Chỉnh sửa nhiều quy định tuyển sinh cao đẳng, trung cấp

Thí sinh tham dự đợt thi tuyển sinh CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức trước đây, khi bộ này còn là cơ quan quản lý nhà nước với các trường CĐ và trung cấp chuyên nghiệp - Ảnh: Ngọc Hà

Những bất cập ấy liệu có được điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế hay sẽ trở thành quy định chính thức khi quy chế được ban hành? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Văn Giang, phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy - Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB&XH, cho biết:

- Đến nay, dự thảo thông tư đã hết thời hạn xin ý kiến trên website, Tổng cục Dạy nghề đã có tờ trình gửi lãnh đạo bộ và chờ ý kiến phê duyệt của Vụ Pháp chế - thanh tra bộ để ban hành. Theo quy định, khoảng cuối tháng 12, thông tư chính thức sẽ được ban hành. Tuy nhiên, trong trường hợp thông tư không ban hành kịp, chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn công văn hướng dẫn tạm thời các trường trong công tác tuyển sinh năm 2017.

“Bộ GD-ĐT không phản hồi”

* Vậy việc tiếp nhận ý kiến để hoàn thiện dự thảo đã thực hiện đến đâu?

- Từ đầu tháng 10, chúng tôi đã làm các thủ tục để công bố dự thảo trên cổng thông tin điện tử Chính phủ và trên website Bộ LĐ-TB&XH, chúng tôi không nhận được văn bản góp ý nào cho dự thảo. Tổng cục Dạy nghề cũng đã có công văn gửi trực tiếp đến bốn bộ, 63 sở GD-ĐT và các trường CĐ, trung cấp nhưng cũng chỉ nhận lại được 32 ý kiến góp ý.

Khi công bố dự thảo quy chế lên mạng, chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, cả đồng thuận và phản biện trái chiều để hoàn thiện một quy định có tính khả thi trong thực tế, đặc biệt là ý kiến từ Bộ GD-ĐT - vốn có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo tuyển sinh, lại là cơ quan quản lý nhà nước với khối các trường CĐ và trung cấp chuyên nghiệp trước đó.

Tuy nhiên, đáng tiếc cho đến nay, trong bốn bộ mà chúng tôi gửi công văn đến, chỉ còn riêng Bộ GD-ĐT vẫn không hề có ý kiến phản hồi, không có góp ý gì đối với dự thảo quy chế. Ngay cả các trường CĐ, trung cấp - là đối tượng chịu tác động từ các quy định này - cũng rất ít ý kiến phản hồi.

* Ngưỡng đầu vào tối thiểu của hệ CĐ phải đạt điểm trung bình các môn 5,5 là quy định mà trước đây Bộ GD-ĐT cũng đã bỏ vì gây khó trong tuyển sinh với các trường. Lý do nào khiến Bộ LĐ-TB&XH vẫn tiếp tục đưa quy định này vào dự thảo quy chế?

- Đây là điểm dự thảo đã tiếp thu ý kiến đóng góp để chỉnh sửa cho phù hợp hơn. Việc đặt ra ngưỡng điểm trung bình các môn xét tuyển là 5,5 không cần thiết, không còn phù hợp với thực trạng tuyển sinh chung hiện nay. Chúng tôi đã sửa quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào CĐ khi sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT là thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT mà không kèm các tiêu chuẩn bổ sung cao hơn khác.

Bất cập vì chưa cập nhật các quy định tuyển sinh năm 2016

* Theo dự thảo, ở đợt xét tuyển nào thí sinh cũng phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia, nhưng quy định chung của Bộ GD- ĐT từ năm 2016 là chỉ cấp một bản chính duy nhất chứng nhận kết quả thi để thí sinh nộp khi trúng tuyển. Với quy định này, thí sinh lấy ở đâu nguồn giấy chứng nhận kết quả thi để nộp cho các trường CĐ?

- Để khớp với quy định chung của Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH không yêu cầu thí sinh nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia khi đăng ký xét tuyển nữa mà chỉ cần nộp phiếu đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển cho trường theo các phương thức do trường công bố. Chỉ đến khi trúng tuyển và xác định nhập học, thí sinh mới phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi cho trường mà thí sinh có nguyện vọng học theo quy định của trường.

* Dự thảo quy định điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn đợt trước, nhưng cũng chính trong dự thảo lại đưa ra cơ chế mở cho phép trường hạ tiêu chuẩn tuyển chọn hoặc tuyển bổ sung bằng các đợt tuyển sinh tiếp theo khi số thí sinh trúng tuyển đến trường không đủ. Hai quy định rất mâu thuẫn này sẽ được hóa giải thế nào?

- Hiện tại, trong bản dự thảo cuối cùng đang trình lãnh đạo bộ, chúng tôi đã sửa bất cập này. Theo đó, chúng tôi hướng đến việc xây dựng quy chế với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong quá trình triển khai. Các quy định mới đưa ra sẽ đơn giản hơn, giao tự chủ cho các trường, nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ.

Theo đó, chúng tôi không bắt buộc các trường phải xác định điểm trúng tuyển đợt sau không thấp hơn đợt trước nữa. Khi số thí sinh trúng tuyển đến trường không đủ, trường có thể hạ tiêu chuẩn tuyển chọn hoặc tuyển bổ sung bằng các đợt tuyển sinh tiếp theo cho đến khi đủ chỉ tiêu. Việc hạ tiêu chuẩn tuyển chọn và tuyển sinh các đợt tiếp theo phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Đối với những ngành, nghề không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh , sau khi đã xác định tiêu chuẩn tuyển chọn ở mức cho phép theo yêu cầu đào tạo của trường mà vẫn còn thiếu số lượng, trường được phép lấy thí sinh dự tuyển vào trường mình nhưng không trúng tuyển vào những ngành, nghề khác, đồng thời đạt yêu cầu và tiêu chuẩn tuyển chọn theo quy định của ngành, nghề còn thiếu số lượng và tự nguyện vào học ngành, nghề đó.

Nếu số người đạt đủ tiêu chuẩn tuyển chọn theo quy định chuyển ngành, nghề lớn hơn chỉ tiêu thì lấy theo tiêu chuẩn tuyển chọn từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số lượng theo một quy trình công khai.

* Như vậy, quy chế chính thức sắp ban hành có nhiều điểm chỉnh sửa so với dự thảo công bố. Ông có thể lý giải thêm lý do vì sao bản dự thảo lại tồn tại nhiều bất cập cần điều chỉnh như vậy?

- Thực tế, dù Luật giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ tháng 7-2015 nhưng phải đến tháng 9-2016 mới có nghị quyết của Chính phủ thống nhất giao Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Dự thảo thông tư khi đó được Tổng cục Dạy nghề hoàn thiện lần thứ tư để xin ý kiến góp ý.

Một phần do lý do gấp gáp nên chúng tôi mới chỉ cập nhật các quy định tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 có nhiều điểm bất cập buộc Bộ GD-ĐT phải chỉnh sửa, thay đổi trong tuyển sinh năm 2016, nên chúng tôi chưa kịp cập nhật đầy đủ các quy định tuyển sinh mới.

“Đáng tiếc cho đến nay, trong bốn bộ mà chúng tôi gửi công văn đến, chỉ còn riêng Bộ GD-ĐT vẫn không hề có ý kiến phản hồi, không có góp ý gì đối với dự thảo quy chế"

Ông Đỗ Văn Giang

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20161217/chinh-sua-nhieu-quy-dinh-tuyen-sinh-cao-dang-trung-cap/1237498.html