnh chương trình). Căn cứ vào thực tế triển khai và kết quả nghiên cứu về phát triển chương trình của thế giới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo, điều chỉnh những điểm chưa phù hợp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chương trình đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với điều chỉnh sách giáo khoa.
- Chúng ta liệu đã có những nghiên cứu hay thử nghiệm cận kẽ cho những đổi mới này, đã được áp dụng cho bao nhiêu học sinh, giáo viên? (Cúc, 38 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị từ lâu. Khi xây dựng, Bộ tuân thủ quy định của pháp luật về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thực nghiệm để đánh giá tác động bằng nhiều hình thức: biên soạn, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến giáo viên và chuyên gia, lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân.
Còn về sách giáo khoa thì cả 5 bộ sách mới đều đã qua dạy thực nghiệm, trình hồ sơ thực nghiệm ra Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
- Xin chia sẻ quy trình xây dựng sách giáo khoa lớp 1, có hay không sự phản biện của phụ huynh? (Nguyễn Hồng Phong, 35 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định sách giáo khoa đã được quy định tại Thông tư số 33 ngày 22/12/2017 và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 23 ngày 6/8/2020. Nội dung Thông tư rất chi tiết. Các vị có thể đọc trên mạng.
- Học sinh mới 6 tuổi tại sao lại bố trí chương trình học 2 buổi? (Khánh, 29 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD (Education at a Glance 2014: OECD Indicators), tính trung bình mỗi học sinh từ 7 đến 15 tuổi ở các nước OECD học 7.475 giờ. Như vậy, thời lượng học tập của học sinh tiểu học và THCS nước ta chỉ đạt 5.888 giờ, thấp hơn trung bình của các nước OECD 1.587 giờ. Lý do là ở nhiều nước, học sinh từ mầm non trở lên đến hết THPT đều học 2 buổi một ngày.
Nội dung chương trình của các nước nói chung không chênh lệch bao nhiêu. Nếu học sinh Việt Nam chỉ học một buổi một ngày thì khó giảm tải. Nhưng do đặc thù nước ta, trước mắt ngoài cấp học mầm non, chỉ tiểu học học hai buổi một ngày.
Triết lý của chương trình mới - thực học và dân chủ
- Triết lý giáo dục phổ thông của các thầy là gì? Giáo dục phục vụ học sinh hay là bắt học sinh phải chạy theo chương trình? (Nguyễn Nhật An, 29 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Nhiều người cho rằng Việt Nam chưa có triết lý giáo dục. Người ta nghĩ như vậy có thể là vì chưa có văn bản nào của nhà nước, kể từ nhà nước phong kiến đến nay, sử dụng cụm từ "triết lý giáo dục" và xác nhận triết lý đó là gì.
Nhưng vận hành một nền giáo dục làm sao không có triết lý được? Ngay những tư tưởng về mục tiêu học tập, dù được công khai tuyên bố hay ngấm ngầm thực hiện như học để làm người, học để làm quan, cũng là triết lý, chi phối hoạt động học tập của mỗi người và hệ thống, chi phối nội dung, phương pháp giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục của quốc gia.
Giáo dục Việt Nam là nền giáo dục vị xã hội. Từ xưa tới nay, giáo dục hầu như không quan tâm đến mục tiêu phát triển cá nhân mà chỉ tập trung đào tạo nhân lực (quan chức, cán bộ...) phục vụ nhu cầu xã hội.
Nhưng gần đây đã có những thay đổi trong quan niệm về quyền con người trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Quyền con người đã được khẳng định vị thế tương đương với quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013. Nhận thức mới về quyền con người cũng được phản ánh vào mục tiêu phát triển cá nhân trong Luật Giáo dục (sửa đổi) năm 2019.
Nhận thức mới này tạo điều kiện để xây dựng nền giáo dục hài hòa giữa phát triển cá nhân với đào tạo nhân lực cho xã hội. Đó là nền giáo dục được xây dựng theo triết lý thực học và dân chủ. Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nói đến mục tiêu xây dựng nền giáo dục thực học, thực nghiệp và dân chủ, tuy chúng chưa được nói rõ là triết lý giáo dục.
Như vậy, rõ ràng là giáo dục phục vụ học sinh, giúp các em phát triển nhân cách, năng lực. Dĩ nhiên nội dung giáo dục này được thể hiện thành chương trình, lấy học sinh là trung tâm, là người tự thực hiện nhiệm vụ học tập để trưởng thành.
- Nhiều năm qua tôi thấy về chương trình giáo dục của Việt Nam có vấn đề, rối rắm, phức tạp, tốn kém. Xin hỏi lần này có cải tiến gì và có tham khảo của các nước tiên tiến không? (Gia Bảo, 58 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Xã hội đang có định kiến rất nặng nề đối với giáo dục, mặc dù mọi người ít hoặc nhiều đều được nhận những lợi ích từ cái mà người ta chê ỏng chê eo này.
Lấy ví dụ, Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới, làm khốn đốn cả các cường quốc. Nhưng Việt Nam chống dịch thành công. Thành công đó chủ yếu là nhờ ai, nếu không phải nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ, sự tận tâm và tài năng của đội ngũ thầy thuốc mà phần lớn đều được đào tạo từ mái trường Việt Nam? Có phải mỗi người dân đều đã được hưởng lợi từ việc chống dịch thành công không?
Từ năm 2006, Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo, chậm phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, kinh tế ngày càng khởi sắc. Nhưng về sức cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam thường chỉ đứng ở thứ hạng trên dưới 130/190 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong khi đó giáo dục thường được xếp ở thứ hạng trên dưới 60. Lẽ ra, kinh tế phải có thứ hạng cao hơn nữa, nhưng lỗi đó có phải chủ yếu do giáo dục?
Giáo dục Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề. Cái lỗi lớn nhất của ta là duy trì quá lâu một nền giáo dục kinh viện vừa xa thực tế vừa thiếu cởi mở. Nghị quyết 29 của Trung ương đã xác định mục tiêu tổng quát của lần đổi mới giáo dục này là "Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân".
