Nếu bạn ước mơ sẽ được du học, chắc chắn bạn cũng đã từng nghĩ đến việc tham gia vào các chương trình học bổng. Sau đây là những chia sẻ về hành trình giành học bổng tiến sĩ tại Mỹ của Nhân Đức mà bạn không nên bỏ qua.
Trần Thanh Nhân Đức chia sẻ hành trình chinh phục học bổng Tiến sĩ tại Mỹ
Cuối năm 2021, Trần Thanh Nhân Đức, 26 tuổi, du học sinh theo học bổng thạc sĩ Erasmus Mundus ở châu Âu, nhận kết quả học bổng bậc tiến sĩ tại Mỹ. Đức trúng tuyển Đại học Virginia với tổng giá trị học bổng 300.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng) trong 5 năm.
Theo US News & World Report, trường Virginia đứng thứ 25 trong những đại học quốc gia hàng đầu tại Mỹ. Ngoài ra, chàng trai quê Bình Định cũng được nhận vào hai trường khác của Mỹ là Oklahoma và Virginia Tech, mức hỗ trợ dao động 225.000-250.000 USD cả khóa học. Đức được các trường cam kết trao học bổng khi chưa hoàn thành chương trình thạc sĩ, dù đây vốn là điều kiện cần.
Với lực học tốt, Nhân Đức trải qua những năm tháng cấp hai và ba một cách êm đềm nhưng không có định hướng. Khi nộp hồ sơ thi đại học, cậu đăng ký ngành Kế toán, Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) theo sự tư vấn, định hướng của gia đình. Không như kỳ vọng, Đức thiếu điểm và trượt. "Mình rất sốc về kết quả này. Dù gia đình không trách, mình vẫn đau lòng khi thấy bố mẹ phải đối mặt với những định kiến xã hội khi con trượt đại học", cậu nhớ lại.
Quyết tâm thi lại, chỉ trong một năm, Đức sút 7 kg. Những ngày mệt nhoài, đã nằm xuống chuẩn bị ngủ, nhưng nhớ đến thất bại vừa qua, cậu lại bật đèn học tiếp. Lần này, Đức nhắm đến ngành Xây dựng công trình thủy, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) và trở thành á khoa đầu vào. Dù vậy, trải nghiệm trượt đại học vẫn ám ảnh, thôi thúc Đức vươn xa hơn nữa.
Hai năm đầu đại học, Đức dành thời gian học tiếng Anh, sau đó chuyên tâm làm nghiên cứu. Lúc có cơ hội tiếp cận nhiều dự án, cậu nhận ra mình thích nghiên cứu về những yếu tố của môi trường tự nhiên như thời tiết, biến đổi khí hậu và cách chúng tác động lên cuộc sống, trong đó có lĩnh vực xây dựng, hơn là học về vật liệu, kiến trúc. Xác định chương trình này chưa thật sự phát triển ở Việt Nam, Đức đặt mục tiêu du học châu Âu.
Khi vừa biết tin đỗ chương trình "Tin học thủy văn và quản lý tài nguyên nước" (Hydroinformatics and Water Management) của Erasmus Mundus - một trong những học bổng thạc sĩ toàn phần danh giá nhất châu Âu, Đức đã nghĩ làm thế nào để giành tiếp học bổng tiến sĩ tại Mỹ. Cậu giải thích, một trong những yếu tố quyết định của hồ sơ xin học bổng tiến sĩ là bài báo khoa học. Nếu liên tục có công bố trong thời gian ngắn, ứng viên sẽ bị nghi vấn không minh bạch. Do đó, Đức xác định đây là việc phải làm từ sớm để giữ nhịp độ nghiên cứu, đồng thời giúp hồ sơ mạnh và tự nhiên.
Đức tự nhận xét mình là người cầu toàn và tham vọng nên muốn làm mọi thứ chỉn chu nhất có thể. Những thời điểm lịch thi trùng với giai đoạn căng thẳng của nghiên cứu, cậu thường thức trắng 3-4 ngày mỗi tuần. Chỉ trong hơn một năm, vừa học thạc sĩ tại năm quốc gia Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha và Ba Lan, cậu vừa hoàn thành 5 nghiên cứu khoa học, được công bố trên các tạp chí, hội nghị uy tín thế giới. "Mục tiêu của mình là sáu. Dù không được như mong muốn, mình thấy kết quả này không tệ", Đức nói.
