Chính thức phải thi trắc nghiệm Toán

Phương án thi và tuyển sinh 2017 đã chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố chiều 28-9.

Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia 2017 vẫn sẽ có 5 bài thi gồm: toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tổ hợp lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (tổ hợp sử, địa, giáo dục công dân). Để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh (TS) sẽ phải làm 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc là: toán, văn, ngoại ngữ và một bài thi tự chọn (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội). Tuy nhiên, nếu TS nào thích thì có thể làm cả 5 bài thi. Trường hợp này, sở GD-ĐT sẽ dùng bài thi nào có kết quả cao hơn của TS trong số hai bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội để xét tốt nghiệp.

Với việc xét tuyển ĐH, CĐ, TS sẽ được tùy ý sử dụng kết quả những bài thi đã làm để đăng ký xét tuyển với những tổ hợp mà các trường ĐH, CĐ quy định theo chiều hướng có lợi nhất cho TS.

Chính thức phải thi trắc nghiệm ToánBộ GD vừa công bố phương án thi THPT quốc gia 2017 (ảnh minh họa)

Các bài toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với hình thức thi này, mỗi TS trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng, làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm và việc chấm bài sẽ được thực hiện bằng phần mềm máy tính. Bài ngữ văn vẫn thi theo hình thức tự luận.

Thay đổi đáng kể nhất giữa quyết định chính thức với dự thảo là thời gian làm bài và số lượng câu hỏi ở mỗi bài thi. Cụ thể, mỗi bài thi khoa học tự nhiên, khoa học xã hội có 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn với duy nhất một phương án trả lời đúng (dự thảo là 60 câu). Thời gian làm bài sẽ được tăng lên thành 150 phút (dự kiến ban đầu là 90 phút). Bài thi ngoại ngữ cũng được tăng số câu hỏi lên thành 50 câu (trước là 40 câu) nhưng thời gian làm bài thi vẫn là 60 phút. Riêng môn toán thì vẫn 50 câu hỏi trắc nghiệm và thời gian làm bài là 90 phút. Vì thế, thời gian của kỳ thi vẫn chỉ kéo dài trong 2 ngày (bao gồm 4 buổi thi).

Giải thích về việc Bộ GD-ĐT quyết định vẫn thi trắc nghiệm toán , Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng vì mục đích của kỳ thi THPT quốc gia là để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ chứ không nhằm chọn được những thí sinh xuất sắc có năng khiếu chuyên biệt về một bộ môn nào. Theo ông Ga, yêu cầu của kỳ thi là kiểm tra, đánh giá kiến thức tổng quát của thí sinh, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn một cách đơn giản để phân loại tương đối thí sinh: đỗ tốt nghiệp hay không đỗ tốt nghiệp; đủ trình độ học đại học hay không đủ trình độ học đại học. Vì thế đề thi có phần cơ bản, thí sinh làm hết phần này có thể đỗ tốt nghiệp THPT, có phần phân hóa để phục vụ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Những trường ĐH có yêu cầu cao về một bộ môn nào đó có thể tổ chức đánh giá thêm năng lực chuyên biệt với những thí sinh đã qua sơ tuyển bằng kỳ thi THPT quốc gia để lựa chọn được những thí sinh phù hợp. Với mục đích và yêu cầu như trên thì thi tự luận hay thi trắc nghiệm môn toán đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên trong điều kiện tổ chức thi cho số đông với hàng triệu thí sinh tham gia thì thi trắc nghiệm thể hiện tính ưu việt hơn, cả về phương diện tổ chức kỳ thi lẫn tính khách quan và độ tin cậy của kết quả thi.

 

Theo NLĐ, nguồn: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/chinh-thuc-phai-thi-trac-nghiem-toan-20160928153136353.htm