Theo đó, con người Việt Nam được giáo dục theo hướng phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả; xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt...
- Khi thiết kế chương trình, sách giáo khoa, quý thầy cô có đặt tuổi thơ các cháu lên ưu tiên hàng đầu, kế đến có đặt mình là đứa trẻ, nghĩ cách làm sao để trẻ tiêu hóa hết kiến thức và có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi? (Trần Minh Hùng, 52 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Khi làm chương trình, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo luôn luôn nhắc nhở chúng tôi phải giảm tải. Chương trình mới thực hiện giảm tải cho học sinh bằng nhiều cách: Tăng cường thực hành, hoạt động, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá...
Nói riêng về lớp 1, học sinh học 2 buổi/ngày, mỗi ngày 7 tiết, tính ra là 35 tiết/tuần, nhưng số giờ học thực sự chỉ có 25 tiết/tuần. 10 tiết còn lại các trường tổ chức cho học sinh vui chơi giải trí, tự học có hướng dẫn và học môn tự chọn (Ngoại ngữ hoặc Tiếng dân tộc thiểu số). Chúng tôi cũng mong các trường sẽ thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ, không tăng cường thêm các môn tự chọn khác.
Riêng với môn Tiếng Việt lớp 1, chương trình mới quy định học 12 tiết/tuần, nhiều hơn chương trình cũ 2 tiết/tuần. Tăng tiết là để giảm tải chứ không phải là quá tải bởi vì các cháu vẫn phải học bằng đó chữ, vần thì mới biết đọc, biết viết. Có 12 tiết, nội dung học tập sẽ được kéo giãn ra.
- Chương trình giáo dục phổ thông mới đã có kế hoạch xuyên suốt và tổng thể cho 12 năm chưa, hay mỗi năm mỗi lần xáo trộn? Trường hợp các vị không thể tiếp tục công việc, có phương án dự phòng nào để chương trình diễn ra đúng như kế hoạch ban đầu? (Huỳnh Thiện Tâm, 38 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được ban hành cuối năm 2018 và được công khai. Nội dung chương trình đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12. Phụ huynh có thể đọc chương trình trên mạng để hiểu rõ hơn.
Vì chương trình đã hoàn thiện nên việc thực hiện chương trình không phụ thuộc vào đội ngũ biên soạn nữa.
Trước khi vào lớp 1, trẻ mầm non cần nhận biết chữ cái, chữ số
- Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo không cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, trẻ em chưa được học chữ trước gặp khó khăn bởi chương trình học rất nhanh, lượng kiến thức nhiều so với độ tuổi. Con học cả ngày trên lớp lại phải ôn bài ở nhà mới theo kịp, rất áp lực. Giáo sư Thuyết giải thích thế nào về điều này? (Phan Thị Hòa, 35 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo chương trình giáo dục mầm non hiện hành, học sinh mầm non được hướng dẫn để nhận biết mặt chữ, chữ số, chứ chưa học đọc học viết. Các bé được làm quen với nề nếp học tập, sinh hoạt. Sách giáo khoa lớp 1 được xây dựng trên nền móng này.
Tuy nhiên, năm nay học sinh mầm non phải nghỉ học 4 tháng do Covid-19, lại không có một tuần luyện tập trước khai giảng nên thầy cô khá vất vả trong những tuần đầu năm học mới.
- Với cách thiết kế chương trình và sách giáo khoa như hiện nay, ông nghĩ sao về việc thay đổi cả chương trình giáo dục mầm non để trẻ nhanh biết đọc, viết? (Mai Trang, 34 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Thực tế vẫn có những gia đình cho con học trước. Vào những ngày đầu học lớp 1, có thể những em chưa học trước đọc chậm, viết chậm hơn các em đã học trước. Nhưng chỉ sau 1-2 tháng, chậm nhất là cuối học kỳ I, những em này sẽ đuổi kịp và vượt các bạn cùng lớp.
Việc dạy đọc dạy viết cho trẻ trước lớp 1 có mặt tốt, nhưng cũng có mặt không tốt là có thể khiến trẻ chủ quan, sao nhãng học tập.
Gần đây, ở nước ngoài người ta dạy chữ cho trẻ từ mầm non. Nếu Việt Nam thấy xu hướng này có lợi hơn cho trẻ, các chuyên gia về giáo dục mầm non có thể đề xuất thay đổi chương trình nếu cần. Nhưng bất kỳ thay đổi nào về chương trình đều phải tuân thủ quy định của pháp luật là nghiên cứu, thực nghiệm và trải qua ít nhất 90 ngày xin ý kiến nhân dân.
- Tôi đã theo khuyến cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo không dạy trước cho con biết đọc biết viết. Nhưng giáo viên bây giờ mặc định hiểu đa số em vào lớp 1 là đã biết đọc biết viết nên sẽ dạy theo hướng này. Đến khi đọc qua sách Tiếng Việt 1 để dạy con học, tôi vô cùng lo lắng. Tôi cần biết chủ trương hiện nay trẻ trước khi vào lớp 1 cần trang bị những gì? (TVDINH, 35 tuổi)
- TS Phan Phương Dung: Theo quy định, trẻ chưa đi học lớp 1 không dạy theo sách lớp 1 mà chỉ dạy theo chương trình mầm non theo chuẩn chỉ số của trẻ 5 tuổi. Trẻ trước khi vào lớp 1 cần nhớ bảng chữ cái và ghép được các tiếng đơn giản, nhớ 10 chữ số và tách, gộp được trong phạm vi 10.
Năm học vừa qua do nghỉ phòng chống dịch từ sau Tết đến hết tháng 4 nên học sinh chưa được chuẩn bị tốt cho việc đi học lớp 1 so với mọi năm. Rất nhiều trẻ không đi học mầm non nên việc đạt chuẩn là khó. Với các cháu không đi học mầm non, bố mẹ nên cho con làm quen với các chữ cái, chữ số... theo chuẩn các chỉ số cần đạt của trẻ 5 tuổi và nề nếp, kỹ năng cần có.
