Ví dụ trong đợt I, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 ngành hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 ngành vào 1 trường và 2 ngành còn lại đăng ký vào 2 trường.
Thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trở lên trong nhóm ở đợt I hoặc 3 trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhóm trường quy định mẫu phiếu ĐKXT phù hợp với qui định này và công bố công khai cách thức xét tuyển giữa các ngành theo thứ tự ưu tiên trong Phiếu ĐKXT.
Ngoài quy định xét tuyển theo nhóm trường, Bộ GD&ĐT đồng thời hướng dẫn quy trình chung trong đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào ĐH, CĐ năm 2016 như sau:
Xét tuyển đợt I
Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển.
Xét tuyển các đợt bổ sung
Mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2; Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển.
Thủ tục ĐKXT và phí ĐKXT
Thí sinh ĐKXT bằng cách điền đầy đủ thông tin vào Phiếu ĐKXT. Thí sinh ĐKXT vào các trường tuyển sinh theo nhóm điền đầy đủ thông tin vào Phiếu ĐKXT do nhóm trường qui định.
Thí sinh không dùng quyền tuyển thẳng, đáp ứng các yêu cầu theo quy định cần chọn mục “ưu tiên xét tuyển” và điền thêm các thông tin bổ sung vào Phiếu ĐKXT.
Trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh nộp Phiếu ĐKXT và phí dự tuyển qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc bằng phương thức trực tuyến (online) hay theo phương thức khác do trường quy định đáp ứng yêu cầu của quy chế.
ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên (tính ngày theo dấu bưu điện) hoặc nộp bằng phương thức trực tuyến hay theo phương thức khác do trường quy định trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
Phí dự tuyển được thực hiện theo Quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính-Bộ GD&ĐT quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh).
Đăng ký xét tuyển theo nhóm trường: Thí sinh không bị mất quyền lợi
Thí sinh nếu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các nhóm trường thì quyền lợi của không bị giảm so với đăng ký xét tuyển vào các trường không theo nhóm.
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 có nhiều điểm mới. Một trong những điểm mới quan trọng là Bộ GD-ĐT cho phép các trường được thành lập nhóm để tuyển sinh nhằm tránh thí sinh ảo. Khi thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhóm trường sẽ không mất quyền lợi mà còn tăng thêm cơ hội trúng tuyển.
Theo dự kiến, trong tuyển sinh đại học đợt 1, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển vào 2 trường, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng. Hình thức này sẽ tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh nhưng đồng thời cũng sẽ tạo ra tình trạng thí sinh ảo đối với các trường. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường được thành lập nhóm xét tuyển để giảm bớt thí sinh ảo. Thực chất của việc xét tuyển nhóm là các trường trong nhóm cùng tạo một kho dữ liệu xét tuyển chung và dùng chung phần mềm xét tuyển. Việc có tham gia nhóm xét tuyển hay không là do các trường tự quyết định.
Hiện nay, tại khu vực phía Bắc, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng một số trường khác đã họp và xây dựng đề án xét tuyển chung.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, đối với thí sinh nếu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các nhóm trường thì quyền lợi của các em không bị giảm so với đăng ký xét tuyển vào các trường không theo nhóm. Trong đợt xét tuyển thứ nhất, thí sinh cũng không bị giới hạn 4 nguyện vọng ở 2 trường mà có thể đăng ký 4 nguyện vọng ở 4 trường khác nhau trong nhóm. Các đợt xét tuyển sau cũng được áp dụng như vậy.
Quy chế năm nay đã quy định, đối với các trường tuyển sinh theo nhóm, ví dụ như đợt 1 các em được 4 nguyện vọng thì các em có thể nộp 4 nguyện vọng ấy vào 4 trường của nhóm này, cùng một ngành chẳng hạn, để các em có thể là không trúng tuyển trường top trên, các em thì các em có thể trúng tuyển trường top giữa hoặc trường top dưới hơn. Như vậy, quy chế tuyển sinh 2016 khuyến khích các em chọn ngành mà các em yêu thích hơn là các em chọn trường bất kỳ.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng không yêu cầu thí sinh phải đăng ký xét tuyển vào các nhóm trường mà việc đăng ký này hoàn toàn do thí sinh tự quyết định. Tuy nhiên, dù thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm trường hay trường đơn lẻ thì đều phải đảm bảo điều kiện là đăng ký tối đa 4 nguyện vọng.
Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho biết, khi thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhóm trường, do thí sinh ảo giảm nên cơ hội trúng tuyển ngay trong đợt 1 của các em sẽ cao hơn.
“Việc các em đăng ký độc lập 2 trường mà không có nhóm thì điểm chuẩn sẽ ảo. Có nghĩa là các em bình thường có thể đủ điểm trúng tuyển nhưng vì các trường không thể biết có bao nhiêu thí sinh đăng ký vào cho nên điểm chuẩn có thể cao cho nên cơ hội trúng tuyển sẽ thấp hơn. Khi đăng ký vào nhóm trường thì ngoài việc điểm chuẩn sẽ là thực và bên cạnh đó các em sẽ được tự do lựa chọn. Nếu các em muốn đăng ký 1 trường ngoài, thì đăng ký vào nhóm trường các em chỉ đăng ký 2 nguyện vọng thôi. Còn lại các em sẽ đăng ký vào trường ngoài. Điều này cũng có nghĩa là cũng không mất gì quyền lợi của các em cả”- ông Minh Sơn nói.
Về nguyên tắc, các nhóm trường này cũng thực thực hiện xét tuyển theo điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về phía các trường thuộc nhóm cũng có thể đưa ra mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển riêng. Các trường sẽ xét trúng tuyển từ điểm cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
Theo:
- Giáo dục thời đại, tin gốc: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chi-tiet-quy-trinh-dang-ky-xet-tuyen-vao-nhom-truong-nam-2016-1722360-v.html
- VOV, tin gốc: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/dang-ky-xet-tuyen-theo-nhom-truong-thi-sinh-khong-bi-mat-quyen-loi-489162.vov