Thời gian qua, chất lượng đào tạo tiến sĩ là một trong những vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận xã hội.
Nhiều người băn khoăn về chất lượng tiến sĩ chưa đảm bảo, đề tài nghiên cứu không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, kết quả không có điểm mới, chất lượng nghiên cứu sinh không đồng đều. Một số cơ sở đào tạo tiến sĩ buông lỏng trong công tác quản lý đào tạo.
Đào tạo tiến sĩ còn \'vàng thau lẫn lộn\'
Tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ” diễn ra sáng 10/11/2016, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta chưa đồng đều.
“Hầu hết cơ sở đào tạo tiến sĩ chấp hành nghiêm quy chế. Tuy nhiên, vẫn có nơi có lúc cơ sở buông lỏng quản lý chất lượng, chạy theo số lượng dẫn đến có luận án tiến sĩ không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc trong xã hội”, ông Ga cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Ga, nguyên nhân chính là học viên không xác định rõ động cơ khi làm nghiên cứu sinh. Nghiên cứu sinh là đào tạo các nhà nghiên cứu với những trí tuệ mới chứ không phải đào tạo kỹ năng làm nghề. Song nhiều người không xác định rõ mục tiêu, động cơ, dẫn đến chất lượng không đảm bảo.
Một nguyên nhân khác nằm ở người hướng dẫn nghiên cứu sinh, trình độ chưa đồng đều nên quá trình hướng dẫn còn hạn chế, không tiếp cận được học thuật thế giới.
Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục đào tạo tiến sĩ chưa thực hiện nghiêm quy chế nên chất lượng bị buông lỏng, một số cơ sở hội đồng không đảm bảo yếu tố khách quan.
Một vấn đề nữa cũng được nêu ra là nguồn lực đầu tư, kinh phí đào tạo còn thấp, không đủ để nghiên cứu sinh thực hiện công trình chất lượng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin hiện tại, chi phí đào tạo tiến sĩ là 15 triệu/năm. Đây là mức quá thấp, khó có thể đào tạo nghiên cứu sinh bài bản. Các nghiên cứu sinh cũng thiếu nguồn để thực hiện thí nghiệm, thực hành, thực tập trong quá trình đào tạo.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đồng ý với quan điểm của thứ trưởng, cho rằng chất lượng đào tạo tiến sĩ vẫn còn hạn chế do động lực của người học, cơ sở đào tạo buông lỏng quản lý, cơ sở vật chất đầu tư chưa thỏa đáng.
Song, ông nhận định chất lượng chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam đang ngày càng tiệm cận chuẩn mực và tính quốc tế.
Tăng chuẩn đầu vào
Thứ trưởng Ga nhận định để làm được điều này, nghiên cứu sinh phải có tiêu chí đầu vào nhất định đòi hỏi cao hơn, trước hết là ngoại ngữ.
Về vấn đề đầu vào, PGS.TS Vũ Lan Anh - Phó hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội - cho rằng chỉ tuyển sinh được đối tượng giỏi mới có thể đào tạo tiến sĩ tốt. Chất lượng đầu vào cần đảm bảo điều kiện tuyển sinh, bao gồm ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu và phải căn cứ các bài báo nghiên cứu, những gì họ làm được trước khi đăng ký dự tuyển.
Theo bà, yêu cầu về đầu vào ngoại ngữ cần được nâng cao vì theo quy chế hiện hành, trình độ tuyển về ngoại ngữ là 3/6 (B1). Trong khi đó, thực tế ở ĐH Luật Hà Nội cho thấy những người có trình độ này rất khó đọc hiểu tài liệu nước ngoài. Yêu cầu ngoại ngữ cao hơn sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ.
Ngoài ra, yếu tố người hướng dẫn cần được đề cao. Ông Bùi Văn Ga khẳng định hướng nghiên cứu của người hướng dẫn rất quan trọng.
“Thầy phải đi trước, có hợp tác quốc tế thì mới định hướng, hướng dẫn nghiên cứu sinh thành công trong luận án của mình”, Thứ trưởng Ga nói.
Bà Lan Anh cho rằng người hướng dẫn phải có uy tín về khoa học, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc nghiên cứu của mình.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, nước ta phải có hệ thống tài liệu, học liệu trong nước và quốc tế đầy đủ, cộng thêm cơ sở vật chất, đồng thời tạo dựng môi trường đào tạo tốt để thu hút người học.
Để làm được điều này, Việt Nam phải nâng mức kinh phí đầu tư cho hoạt động đào tạo tiến sĩ, dù không bằng thế giới cũng phải đủ để nghiên cứu sinh thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu.
Theo news.zing.vn