Hiện những tuần đầu lớp 1, giáo viên đều cho học sinh học theo chương trình, sách giáo khoa: Học âm và chữ cái, học vần (học âm, chữ cái, vần đến hết tuần 26 gần giữa kỳ II hoặc có bộ sách kết thúc sớm hơn), luyện tập tổng hợp.
Với các giai đoạn dạy âm, chữ cái, dạy vần, dạy luyện tập tổng hợp như trên, học sinh thực hiện tốt chương trình mầm non sẽ thuận lợi (đặc biệt ở giai đoạn đầu lớp 1), những em khác sẽ khó khăn hơn, cô giáo cùng bố mẹ nên phối hợp để giúp các em vượt qua. Tuy nhiên, cũng không quá khó khăn vì các bé lớp 1 vẫn bắt đầu với các bài học âm và chữ cái.
TS Phan Phương Dung, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hà Nội - Thăng Long, thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt 1. Ảnh: Phạm Dự.
Giáo viên, phụ huynh đừng quá áp lực
- Cả gia đình tôi xáo trộn, bất hòa và áp lực từ khi con vào lớp 1. Chương trình mới quá nặng với trẻ, đặc biệt là các trẻ không học tiền lớp 1 như con tôi. Trường đã tổ chức dạy thêm nhưng vẫn không đủ, cháu còn phải học thêm bên ngoài và ở nhà. Hiện cháu sợ học, nhưng giáo viên vẫn đề nghị phụ huynh kèm thêm cháu để theo kịp chương trình. Vậy tôi phải làm sao? (Thái Nữ Huyền Trang, 32 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Mục đích chính của môn Tiếng Việt ở lớp 1 là dạy trẻ biết đọc biết viết. Muốn biết đọc biết viết thì phải học đủ 29 chữ cái, hơn 10 chữ ghép (ch, ng, ngh, tr, kh...). Chương trình lớp 1 trước đây, hiện nay và mai sau vẫn như vậy. Cho nên nói chương trình mới nặng là không đúng.
Từ chương trình, mỗi bộ sách giáo khoa có cách tiếp cận riêng để dạy trẻ. Tôi không biết cháu học sách nào nên khó có thể tư vấn sát với trường hợp của ông. Nhưng tôi cho rằng dạy thêm học thêm là không đúng. Điều đó càng gây áp lực cho trẻ. Tốt nhất là các thầy cô thực hiện dạy học phân hóa, chú ý kèm cặp, hướng dẫn các cháu còn chậm. Cha mẹ cũng không nên vì sốt ruột mà gây áp lực cho con. Các cháu còn học cả năm, mới hơn một tháng đầu chưa nói lên điều gì.
Vừa qua, tôi có về huyện Đông Anh (Hà Nội) và huyện Xuân Trường (Nam Định). Giáo viên Đông Anh cho biết học sinh, giáo viên và cả phụ huynh học sinh rất hứng thú với sách giáo khoa mới. Ở huyện Xuân Trường, một số giáo viên phản ánh mỗi lớp hiện có khoảng 20 học sinh đã đọc trơn được, các học sinh khác đang còn phải đánh vần và 1-2 em còn gặp khó khăn ở cả đọc và viết. Theo tôi, đó là chuyện bình thường. Năng lực trời cho mỗi người một khác. Có em đọc viết chậm, nhưng có khi lại thông minh ở môn khác, hoạt động khác, nên đừng coi việc đọc viết chậm là bi kịch mà cần kiên nhẫn hướng dẫn, có giải pháp riêng cho những học sinh đó.
Tôi cũng mới về Hải Phòng dự hội nghị chuyên đề và dự hai tiết dạy. Tôi thấy các cô giáo dạy rất nhẹ nhàng, học sinh tiếp thu tốt, đọc và viết tốt. Một số tác giả trong nhóm chúng tôi cũng dự giờ ở Hà Nội, tôi cũng được giáo viên ở nhiều nơi gửi các clip ghi lại tiết học. Chúng tôi thấy kết quả thực hiện tốt, đúng như dự tính. Tôi hy vọng với sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan giáo dục địa phương, những khó khăn ban đầu (nếu có) sẽ được sớm khắc phục.
- Chương trình mới yêu cầu giáo viên đổi mới, dạy học sinh theo hướng phát triển năng lực. Nhưng vấn đề về sĩ số lớp vẫn không được khắc phục vậy phát huy năng lực bằng cách nào? Học sinh lớp 1 làm việc theo nhóm vô cùng ồn và hạn chế. Vậy đâu là giải pháp thiết thực? (Nguyen Phuong, 26 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Quả thực đây là khó khăn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Ban soạn thảo chương trình đã nhìn thấy trước. Chương trình mới đòi hỏi học sinh phải hoạt động tích cực thì sĩ số lớp phải ít. Khi đó, giáo viên mới đủ điều kiện để quan tâm hướng dẫn học sinh hoạt động. Không nói ở nước ngoài mà ngay ở các trường tư ở Hà Nội và TP HCM, sĩ số lớp chỉ ở khoảng 20-25 học sinh, rất phù hợp với chương trình mới.
Để khắc phục tình trạng học sinh quá đông trong một lớp, chúng ta phải trông chờ vào sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, số người nhập cư đông. Đó là khó khăn của chính quyền thành phố. Chúng tôi cũng mong Chính phủ có giải pháp hỗ trợ.
Đối với lớp 1, việc học tập theo nhóm, nhất là trong điều kiện lớp đông, chủ yếu diễn ra dưới hình thức nhóm đôi (hai học sinh ngồi cạnh nhau thành một nhóm). Chúng ta không nên sợ lớp ồn mà chỉ cần quan tâm học sinh có thực sự làm việc không.
