Đầy đủ sách (bao gồm sách giáo khoa, sách tra cứu, giáo trình tài liệu) và chương trình đào tạo ổn định được coi là nền tảng cơ bản của giáo dục đại học. Còn niên chế, chứng chỉ hay tín chỉ… là hình thức tổ chức. Khi gốc (hay nền tảng) của giáo dục đại học là "ảo” thì thực tế những năm qua càng đổi mới càng mất ổn định…

Gốc ảo

Ðào tạo theo tín chỉ đang được coi là bước đột phá trong đổi mới tư duy giáo dục đại học. Vậy giữa các chế độ học theo niên chế, chứng chỉ và tín chỉ đâu là cái chung đâu là riêng, thực chất vấn đề này nằm ở đâu, thiết nghĩ cũng cần trao đổi để giáo dục đại học nước ta đi vào nền nếp ổn định, có chất lượng và hiệu quả.

Việc tổ chức dạy và học thường được chia thành một số loại chính: Nội dung chương trình học được lượng hóa hoặc theo môn học và sắp xếp theo học kì (đào tạo theo niên chế), hoặc theo vấn đề (như Vật lí đại cương, Toán giải tích…) được gọi là chứng chỉ, hoặc theo đơn vị thời gian nhất định (16 hoặc 30 giờ) gọi là tín chỉ.

Việc công nhận tốt nghiệp, ví dụ bằng cử nhân theo niên chế đủ năm thi tốt nghiệp, theo chứng chỉ phải thi đỗ đủ 5 hay 6 trong tổng số 10 - 50 chứng chỉ, nếu nội dung đó phù hợp quy định thì được cấp bằng, còn theo tín chỉ đòi hỏi tích lũy khoảng 120 - 150 tín chỉ bắt buộc và một số tín chỉ tự chọn. Việc đánh giá môn học hay khóa luận tốt nghiệp trên thế giới cũng theo quy định chung cho tất cả các hình thức tổ chức bao gồm giỏi, khá, đạt và không đạt.

Ðại học là bậc tự học và nghiên cứu có hướng dẫn, việc lựa chọn chế độ học tùy thuộc vào hình thức đào tạo (chính quy, tại chức), mục tiêu và điều kiện cụ thể của từng nước. Đến nay, không có bất cứ một minh chứng nào kết luận kiểu đào tạo theo tín chỉ tốt hơn niên chế, chứng chỉ và ngược lại. Đào tạo theo tín chỉ có thể thuận lợi cho người học tại chức, hay vừa học vừa làm, song chưa hẳn thuận lợi cho việc "dạy người", nhất là đối với các ngành khoa học - kĩ thuật đòi hỏi trật tự nghiêm ngặt các môn học theo một chuẩn mục hệ thống, trong khi các tổ chức và quản lí sinh viên bị xáo trộn, thả nổi.

Nguyên nhân nền tảng giáo dục đại học ở ta vẫn chỉ là "ảo" sau 26 năm đổi mới có thể kể: Thời gian đầu, chương trình đại học được chỉ đạo phải "bắt chước" chương trình của Ðại học Chiềng Mai (Thái Lan). Kết quả chương trình khung làm đi làm lại ba bốn lần, lần sau phủ quyết lần trước gây tốn phí hàng chục triệu USD. Gần đây, để đổi mới sẽ không bắt chước nữa, mà thí điểm việc “nhập khẩu” chương trình giáo dục ở nước ngoài cho hơn 30 khoa thuộc nhiều trường đại học. Chưa đủ thời gian để kiểm chứng, nhưng xác suất thành công không cao. Bởi chưa bàn đến chủ quyền quốc gia, mà chỉ xét trên nền tảng tư tưởng và trình độ khoa học giữa nước ta và các nước đã có độ chênh đáng kể. Ngay từ năm 1956, khi hệ thống các trường đại học nước ta mới ra đời, chương trình giáo dục được các nước XHCN "biếu không", nhưng chúng ta yêu cầu các bạn giúp đỡ nghiên cứu, còn chương trình để ta tự thiết kế lấy như môn Toán, chương trình đại học Tổng hợp chọn sách toán của tác giả Smi-nốp, còn đại học Bách khoa lại chọn bộ sách của Bơ-man vì thấy thích hợp hơn.

