Theo Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường, thời gian chấm thi trực tiếp của các đoàn thanh tra dài nhất từ 11 - 26.8 và có thể kết thúc sớm hơn tùy theo khối lượng bài chấm, tiến độ chấm và nhập điểm của địa phương. Trong quá trình chấm, quyền lợi của thí sinh (TS) là tiêu chí hàng đầu.
> Thang điểm chính thức môn Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020
> Chấm bài thi trắc nghiệm tốt nghiệp THPT 2020 thế nào?
Phần mềm chấm thi chặt chẽ hơn
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Hữu Độ đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD-ĐT dự khai mạc và kiểm tra công tác chuẩn bị chấm thi tại tỉnh Nam Định trong ngày 12/8 vừa qua. Theo đó, ông nhắc nhở tỉnh Nam Định nói riêng và các địa phương khác nói chung cần quan tâm tới khâu chọn lựa, tập huấn và nhân thân của cán bộ chấm thi. Theo ông, nếu làm đúng ngay từ ban đầu, giao nhiệm vụ đúng người, đúng từng bước, từng quy trình, sẽ ra kết quả đúng.
Cán bộ tham gia chấm thi cần được tập huấn kỹ lưỡng
Việc sơ suất ở bất kỳ khâu nào cũng sẽ làm vất vả cả hệ thống. Điển hình, một lỗi từ giám thị coi thi vừa qua đã khiến thí sinh (TS) phải thi lại ở một số phòng thi bằng đề dự bị. Ông Độ cho rằng có những chuyện tưởng như nhắc đi nhắc lại nhưng vẫn không thừa. Dù “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, nhưng vẫn không thể chủ quan, cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong suốt quá trình chấm.
Công tác chấm thi THPT 2020 năm nay cũng có nhiều điểm đổi mới. Chẳng hạn, phần mềm chấm thi trắc nghiệm năm nay chặt chẽ hơn, gắn trách nhiệm của chủ tịch hội đồng chấm thi ở từng khâu trong quy trình chấm thi trắc nghiệm. Cơ chế bảo mật tốt hơn, bài thi trắc nghiệm được đánh phách điện tử… để phòng ngừa tiêu cực.
Đồng thời, trong bài thi tự luận, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các đoàn thanh tra chấm theo hai vòng độc lập và chấm đều tay. Bộ GD-ĐT quy định ban chấm thi tự luận ở các địa phương phải chấm chung ít nhất 10 bài để trao đổi và đi đến thống nhất cách hiểu, cách làm. “Tôi đã chỉ đạo ban đề thi phải xây dựng hướng dẫn chấm một cách dễ hiểu nhất, tránh đưa ra những hướng dẫn có thể hiểu theo nhiều nghĩa”, ông Độ nói.
Khuyến khích TS nêu quan điểm cá nhân trong bài thi Ngữ Văn
Đề thi môn Ngữ Văn năm nay được ra theo hướng mở, khuyến khích TS bày tỏ quan điểm riêng và sáng tạo của mình, ông Độ yêu cầu: “Mỗi giám khảo phải rõ quan điểm nhưng không bảo thủ, đặt quyền lợi của người học lên trên hết, đảm bảo sự khách quan, vừa sức với học sinh”.
Khuyến khích thí sinh bày tỏ quan điểm cá nhân trong bài thi Ngữ Văn
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định, cho biết tất cả các giám thị được chọn chấm thi đều là những người có trình độ và thái độ tốt, được “chọn mặt gửi vàng” để làm công việc đặc biệt quan trọng này. Ông Hùng khẳng định Nam Định sẽ chấm thi nghiêm túc, khách quan, đảm bảo bài cuối cùng vẫn được chấm kiểm tra. “Với giám khảo, mỗi người phải làm hết trách nhiệm của mình để đảm bảo chấm thi xong là về ăn ngon ngủ yên, không còn gì phải băn khoăn hay bị gọi quay lại giải quyết nữa”, ông Hùng nhắc nhở.
Theo ông, chỉ đạo của Thứ trưởng Độ về việc phải đặt quyền lợi của học sinh lên trên trong quá trình chấm thi là rất có ý nghĩa trong thực tiễn chấm thi nhiều năm qua. Thực tế, có những ý trong bài làm của TS “cho điểm cũng được mà không cho điểm cũng được”, do vậy giám khảo, tổ chấm phải vận dụng hướng dẫn chấm làm sao để đảm bảo quyền lợi của TS và vì TS, miễn là không vi phạm quy chế, không xảy ra tình trạng chấm lỏng - chấm chặt (môn tự luận chấm chặt quá thì TS sẽ chịu thiệt thòi, chấm lỏng quá lại gây sự chênh lệch lớn, không đánh giá được đúng thực lực của TS).
“Với môn ngữ văn, tôi vẫn nói với giám khảo nếu TS làm quá tốt, sau khi thảo luận thấy rằng không có gì để chê thì cứ cho các em điểm 10, không có gì phải băn khoăn cả, nhưng giám khảo nhiều khi cứ dè dặt, “run tay” nên chưa bao giờ Nam Định có điểm 10 môn văn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Độ cũng lưu ý để giám khảo tránh một số sai sót thường gặp trong chấm thi như: cộng điểm thiếu, sót điểm thành phần; với môn văn, đề nghị giám khảo bảo mật thông tin bài làm của TS, không công bố những câu văn gây cười hoặc viết chưa hay... để tránh ảnh hưởng tới cá nhân TS. Phúc khảo là kiểm chứng của khâu chấm thi. Chất lượng chấm thi tốt là không có nhiều đơn phúc khảo và không có bài thi phải điều chỉnh điểm do chấm chênh lệch từ 1 - 2 điểm trở lên.