- Vấn đề vở sạch chữ đẹp ở các trường đang gây áp lực cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Việc rèn viết đúng, viết đẹp được đặt ra thế nào trong chương trình mới? (Nguyen Phuong, 26 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định dành 60% thời lượng môn Tiếng Việt lớp 1 cho rèn kỹ năng đọc; 25% là rèn luyện kỹ năng viết; 10% cho việc rèn luyện kỹ năng nói và nghe; 5% cho hoạt động kiểm tra, đánh giá. Như vậy, yêu cầu về viết giảm nhẹ hơn so với chương trình cũ.
Các cơ quan quản lý giáo dục địa phương, các cơ sở giáo dục và các thầy cô cần quán triệt quy định này của chương trình để dạy viết và yêu cầu về kỹ năng viết đúng mức. Nếu chúng ta đòi hỏi học sinh lớp 1 về kỹ năng viết quá cao, ví dụ đòi hỏi học sinh phải nối nét giữa các chữ, phải viết chữ thật đẹp, thì có thể gây áp lực không chỉ cho học sinh mà còn cả thầy cô.
Tôi mong rằng cơ quan chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn, chỉ đạo để các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện đúng yêu cầu của chương trình.
Đặt mình vào vị trí học sinh để biên soạn sách
- Khi viết sách giáo sư Thuyết có đặt mình vào vị trí của các cháu không, hay ông đang đặt các cháu vào vị trí của ông? (Nguyễn Văn Nam, 39 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi đã nghiên cứu về giáo dục tiểu học gần 40 năm nay, đi dự giờ và trao đổi với giáo viên thường xuyên. Trong nhóm tác giả sách của tôi, có người còn có thời gian nghiên cứu tiểu học nhiều hơn, có cả giáo viên tiểu học. Dĩ nhiên chúng tôi phải đặt mình vào vị trí của học sinh thì mới viết được những bài học phù hợp với lứa tuổi các cháu.
Ví dụ, mỗi bài học trong sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều chỉ có hai chữ hoặc hai vần. Giáo viên ở nhiều nơi cho rằng dạy thế là phù hợp. Sách cũng có nhiều hình ảnh đẹp, tạo hứng thú cho học sinh.
Bên cạnh sách giáo khoa giấy, chúng tôi còn có bản điện tử với nhiều bài tập tương tác thú vị. Do đó, học sinh hào hứng với việc học. Còn những điểm chưa phù hợp, qua quá trình triển khai thực tế, chúng tôi sẽ điều chỉnh.
- Khi biên soạn sách giáo khoa lớp 1, các nhà khoa học dựa vào đâu để đánh giá mức độ tiếp thu của học sinh? (Do Tung, 60 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Những căn cứ để người biên soạn sách dựa vào là: Chương trình giáo dục phổ thông; kinh nghiệm từ sách giáo khoa của chương trình cũ và của sách giáo khoa nước ngoài; kết quả dạy thực nghiệm; kinh nghiệm cá nhân của người biên soạn sách.
- Xin hỏi tại sao cần tới 5 bộ sách mà không tập trung làm một bộ? (Nguyễn Thị Lệ Hằng, 35 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Ở miền Bắc nước ta trước năm 1955 và ở miền Nam trước năm 1975 đều thực hiện chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", có nhiều sách giáo khoa cho một môn học. Ở nhiều nước, thậm chí không chỉ có nhiều sách giáo khoa mà còn có nhiều cấp chương trình: quốc gia, địa phương (tỉnh hoặc bang) và nhà trường.
Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội đều xác định xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, có thể có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Đây là chủ trương đúng đắn, để xóa bỏ cơ chế độc quyền, phát huy các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân có đủ năng lực cống hiến trong lĩnh vực làm sách giáo khoa.
- Tại sao phải biên soạn lại sách giáo khoa lớp 1 mà không phải là các lớp khác? (Phong Trần, 33 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo Nghị quyết số 51 của Quốc hội, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai tuần tự từ lớp 1 đến lớp 12, cụ thể là:
- Năm học 2020-2021 triển khai ở lớp 1.
- Năm học 2021-2022 triển khai ở lớp 2, lớp 6.
- Năm học 2022-2023 triển khai ở lớp 3, lớp 7, lớp 10.
- Năm học 2023-2024 triển khai ở lớp 4, lớp 8, lớp 11.
- Năm học 2024-2025 triển khai ở lớp 5, lớp 9, lớp 12.
- Tôi từng làm "gia sư" rất nhiều trẻ từ các cháu con của anh chị, cô dì... và nay là con tôi vào lớp 1, nhưng chưa bao giờ thấy bất lực như lúc này. Tôi nói thật là nếu trẻ chưa học chữ trước khi vào lớp 1 thì 100% trẻ sẽ không theo nổi. Vậy nói sách mới giảm tải là giảm ở chỗ nào? (Nguyễn Công Sáu, 46 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Sách giáo khoa bây giờ chỉ là tài liệu chính thức để dạy học, giáo viên không phải dạy theo từng chữ từng câu mà theo tinh thần dạy học phân hóa. Vì vậy, thầy cô nên vận dụng sách cho phù hợp với học sinh của mình.
Ví dụ, sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều có phần cứng là 332 tiết dạy chữ (hoặc dạy vần) và "phần mềm" là 88 tiết cho các bài ôn tập (tự đọc sách báo, góc sáng tạo). Nơi nào học sinh học nhanh thì hoàn thành cả "phần cứng" là các bài học chính và "phần mềm". Nơi nào học sinh học chậm thì chỉ cần hoàn thành bài học chính. Giáo viên hoàn toàn không cần phải vội "chạy" cho hết bài.
Ngay trong một lớp, khả năng của học sinh cũng khác nhau. Để thực hiện dạy học phân hóa, đối với học sinh tiếp thu nhanh, giáo viên hướng dẫn đọc trọn vẹn bài tập đọc, tập viết; đối với những em còn chậm, giáo viên chỉ cần hướng dẫn đọc, viết nội dung cơ bản, cho đến lúc các em hòa vào được tiến độ chung của lớp.
Vì sao sách Cánh Diều sử dụng nhiều phương ngữ, truyện ngụ ngôn?