Nguy hại hơn là nội dung sách trong giáo dục đại học hiện được “khoán trắng” cho các trường tự lo, mạnh ai nấy làm trong hoàn cảnh thiếu kinh phí, trình độ người viết có hạn thì tình trạng “học chay” của sinh viên là điều dễ hiểu. Theo số liệu mới nhất, ở bậc học phổ thông, học sinh lớp 1 có tới 80 cuốn sách, từ lớp 2 đến lớp 12 mỗi lớp có 100 - 500 cuốn sách, trong khi đó ở bậc đại học không ai dám khẳng định: Mỗi môn học có một giáo trình!

Việc sao chép máy móc bảng điểm bằng chữ (A, B, C, D) thay bảng điểm bằng số theo truyền thống, tưởng nhỏ song gây “nhiễu” trong xã hội, gây khó khăn cho sinh viên xin việc sau khi tốt nghiệp. Tổ chức thi giữa kì biến việc dạy và học ở bậc đại học thành phổ thông cấp 4, gây nhiều rắc rối và tiêu cực trong nhà trường…

Giải pháp nào?

Mọi đổi mới phải bắt đầu từ cuộc sống. 26 năm qua, chúng ta huy động hàng vạn cán bộ giáo dục, hàng nghìn cuộc họp từ cơ sở đến trung ương, tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng, nhưng chương trình vẫn chưa xong. Kiểm tra 4.200 chương trình gửi về Bộ, hầu hết nội dung không cập nhật, không ít chương trình chưa phù hợp với tên ngành đào tạo, sao chép của nhau.

Việc in ấn và phát hành sách đại học được thả nổi để các trường tự lo tạo nên bất cập lớn. Chưa kể tiềm năng khoa học và tài chính, không có sự quản lí, tổ chức và hỗ trợ của Nhà nước, ở các nước phát triển cũng khó có đủ sách cho dạy và học. Trong khi đó, hiện nay mỗi sinh viên phải bỏ ra tối thiểu 300.000 đồng/ năm để chụp lại tài liệu học, tổng số tiền mỗi năm sinh viên bỏ ra là 720 tỉ đồng/năm. Một con số không nhỏ, có thể đủ để chi phí cho việc trang bị sách cho bậc giáo dục đại học.

Vì vậy, giải pháp trước mắt là khôi phục và kế tục cách làm chương trình và sách trước đây của cố Bộ trưởng GS Tạ Quang Bửu, đó là: Làm tập trung, Nhà nước quản lí việc in ấn và phát hành. Năm 2000, Chủ tịch Hội Vật lí Việt Nam, GS Nguyễn Văn Hiệu có văn bản kiến nghị cách giải quyết căn bản việc “đói sách học chay” ở bậc đại học tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Song kiến nghị này rơi vào im lặng. Ở tầm quốc gia, sự chỉ đạo đối với giáo dục đại học vẫn là "sao chép", "nhập khẩu" chương trình và sách từ bên ngoài.

Về lâu dài, cần thành lập một Hội đồng Biên soạn đủ tâm, đủ tầm, am hiểu cách làm chương trình cũng như sách ở trong và ngoài nước rà soát, đánh giá lại toàn bộ sách và giáo trình hiện có. Đối với các bộ SGK giáo trình còn tốt, cho bổ sung, cập nhật thông tin tái bản lại. Sưu tầm các SGK, giáo trình nước ngoài, xem xét kĩ lưỡng trên các nguyên tắc của hệ thống kinh tế chính trị nước ta, tổ chức dịch và biên soạn SGK mới, hoặc giúp cán bộ chuẩn bị bài giảng. Khắc phục tình trạng các sách chuyên khảo thuộc chuyên ngành khoa học xã hội, tuyển tập chọn lọc về lí luận phê bình, thơ ca, văn học… ít có mặt trong thư viện của các trường đại học. Tham mưu giúp quản lí chặt in ấn và phát hành SGK dùng chung cho nhiều trường đại học, cao đẳng để trang bị đầy đủ cho thư viện các trường, sau mới ra các cửa hàng sách để bán trong phạm vi cả nước.

Chỉ bằng những giải pháp căn cơ mới xây dựng được nền tảng cơ bản của giáo dục đại học, tránh tình trạng “xây nhà từ nóc”, đỡ lãng phí tiền của, chất xám và thời gian

 

GS, TSKH Nguyễn Xuân Hãn

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Tin cần biết:

Yếu tố quyết định đến việc đổi mới giáo dục chính là con người!

Điểm thi đại học 2013 cập nhật nhanh nhất tại đây

 

Tin bài gốc: nguoicaotuoi

Kenhtuyensinh

Theo: nguoicaotuoi