Dù TPHCM có gần 100 trường cao đẳng và trung cấp nhưng cho đến thời điểm hiện tại chỉ có 1 trường mới được kiểm định quốc tế bởi tổ chức ABET. Lý do khách quan hàng đầu là chi phí kiểm định quá cao.
Chiều 29.9, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức hội thảo về công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), hướng tới công tác kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, hiện TP.HCM có 77/99 trường CĐ, trung cấp thực hiện công tác tự đánh giá chất lượng cơ sở GDNN theo quy định. Trong đó, có 37/44 trường CĐ tự đánh giá, đạt 84,09%; trung cấp 40/55 trường tự đánh giá, đạt 72,72%.
Về đánh giá ngoài, có 13/24 (đạt tỷ lệ 54,16%) trường CĐ công lập và 5/21 (đạt tỷ lệ 23,8%) trường trung cấp công lập đã được kiểm định chất lượng GDNN.
Tuy nhiên, về kiểm định quốc tế, chỉ một trường duy nhất là Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng có 2 chương trình được Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ Mỹ (Accreditation Board for Engineering and Technology-ABET) công nhận gồm công nghệ kỹ thuật điện-điện tử và công nghệ kỹ thuật cơ khí.
Lý giải về việc còn rất ít trường và chương trình được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận, ông Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề TP.HCM, cho rằng kinh phí là một rào cản vô cùng lớn để các trường có thể tiếp cận kiểm định quốc tế.
Chỉ có một trường CĐ được kiểm định quốc tế tại TPHCM
"Chẳng hạn, trường cũng đã xây dựng đề án cho 2 ngành điện tử và cơ khí để mời Tổ chức ABET đánh giá. Riêng chi phí kiểm định là 68.000 USD, chưa kể tiền đầu tư cho chương trình đào tạo, cơ sở vật chất đáp ứng đúng tiêu chuẩn, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, giảng viên, mời chuyên gia... Nếu không có kinh phí thì không thể thực hiện", ông Tuyền chia sẻ.
Thạc sĩ Võ Long Triều, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cũng thông tin, muốn kiểm định ABET cho một chương trình, tổng chi phí cũng đã lên tới hơn một triệu USD, tức khoảng 27 tỉ đồng.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy, thạc sĩ Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN Sở LĐ-TB-XH, cho rằng các trường vẫn cần phải nỗ lực để thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, không đủ kinh phí để mời ABET thì mời các tổ chức khác có mức kinh phí thấp hơn.
"Chỉ có như vậy thì các trường mới có thể khẳng định được thương hiệu, tạo niềm tin cho người học và doanh nghiệp trong việc đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động", ông Sự cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Công ty Cổ phần Kiểm định và Tư vấn Giáo dục Việt Nam, cũng nhìn nhận: "Nhu cầu về sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng. Các trường tham gia kiểm định quốc tế có uy tín và được thừa nhận rộng rãi sẽ có thuận lợi rất lớn trong hội nhập với giáo dục quốc tế và thị trường lao động toàn cầu. Qua đó, người học sẽ có nhiều lợi thế sau khi tốt nghiệp và sẵn sàng tham gia vào thị trường nhân lực chất lượng cao".
> Trường cho phép học sinh nhuộm tóc, thoa son nhưng không nổi bật
> Phụ huynh phản đối việc cho con chuyển từ điểm trường phụ về cơ sở chính
Theo Báo Thanh Niên