- Xin hỏi giáo sư mục tiêu cải cách của cuốn sách Cánh Diều là gì, có thay đổi và tính ưu việt vượt trội so với sách cũ ở điểm nào? (Phạm Trần Sơn, 44 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Triết lý giáo dục và mục tiêu giáo dục của bộ sách giáo khoa Tiếng Việt Cánh Diều là triết lý và mục tiêu chung của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đó là triết lý thực học - thực nghiệm và dân chủ. Mục tiêu như tôi đã nói, là hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh. Sách giáo khoa Cánh Diều kế thừa nhiều điểm tích cực của sách giáo khoa Tiếng Việt cũ. Còn những điểm khác biệt chính với sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cũ là:
Về thời lượng học: Sách cũ dạy toàn bộ phần chữ và vần trong 22 (hoặc 24) tuần với 10 tiết một tuần. Còn sách Cánh Diều dạy toàn bộ phần chữ và vần trong 26 tuần với 12 tiết một tuần. Như vậy, thời lượng dạy chữ và vần của sách Cánh Diều nhiều hơn sách cũ tới 92 tiết (hoặc 72 tiết). Điều này giúp nội dụng của sách mới nhẹ nhàng hơn.
Về các hoạt động trong một bài học chữ (hoặc học vần): Theo sách cũ, học sinh phải thực hiện 6 hoạt động (làm quen và đánh vần, tìm chữ và vần mới học, luyện nói, luyện đọc, viết bảng con, viết vào vở). Theo sách mới, học sinh chỉ thực hiện 4 hoạt động. Việc luyện nói được dành một tiết riêng trong tuần, gọi là kể chuyện. Việc viết vào vở cũng được dành hai tiết riêng trong tuần. Với sự thay đổi này, sách mới nhẹ nhàng hơn.
Sách mới cố gắng tạo ra các bài tập đọc (các đoạn văn ngắn) sớm hơn, giúp học sinh gắn chữ và vần mới học với những câu chuyện, bài thơ cụ thể, làm việc học hấp dẫn hơn.
- Bộ sách Cánh Diều do ông biên soạn mấy hôm nay nóng trên mạng xã hội. Nhiều người chỉ ra sách sử dụng phương ngữ, nhiều truyện ngụ ngôn không phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 1, đơn cử như Lừa và Ngựa, Ve và Gà, Cua, cò và Đàn cá? Ông giải thích gì về điều này? (Khánh, 29 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Hầu hết câu chuyện được đưa vào sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều đều dựa vào, phỏng theo tác phẩm của các tác gia lớn như Lev Tolstoy, La Fontaine... Không có bài học nào thiếu tính giáo dục, vấn đề là hiểu các bài học đó như thế nào, hiểu đúng hay cố tình hiểu theo cách khác. Chẳng hạn bài "Hai con ngựa", bài học đưa ra là xui người khác làm bậy thì sẽ chịu hậu quả.
Để bảo đảm bài đọc có tính giáo dục cao, phù hợp với học sinh mới vào lớp 1, các tác giả còn phải chỉnh sửa một số chi tiết trong truyện. Cụ thể, trong truyện của Lev Tolstoy, ngựa cái lười biếng xui ngựa đực không đi cày, nếu chủ quật roi thì tung vó đá lại. Vì không thể khuyên trẻ em như nguyên tác câu chuyện nên ở đây có hai chi tiết chúng tôi phải sửa. Thứ nhất, để ngựa tía khuyên ngựa ô trốn đi. Thứ hai, không đề cập đến giới tính (nói ngựa đực chăm và ngựa cái lười) vì dễ gây phản ứng và cũng vì đến bài này học sinh chưa học các vần "ưc", "ai".
Tương tự, bài tập đọc "Ve và gà" được phỏng theo truyện "Ve và kiến" của La Fontaine, nhà văn Pháp. Truyện dài nên cũng phải chia làm hai phần, có đánh số 1, 2, dạy liền nhau. Chúng tôi phải đổi nhân vật "kiến" thành "gà" vì đến lúc này học sinh chưa học vần ''iên", nhưng cốt truyện cơ bản giữ nguyên. Chúng tôi chỉ sửa chi tiết cuối truyện để bảo đảm tính giáo dục cao hơn: Gà cho ve thức ăn và bảo "Ve chăm múa và chăm làm nữa thì chả lo gì".
Đối với những câu chuyện dài, chúng tôi phải cắt làm hai phần, đặt liền nhau. Tuy nhiên, những người viết bài trên mạng để chỉ trích sách của chúng tôi cố ý chỉ chụp ảnh phần 1, cắt nó ra khỏi phần 2 để người đọc tin vào những lời mà họ nói.
- Trong kho tàng văn học Việt Nam có nhiều câu ca dao, truyện ngụ ngôn rất hay, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, vậy sao sách Cánh Diều không lựa chọn dùng mà lại dùng của nước ngoài? (Minh Sơn, 58 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Sách Tiếng Việt Cánh Diều có khoảng 100 văn bản của tác giả Việt Nam. Các văn bản này gồm: đồng dao, câu đố, truyện dân gian Việt Nam và sáng tác của các tác giả có tên tuổi như Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Võ Quảng, Nguyễn Kiên, Quang Huy, Phong Thu, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa, Mai Văn Hai...
Sở dĩ sách không dạy ca dao tục ngữ vì học sinh độ tuổi lớp 1 khó tiếp thu nội dung thể loại này. Chúng tôi sẽ dạy ca dao tục ngữ ở lớp khác, khi học sinh có nhận thức phù hợp hơn.
- Tại sao trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 lại xuất hiện quá nhiều từ địa phương (miền Bắc) thay vì dùng từ phổ thông? Không bàn đến nội dung dễ gây hiểu lầm phản cảm, thì từ ngữ phải chuẩn mọi miền để trẻ dễ tiếp thu. (Dr.Hung, 36 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Sở dĩ sách dùng một số từ có thể ít thông dụng do thời gian đầu học sinh chưa biết nhiều chữ, tác giả phải vận dụng số chữ ít ỏi mà các em biết để tạo thành câu văn, bài tập đọc.
