Trải qua một năm 2021 dạy và học môn tích hợp, chất lượng giáo dục đã phát triển ra sao và có những thuận lợi, khó khăn gì?
Từ năm học 2021 - 2022, chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS với lớp 6, xuất hiện môn lịch sử và địa lý; khoa học tự nhiên; nội dung giáo dục địa phương; hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Năm nay chương trình được triển khai thực hiện ở lớp 7.
1. Thiếu giáo viên được đào tạo chính quy
Nhiều trường học hiện nay trên cả nước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp không ít khó khăn khi dạy môn tích hợp lịch sử và địa lý (sử - địa); khoa học tự nhiên (lý - hóa - sinh); nội dung giáo dục địa phương. Cụ thể đó là việc bố trí phân công giảng dạy, do đa số ở các trường chưa có thầy cô được đào tạo chính quy bài bản để dạy được môn tích hợp nên chất lượng không được đảm bảo là thực tế. Phần đông các trường đều phân công thầy cô phụ trách dạy từng phân môn riêng rẽ như: sử, địa, lý, hóa, sinh, điều này là trái với tinh thần chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chất lượng giáo dục sau một năm dạy tích hợp
2. Thiếu tài liệu nội dung giáo dục địa phương
Riêng nội dung giáo dục địa phương gồm các phân môn: lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, ngữ văn, sinh học, âm nhạc - mỹ thuật với tổng thời lượng là 35 tiết/năm nhưng lại có đến 7 thầy cô phụ trách. Nên việc bố trí thầy cô giảng dạy cũng như phân công việc kiểm tra đánh giá định kỳ học sinh (HS) như thế nào cho hợp lý là một bài toán khó cho ban giám hiệu nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, phân chia thời khóa biểu giảng dạy. Năm học đã bước vào tuần giảng dạy thứ ba nhưng nhiều địa phương hiện nay chưa có tài liệu giảng dạy môn nội dung giáo dục địa phương như TP.HCM…
3. Chưa tập huấn về kiến thức giảng dạy
Trước khi triển khai thực hiện chương trình dạy theo sách giáo khoa mới ở lớp 6 và 7, thầy cô được tập huấn. Tuy nhiên qua thực tế tập huấn, thầy cô chỉ được chuyên gia của Bộ GD-ĐT hướng dẫn về chương trình 2018, cấu trúc sách giáo khoa mới, kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học, kế hoạch bài dạy (giáo án) chứ chưa được tập huấn, huấn luyện về kiến thức chuyên môn để dạy tích hợp. Do vậy, việc phân công dạy môn tích hợp sẽ không đem lại hiệu quả. Ví dụ, giáo viên được đào tạo chuyên môn lịch sử nay nếu phải dạy tích hợp lịch sử và địa lý thì không thể đáp ứng được phần kiến thức địa lý.
Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi chưa có được sự chuẩn bị đầy đủ về lực lượng giảng dạy (thầy cô dạy môn tích hợp), nhân tố quyết định thành công của đổi mới, sẽ là trở ngại lớn nhất cần sớm khắc phục.
Với những khó khăn nêu trên, rất cần được sự quan tâm kịp thời của Bộ GD-ĐT. Lẽ ra Bộ cần đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp lịch sử và địa lý; khoa học tự nhiên để thực hiện giảng dạy trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Được biết Bộ hiện đang có chỉ đạo gấp rút việc bồi dưỡng cấp chứng chỉ dạy môn tích hợp nhanh nhất sớm nhất có thể để đáp ứng việc giảng dạy trong năm học 2022 - 2023.
> Nhiều trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung 2022
> Điểm chuẩn đại học 2022 đang "lạm phát"
Theo Báo Thanh Niên