Còn đang thả lòng quản lý Liên kết đào tạo
Sau khi Báo SGGP đăng loạt bài “Liên kết đào tạo: Thả nổi từ lượng đến chất”, trong đó có phản ánh nhiều sai phạm trong liên kết đào tạo cũng như những hạn chế từ quản lý, PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với PV Báo SGGP về vấn đề này.
- Phóng viên: Đầu năm 2013, Thanh tra Bộ GD-ĐT có báo cáo về kết quả thanh tra các chương trình liên kết đào tạo trong nước với nhiều bất cập. Vậy quan điểm của Bộ GD-ĐT như thế nào về những thực trạng liên kết đào tạo hiện nay?
Vụ trưởng BÙI ANH TUẤN: Đúng là Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có báo cáo cho thấy việc liên kết đào tạo trong nước còn nhiều bất cập. Những bất cập chủ yếu là liên kết đào tạo chưa đúng quy định: đối tượng liên kết không đúng, liên kết chưa được phép của các cơ quan quản lý, không đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng trong đào tạo, đặc biệt là liên kết đào tạo liên thông để cấp bằng chính quy.
Trước thực trạng đó, Bộ GD-ĐT đã có những giải pháp chấn chỉnh đào tạo liên kết. Có thể kể đến như: xây dựng quy chế mới về đào tạo liên thông, kiểm tra rà soát đào tạo liên kết, giảm dần quy mô đào tạo không chính quy, không cho phép đào tạo chính quy ngoài cơ sở đào tạo, yêu cầu các cơ sở đào tạo rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các sai phạm. Thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ, UBND nhiều tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động kiểm tra các cơ sở đào tạo liên kết, yêu cầu thực hiện đúng các quy định về liên kết đào tạo.
- Được biết trong Quyết định 42 do Bộ GD-ĐT ban hành năm 2008 đã quy định rất chi tiết và cụ thể về các chương trình liên kết đào tạo trong nước từ trung cấp, CĐ đến ĐH và sau đó bộ cũng đã có một số điều chỉnh. Vậy hiện nay các trường muốn thực hiện liên kết đào tạo với các đối tác trong nước phải thực hiện quy trình như thế nào?
Theo Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) thì cơ sở GDĐH chỉ được liên kết đào tạo trình độ CĐ, ĐH theo hình thức giáo dục thường xuyên với cơ sở giáo dục là các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân với điều kiện cơ sở giáo dục được liên kết đào tạo bảo đảm các yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý.
Hiện nay Quyết định số 42 của Bộ GD-ĐT vẫn có hiệu lực, do vậy các cơ sở muốn mở các lớp liên kết tại địa phương phải tuân thủ theo các quy định của quyết định này. Cơ sở chủ trì đào tạo phải chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu từ lập hồ sơ đăng ký mở lớp liên kết đào tạo, tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp văn bằng.
- Như vậy, trách nhiệm của địa phương rất quan trọng khi kiểm tra, thẩm định các điều kiện của chương trình liên kết đào tạo. Tuy nhiên, dường như ở khâu này chưa được thực hiện chặt chẽ?
Ở đây không chỉ trách nhiệm của địa phương, còn có trách nhiệm của các cơ sở GDĐH (chủ trì đào tạo) và các cơ sở liên kết đào tạo tại địa phương trong việc kiểm tra các điều kiện về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý... phù hợp với từng ngành, từng chương trình đào tạo cụ thể. Thực tế, chúng ta mới quan tâm đến ngành nghề, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên nhưng chưa quan tâm đúng mức đến các điều kiện khác như môi trường sư phạm, thư viện, thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý...
Hiện nay Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung quy định về liên kết đào tạo, trong đó sẽ làm rõ vai trò kiểm tra, giám sát của địa phương, của các cơ sở GDĐH, cơ sở liên kết đào tạo nhằm đáp ứng được nhu cầu học tập và các điều kiện đảm bảo chất lượng.
- Vậy để các chương trình liên kết đào tạo thật sự hoàn thành sứ mệnh và mục tiêu đã đề ra, theo Vụ trưởng ở khâu quản lý cần chú trọng đến những yếu tố nào?
Cần khẳng định, liên kết đào tạo là phương thức đào tạo cần thiết để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, tạo điều kiện cho người dân ở các vùng còn nhiều khó khăn tiếp cận được với GDĐH, giúp cân đối ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực xã hội. Tuy nhiên, liên kết đào tạo phải được thực hiện trên quan điểm bảo đảm chất lượng.
Để thực hiện điều này, trước hết cần đổi mới quản lý về GDĐH, tăng cường tự chủ và chịu trách nhiệm cơ sở GDĐH (chủ trì đào tạo); quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở GDĐH và của các cơ sở liên kết đào tạo, kiên quyết xử lý các sai phạm. Lãnh đạo các cơ sở GDĐH cần quan tâm đến chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết, có biện pháp nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ đào tạo. Chú ý tăng cường vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình liên kết đào tạo.
- Thời gian vừa qua có nhiều đơn vị sai phạm về liên kết đào tạo và đã bị Bộ GD-ĐT xử lý. Tuy nhiên, dư luận cho rằng dường như mức xử phạt còn nhẹ và chưa đủ liều để răn đe các trường còn lại. Vụ trưởng nghĩ gì về vấn đề này?
Cũng phải thừa nhận rằng nhiều quy định, quy chế của Bộ GD-ĐT ban hành trước đây còn thiếu các chế tài hoặc các chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT vừa thanh tra, kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý các sai phạm nhưng đồng thời cũng đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để xây dựng các chính sách, các quy định mới. Hướng tới phải tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng; tạo điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát của các lực lượng xã hội, của người học; tăng cường các chế tài để xử lý nghiêm các sai phạm; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong việc để xảy ra sai phạm.
Thông tin cần biết:
Tỷ lệ chọi ĐH - CĐ 2013
Kết quả thi đại học mới nhất
Tin bài gốc: SGGP
Kenhtuyensinh
Theo: SGGP