Tôi thấy một số phụ huynh kêu sách Tiếng Việt Cánh Diều sử dụng từ địa phương như "ba, má". Sách dạy cho học sinh cả nước nên chúng tôi xây dựng hai tuyến nhân vật. Học sinh sống ở các tỉnh phía Bắc thì gọi bố gọi mẹ, học sinh sống ở các tỉnh phía Nam thì gọi ba gọi má. Các từ ngữ này không gây khó khăn gì cho học sinh vì sẽ được thầy cô giải thích.
Hay như từ "nhá" trong "nhá cỏ", "nhá dưa", chúng tôi không sử dụng từ "nhai" do thời điểm đó học sinh chưa học đến vần "ai". Từ này hoàn toàn không phải là phương ngữ mà là từ phổ thông, có trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê. Tương tự, từ "hè nhà" cũng vậy. "Hiên" hay "hè" đều là từ phổ thông và có trong Từ điển Tiếng Việt.
- Tôi nhìn thấy rất nhiều sai sót trong sách Cánh Diều. Ví dụ bài tập đọc "Quà quê", trang 47 viết: Quế có bà ở quê. Khi bà ra phố, cả nhà có quà. Quà là rổ khế, rổ mơ, cá rô, cá quả. Có khi là cô gà ri.
Như tôi được học, thì câu "Có khi là cô gà ri" tôi không biết xác định đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ. Tôi tự hỏi thực sự việc viết sách và thẩm định sách đã được làm đến nơi đến chốn, được nghiên cứu đánh giá đúng tầm quan trọng của nó chưa? (Thương, 36 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Việc lặp lại chủ ngữ "quà" ở câu sau có thể đáp ứng yêu cầu hàn lâm, nhưng người Việt thường không nói như vậy. Đây là một cách nói phổ biến. Trẻ em học để giao tiếp thì cũng nên biết cách nói trong giao tiếp thông thường.
- Xin hỏi ông khi biên soạn sách đã tham vấn giáo viên lớp 1 thế nào? (Nguyễn Hồng Phong, 45 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Nhóm tác giả sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều có giáo viên tiểu học. Khi đưa sách đi dạy thực nghiệm hai năm liền, từ bài 1 đến bài cuối cùng, chúng tôi cũng đã nhận được nhiều góp ý của các giáo viên đứng lớp. Hội đồng thẩm định sách cũng có ít nhất 30% thành viên là giáo viên tiểu học.
- Liệu sang năm có cải biên bộ sách mới cho lớp 1? (Hùng Võ, 37 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, chúng ta đang thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, có nhiều sách cho mỗi môn học. Nghị quyết không hề giới hạn có bao nhiêu sách. Vì vậy, trong những năm tới, có thể có những tổ chức, cá nhân dựa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và các sách giáo khoa hiện hành, để biên soạn những quyển sách mới.
Nếu những quyển sách này được Hội đồng thẩm định thông qua thì Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo sẽ phê duyệt để sử dụng. Việc lựa chọn sách sẽ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh theo quy định của Luật Giáo dục.
Riêng về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều, chúng tôi sẽ đánh giá kết quả triển khai, tiếp thu ý kiến của giáo viên, xã hội để điều chỉnh cho ngày càng phù hợp hơn.
- Tôi có con năm nay vào lớp 1. Cầm bộ sách lớp 1 cho con mà tôi cảm thấy quá nhiều chữ. Cháu mới học có vài tuần mà bài tập về nhà quá nhiều chữ khó. Vậy cho tôi hỏi học như vậy có chất lượng hay không? (Nguyễn Thị Thu, 32 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cũng không rõ con chị học sách nào. Còn riêng với Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, những bài đầu rất ít chữ. Càng về sau, các bài học sẽ tăng dần số chữ để học sinh rèn luyện nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi khẳng định các tác giả đã kiểm soát số chữ của từng bài để không làm tăng đột ngột.
Sách này viết cho các đối tượng học sinh khác nhau. Một mặt nó không kìm hãm sự phát triển của học sinh khá giỏi. Mặt khác, nó hỗ trợ, khuyến khích các học sinh chậm hơn. Các thầy cô sẽ dạy sách theo yêu cầu dạy học phân hóa.
Nơi nào học sinh học nhanh có thể dạy hết tất cả bài chính và "phần mềm" của sách. Nơi nào học sinh học chậm hơn thì chỉ học những bài học chính. Ngay trong một lớp, những học sinh giỏi cũng được tạo điều kiện để đọc hết bài; còn những học sinh đang yếu thì chỉ cần đảm bảo đọc được 1-2 câu có chứa âm, vần mới học. Dần dần, các em sẽ hòa nhập được với tiến độ chung của lớp.
Phụ huynh học sinh nắm được điều này thì khi về nhà, các vị căn cứ vào khả năng tiếp thu của con mà đặt ra các yêu cầu vừa sức, không gây áp lực cho trẻ. Qua kinh nghiệm nhiều năm, tôi thấy chỉ cần sau nửa học kỳ hoặc một học kỳ, học sinh yếu vẫn có thể hoàn thành được hết bài tập.
- Tôi hiểu là sách giáo khoa hay chương trình sẽ không thể thay đổi vì in ra rồi. Vậy cha mẹ cần hỗ trợ con thế nào để đạt mục tiêu ở lớp 1? (Do Quoc Chinh, 46 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Mỗi bộ sách giáo khoa hiện nay chỉ là một trong 5 bộ sách để lựa chọn. Theo tinh thần mở của chương trình và của sách giáo khoa, ở những bài nhất định, thầy cô, phụ huynh có thể tham khảo, sử dụng ngữ liệu của sách giáo khoa khác, miễn là bảo đảm phù hợp với các chữ, các vần mà học sinh đang học.