Ngoài công bố khoa học, cậu cho rằng yếu tố quan trọng không kém là thư giới thiệu. Ứng viên không thể hoàn toàn chủ động việc này trong khi thời gian nộp hồ sơ có hạn. Đức quyết định xin ba thư, một của tiến sĩ đang dạy cậu tại Ba Lan - người đã phản biện hai bài báo khoa học của cậu, và hai giảng viên đại học. Đức nhận định, hơn ai hết, đây là những người người nắm rõ nhất thành tích học tập và khả năng nghiên cứu của cậu ở bậc cử nhân và thạc sĩ.
PGS.TS Võ Ngọc Dương, Phó phòng Đào tạo và thầy Nguyễn Quang Bình (Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) dẫn dắt Đức làm nghiên cứu từ những ngày đầu. Biết thành tích của học trò, thầy Dương không ngạc nhiên bởi ngay từ khi còn là sinh viên trong nước, Đức đã thể hiện năng lực và sự hứng thú với lĩnh vực biến đổi khí hậu và nghiên cứu khoa học.
Ở góc độ học thuật, thầy Dương đánh giá Đức cần cù, nhạy bén và tỉ mỉ - những phẩm chất quan trọng với một người làm nghiên cứu. Cậu còn có khả năng làm việc nhóm và dẫn dắt các thành viên. "Đức chăm chỉ và ham học hỏi. Em từng hỗ trợ tôi tổ chức một hội thảo quốc tế mà nếu không có sự giúp đỡ của Đức, sự kiện sẽ không thành công như vậy", thầy Dương chia sẻ.
Tại bậc tiến sĩ, Đức muốn tìm hiểu sâu hơn về mảng nước ngầm và biến đổi khí hậu, kết hợp với ảnh vệ tinh để các nghiên cứu cho kết quả tốt hơn. Xác định đây là hướng đi tương đối mới, nhưng Đức cho rằng nếu thành công, phương pháp này có thể hỗ trợ đắc lực cho các nghiên cứu trong tương lai. Nội dung này cũng được cậu đề cập trong bài luận định hướng nghiên cứu để xin học bổng.
Thông thường, hồ sơ xin học bổng tiến sĩ còn yêu cầu bằng tốt nghiệp thạc sĩ. Tuy nhiên, vì vẫn đang trong chương trình học, Đức phải gửi bảng điểm, CV và tóm tắt những nghiên cứu đã thực hiện. Căn cứ vào đó, giáo sư và trường sẽ cân nhắc khả năng ứng viên có thể tốt nghiệp hay không để trao học bổng.
Cuối tháng 10/2021, Nhân Đức nhận tin vui khi Đại học Virginia đồng ý cấp học bổng với tổng giá trị 300.000 USD trong 5 năm. Đánh giá tổng thể hồ sơ, Đức cho rằng ngoài bài báo khoa học và thư giới thiệu chất lượng, nghiên cứu mới của cậu về nước mặt là yếu tố quyết định. "Nội dung nghiên cứu của mình tương đồng với những công bố khoa học của giáo sư ở Đại học Virginia, nên yếu tố này có thể là thế mạnh, giúp hồ sơ xin học bổng của mình chất lượng hơn", Đức nói.
Trong kỳ thực tập thạc sĩ bắt đầu vào tháng ba năm nay, Đức cũng được trường Virginia nhận với tư cách sinh viên (full-time student) thay vì thực tập sinh (visiting scholar), với mức hỗ trợ khoảng 30.000 USD trong 5 tháng. Đây là điều không nhiều sinh viên đạt được, bởi thông thường kỳ thực tập sẽ không có lương hoặc chỉ được trả một phần.
Cuối tháng này, Đức sẽ đến Đại học Virginia để thực tập, sau đó trở lại châu Âu nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ và trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ vào tháng 9. Trước mắt, cậu muốn phát triển luận văn thạc sĩ thành bài báo khoa học, sau đó đặt mục tiêu có việc làm tại một cơ quan uy tín của Mỹ.
Thỉnh thoảng, Đức vẫn tự hỏi "Nếu năm đó đỗ đại học ngay lần thi đầu tiên, bây giờ mình đang làm gì?". Cậu nghiệm ra vấp ngã của tuổi 18 mang lại nhiều bài học và trở thành động lực chính để cậu đến châu Âu và Mỹ học tập, nghiên cứu.
"Sau rất nhiều năm bị ám ảnh trượt đại học, mình nhận ra phải hiểu điều mình muốn trước, rồi mới tìm được đường đi. Thất bại không phải là kết thúc cho toàn bộ câu chuyện, vì khi nào chưa hết ước mơ và nỗ lực thì cuộc đời vẫn chưa dừng lại", Đức nói.
> 5 cách để tận dụng tối đa những trải nghiệm khi du học Mỹ
> Chàng trai Đức trở thành thủ khoa ngành học của trường Nhân văn
Theo VnExpress