Nguyễn Quang Thông chia sẻ, con đường theo đuổi vật lý của mình có đôi lần bị đứt đoạn. Từng là học sinh chuyên Lý của THPT Hà Nội - Amsterdam (niên khóa 2007-2010), sau khi tốt nghiệp Thông thấy không còn hứng thú với ngành khoa học này nên chuyển sang học Đại học Kiến trúc Hà Nội một năm. Thời gian này, Thông gửi hồ sơ du học và được University of Texas at Dallas (Mỹ) cấp học bổng toàn phần. Nắm bắt cơ hội khám phá chân trời mới, Thông sang Mỹ theo học chuyên ngành Kỹ thuật máy tính để có tương lai tươi sáng hơn.\'
Tuy nhiên, sau một kỳ học với giáo sư Joseph Izen, được thầy khơi lại đam mê qua những tiết học "không tập trung vào giải những bài tập khó mà hướng sinh viên đến việc hiểu bản chất vấn đề và liên tục ồ lên thích thú khi hiểu thêm về một hiện tượng...", Thông nhận ra mình còn yêu Vật lý rất nhiều. Cậu quyết định chuyển hẳn ngành học sang Vật lý.
Thay đổi của Thông khiến gia đình lo lắng vì sợ vất vả, trong khi tấm bằng Kỹ thuật máy tính ở Mỹ lại được rất nhiều công ty lớn chào đón với mức lương cao. Ngày đầu năm học thứ hai, Thông hẹn gặp thầy Izen để nói về ý định của mình. Thầy ngồi với cậu suốt bốn tiếng để nói về niềm hạnh phúc khi được làm khoa học, sống với đam mê, đồng thời chỉ ra cơ hội cho những nhà Vật lý, không chỉ trong lĩnh vực khoa học mà còn cả công nghệ, y học, thậm chí kinh tế tài chính...
"Càng học, càng nghiên cứu em càng thấy may mắn vì lựa chọn của mình. Em không còn áp lực điểm số mà việc học trở nên cực kỳ lôi cuốn vì vẻ đẹp nội tại của nó. Việc nghiên cứu cũng đem lại nhiều cảm xúc. Có những khoảnh khắc em và thầy cùng reo lên khi ra được kết quả mà mình tìm kiếm suốt năm trời", Thông chia sẻ.
Lòng đam mê và sự nỗ lực của bản thân đã giúp Thông trong mùa hè thứ hai ở đại học trở thành một trong 300 người (trên tổng số 2.000 ứng cử viên đến từ Anh, Mỹ, Canada) được nhận vào chương trình thực tập của Học viện Công nghệ Karlsruhe, tại nhiều học viện trên nước Đức. 3 tháng tại đây, Thông tham gia một dự án của châu Âu nghiên cứu thiết bị phát hiện vật chất tối dưới lòng đất.
Hè năm thứ ba, Thông tiếp tục được Đại học Tokyo (Nhật Bản) chọn là 29 trong số gần 500 ứng cử viên trên toàn thế giới, tham gia chương trình thực tập nghiên cứu phát triển nâng cấp máy gia tốc hạt.Từ năm 2 đại học, Quang Thông đã được trung tâm hỗ trợ sinh viên của đại học Texas-Dallas thuê để dạy thêm Toán, Vật lý cho những sinh viên cần hỗ trợ khác. Trong ảnh, Thông (áo trắng) và các "gia sư" khác của trung tâm. Ảnh: NVCC.
Trong cả hai chương trình, Thông đều được làm việc ở môi trường chuyên nghiệp và thân thiện. Cậu ấn tượng khi thấy người Đức làm việc rất tập trung với năng suất cao, nhưng hết giờ làm là rủ nhau ra bãi biển tắm nắng uống bia, hoặc cuối tuần đi leo núi, lướt thuyền buồm. Người Nhật rất đúng giờ.
"Ngày cuối em phải diễn thuyết về đề tài nghiên cứu của mình, họ bấm giờ cho em đúng 15 phút để nói và trả lời câu hỏi. Xúc động nhất là kết thúc bài nói, các sinh viên Nhật làm chung phòng thí nghiệm lên tặng em vô số món quà chia tay. Thầy hiệu phó Đại học Tokyo, đồng thời là giáo sư Vật lý, lên tận nơi cảm ơn em vì đóng góp cho một công trình lớn", Thông kể lại.
Với thành tích học tập xuất sắc, thái độ làm việc nghiêm túc và được các giáo sư đánh giá cao, tháng 2/2015 vừa qua, Nguyễn Quang Thông được 5 đại học hàng đầu thế giới cấp học bổng tiến sĩ Vật lý. Trong đó, có cả tên tuổi đình đám như: Califonia Institute of Technology (viết tắt là Caltech, đứng thứ nhất thế giới theo xếp hạng của tạp chí Times Higher Education - Anh; thứ 8 thế giới theo U.S.News & World Report - Mỹ); Columbia University (thứ 10 thế giới); Đại học Michigan (thứ 23)... Mỗi học bổng 5 năm trị giá khoảng 400.000 USD (tương đương 8,6 tỷ đồng). Thông đã quyết định tháng 9 tới sẽ vào Caltech để tiếp tục nghiên cứu Vật lý.
Ngoài đam mê khoa học, Quang Thông còn yêu thích khiêu vũ thể thao. Em từng đoạt huy chương bạc giải Khiêu vũ thể thao Hội khỏe Phù Đổng Hà Nội năm 2009, khi là học sinh Ams. Gần đây, Thông giành giải nhất khiêu vũ bang Texas với hai điệu Waltz và Tango.
Thông hiện phụ trách mảng giáo dục của Mạng lưới du học sinh Việt Nam tại Đại học Texas at Dallas. Từ năm thứ hai đại học, nam sinh này đã được trung tâm hỗ trợ sinh viên của trường thuê dạy riêng hai môn Toán, Vật lý cho sinh viên cần hỗ trợ khác, để có thêm thu nhập.
Gia đình sống Hà Nội, bố là nông dân, mẹ làm công nhân đóng gói bao bì, anh trai làm công việc văn phòng, gia đình chỉ mình Thông có bằng đại học. Em coi đây là một lợi thế vì không bị áp lực nghề nghiệp từ gia đình và được tự do theo đuổi thứ mình thích.
"Có một người em rất kính trọng dù chưa được gặp và nói chuyện bao giờ là giáo sư Trần Thanh Vân. Dù được đào tạo và thành danh ở nước ngoài, suốt mấy chục năm qua thầy liên tục tổ chức các hội nghị khoa học ở Việt Nam, tạo cơ hội cho những người làm nghiên cứu trong nước gặp gỡ với các tên tuổi lớn trên thế giới, bao gồm cả những nhà khoa học đạt giải Nobel. Được đóng góp cho nền khoa học cơ bản nước nhà như thầy Vân là một niềm hạnh phúc lớn mà em muốn hướng tới", Thông chia sẻ về ước vọng tương lai.
Theo vnexpress