- Xin hỏi ai đề cử GS Thuyết làm chủ biên chương trình giáo dục phổ thông và chủ biên sách Cánh Diều? Ông có chí công vô tư hay có lợi ích với nhóm biên soạn? (Lê Thêm, 39 tuổi)
- GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Thế giới (WB) tuyển chọn làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng quy định của pháp luật. Còn việc làm Chủ biên bộ sách Tiếng Việt tiểu học Cánh Diều là do đơn vị xuất bản sách mời.
Thú thực là sau khi hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi đã lớn tuổi rồi nên không có ý định viết sách giáo khoa. Nhưng do đam mê nghề nghiệp, lại được anh em tín nhiệm và đơn vị làm sách mời nên cố gắng thôi.
Chủ biên, tác giả sách giáo khoa được trả nhuận bút theo chế độ do Chính phủ quy định. Nhuận bút được trả từ vốn của đơn vị làm sách, không phải từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, chúng tôi không có quyền lợi gì khác. Còn có một thực tế là nhiều người trong giới chuyên môn thích "xuất bản miệng" hơn là viết sách vì viết sách rất vất vả và chịu áp lực lớn.
Đưa sách mới vào dạy, khó khăn là tất yếu
- Là thành viên Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1, bà Dung nghĩ sao trước việc dư luận phản ứng dữ dội về sách Tiếng Việt lớp 1? (Văn Thủy, 50 tuổi)
- TS Phan Thị Phương Dung: Là thành viên Hội đồng thẩm định của các bộ sách Tiếng Việt, tôi nhận thấy việc đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa là rất cần thiết. Trước hết, vì trẻ 6 tuổi ngày hôm nay khác xa trẻ 6 tuổi so với 10 năm, 20 năm trước và chương trình sách giáo khoa thay đổi để đáp ứng yêu cầu về đào tạo nhân lực thích ứng thời đại 4.0.
Sách giáo khoa mới có nội dung kiến thức, định hướng tổ chức dạy học, sự sáng tạo về cả kênh hình lẫn kênh chữ. Điều này giúp học sinh dễ học, hứng thú hơn khi chiếm lĩnh kiến thức. Tất nhiên, các bộ sách chưa thể hoàn hảo và người sử dụng cũng khó khăn khi mới tiếp cận về nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học.
Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 gồm 15 người, gồm nhiều thành phần, tất nhiên có cả giáo viên lớp 1. Cá nhân tôi khi tham gia Hội đồng thẩm định đã làm việc nghiêm túc, đúng luật. Việc sách được góp ý là cần thiết, hữu ích. Mặc dù chưa vui vì sách chưa hoàn hảo, tôi cũng thấy yên tâm bởi xã hội và phụ huynh đã rất quan tâm đến giáo dục.
Ở góc độ là người sử dụng sách trong trường học, tôi rất cảm ơn các tác giả, nhà xuất bản đã bỏ tâm huyết soạn thảo, xuất bản sách giáo khoa mới, đồng thời mong muốn mỗi năm trước khi tái bản, nhà xuất bản cho chỉnh lý những chi tiết chưa phù hợp để việc dạy và học thuận lợi hơn.
- Theo bà, vì sao giáo viên, phụ huynh phản ứng dữ dội với sách giáo khoa Tiếng Việt 1?(Anh Khoa, 49 tuổi)
- TS Phan Thị Phương Dung: Tại trường tôi, ba tuần đầu, giáo viên cho biết cô và trò gặp khó khăn do dung lượng bài đọc, bài tập nhiều và do học sinh mới vào lớp 1, chưa quen nếp. Hiện nay, các thầy cô khối 1 trong trường đã cùng phối hợp thực hiện theo định hướng của ban giám hiệu và tận dụng tài nguyên của bộ sách để việc dạy học đảm bảo chất lượng.
Có những cô giáo khá lớn tuổi trong trường tâm sự đã quen với nội dung và cách dạy, hoàn toàn làm chủ tiết dạy trong chương trình cũ kéo dài gần 20 năm. Họ đã dày công nâng cấp bài dạy với những sáng tạo và kinh nghiệm cá nhân. Do đó, khi phải thay đổi để dạy sách mới, họ rất tiếc những "công trình" của mình.
Hơn nữa, cuộc sống hiện tại nhiều sức ép, việc dạy theo sách mới đòi hỏi kỹ năng công nghệ và soạn lại giáo án sẽ gây thêm áp lực, khiến các cô cảm thấy rất khó khăn. Tuy nhiên, những giáo viên này vẫn rất nỗ lực, tận tâm trong việc bắt nhịp với chương trình và sách giáo khoa mới.
Còn về phía phụ huynh, họ có ý kiến trước hết là do trong sách còn có những chi tiết dễ gây tranh luận khi xét ở các góc độ khác nhau. Hơn nữa, đa số bố mẹ hiện nay đều rất có trình độ và quan tâm đến việc học của con. Họ mong muốn con được phát triển toàn diện, cả nhân cách và kiến thức kỹ năng, đặc biệt hiện nay xã hội có nhiều biến đổi phức tạp với nhiều rủi ro.
Do đó, khi thấy trong ngữ liệu có những chi tiết gây tranh luận, phụ huynh sẽ lo lắng, đôi khi có phần chưa thật bình tĩnh. Hơn nữa, ấn tượng thời thơ ấu được học những bài thơ, đoạn văn hay làm cho phụ huynh khó chấp nhận khi thấy ngữ liệu trong những tuần đầu của sách. Với tâm lý này, phụ huynh có thể bỏ lỡ những bài thơ, đoạn văn trong sáng, gần gũi với trẻ xuất hiện ở cuối tập 1 và tập 2, khi các cháu đã học được nhiều âm và vần.
- Bản thân bà đã nhận được phản hồi trực tiếp từ giáo viên, phụ huynh thế nào? (Bách Thảo, 37 tuổi)
- TS Phan Thị Phương Dung: Hiện tại, tôi được các giáo viên khối 1 cho biết 3 tuần đầu cô trò rất khó khăn, đến nay sau 6 tuần, việc dạy học đã ổn hơn.
Một số phụ huynh có ý kiến băn khoăn về ngữ liệu và tính giáo dục của một số truyện. Giáo viên và nhà trường đã xem xét, giải thích sách giáo khoa về cơ bản là tốt, giúp học sinh đạt chuẩn theo chương trình.
Chúng tôi hiểu chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là tài liệu dạy học có thể chọn lựa và điều chỉnh nội dung. Chúng tôi đã có phương án hỗ trợ giáo viên để định hướng cho học sinh về nhân vật tốt và những thông điệp tích cực.
- Trường Tiểu học Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức dạy học với trẻ lớp 1 như thế nào để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ sách? (Hong Loan, 40 tuổi)
- TS Phan Thị Phương Dung: Trước hết tôi xin nói về việc chọn sách ở trường chúng tôi. Trường tôi chọn sách giáo khoa theo tinh thần khối trưởng cùng giáo viên đọc 5 bộ sách, thảo luận và thống nhất chọn 1 bộ. Ban giám hiệu cùng trao đổi và quyết định. Sở dĩ để giáo viên chọn sách vì họ là những người trực tiếp dạy nên phải được chọn tài liệu dạy học phù hợp. Ban giám hiệu chúng tôi thuận theo bộ sách giáo khoa mà giáo viên chọn vì các lý do sau:
Có 5 bộ sách được viết theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Mỗi bộ có những thế mạnh riêng và phù hợp với những đối tượng khác nhau. Ban đầu, các giáo viên khối 1 chọn một bộ sách không phải là Cánh Diều. Sau đó họ chọn Cánh Diều với lý do thời gian học âm và chữ cái 72 tiết, thời gian học vần 236 tiết (sang gần giữa học kì II - hết 26 tuần mới chuyển sang luyện tập tổng hợp).
Họ cho rằng như vậy sẽ phù hợp với học sinh năm nay vào lớp 1 bởi các cháu nghỉ từ sau Tết đến hết tháng 4, nên việc học chữ, học số và các kỹ năng cần thiết cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 theo chương trình mầm non là không thể thực hiện được như những năm học trước.
Hơn nữa, ở bộ sách giáo khoa này, các giáo viên cho rằng cấu trúc bài học hợp lý, tài liệu hướng dẫn dạy học sinh động và phù hợp đối tượng trẻ lớp 1, kho tư liệu phong phú... Tuy nhiên, họ cũng băn khoăn vì một số ngữ liệu đọc (chủ yếu ở tập 1) chưa thật tối ưu, chẳng hạn dung lượng các bài ở những tuần đầu nhiều chữ và có những bài đọc chưa tươi mới, có từ không thông dụng.
Chúng tôi thấy đề xuất của các giáo viên khối 1 là phù hợp với đặc điểm học sinh đầu vào lớp 1 của trường, với điều kiện của trường và phù hợp với trình độ, kinh nghiệm của các giáo viên đã nhiều năm thực hiện dạy học đổi mới phương pháp, tự chủ thực hiện chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đó, chúng tôi đã phê duyệt thực hiện bộ sách và có phương án chỉ đạo chuyên môn nhằm hỗ trợ giáo viên giúp học sinh học tập thuận lợi.
- Cụ thể trường của bà đã có phương án thế nào để tránh những căng thẳng khi học sinh học sách giáo khoa mới? (Hồng Trang, 43 tuổi)
- TS Phan Phương Dung: Từ những tháng trước hè và trong hè, ngay khi có sách giáo khoa, các giáo viên khối 1 đã được sắp xếp, phân công tìm hiểu sách, đối chiếu với chương trình, mục tiêu cụ thể để soạn bài dạy thử.
Khối trưởng và Ban giám hiệu cùng giáo viên thảo luận, đưa ra phương án phù hợp nhất cho các dạng bài. Lưu ý các giáo viên nên thống nhất và dự giờ nhau, ban giám hiệu sẽ dự giờ khi được mời và chủ động dự giờ sau 20/11.
Ban chuyên môn và khối 1 xác định rõ:
+ Thống nhất giảm tải dung lượng đọc cho những học sinh chưa thuộc chữ cái, tăng cường học chữ và đánh vần.
+ Chú ý giải thích từ ngữ học sinh không quen dùng bằng biện pháp giải nghĩa thích hợp.
+ Có thể soạn, chọn thay ngữ liệu đọc cho một số bài nhưng phải đảm bảo không có âm/vần học sinh chưa học trong ngữ liệu đọc, đồng thời các ngữ liệu thay thế trong sách tối ưu hơn ngữ liệu trong bài của sách giáo khoa. Ngữ liệu thay thế phải được ban giám hiệu phê duyệt.
+ Với một vài bài đọc là những đoạn văn được phỏng theo truyện nước ngoài, nếu khó hiểu với học sinh, cần có câu hỏi gợi mở để các em nhận biết nhân vật tốt, nhân vật xấu, hành động đẹp và chưa đẹp.
+ Có thể kéo dài thời lượng cho những bài, nội dung học sinh học chưa chắc (đặc biệt ở 8 tuần dầu của lớp 1).
+ Tăng cường luyện viết trên lớp.
+ Động viên học sinh tập đọc thêm ở nhà.
+ Khi học sinh đã học xong âm và chữ cái (khoàng 6 - 7 tuần) đặc biệt là khi học xong khoảng 1/2 phần vần (khoảng nửa sau học kì I), có kế hoạch tạo điều kiện cho học sinh đọc truyện phù hợp.
+ Phối hợp với phụ huynh để giúp học sinh được luyện tập những kĩ năng phù hợp môi trường ở nhà.
Kính mời quý bạn đọc và phụ huynh chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Mọi ý kiến xin gửi về Ban biên tập Kênh Tuyển sinh qua email [email protected]. Chúng tôi sẽ chọn đăng những ý kiến đóng góp của các bậc phụ huynh trên website Kenhtuyensinh.vn. |
Theo Báo VnExpress