Thí sinh điểm cao ở đâu?
Đợt xét tuyển ĐH 2016 đã ghi nhận những "cú sốc" "lần đầu tiên trong lịch sử" khi rất nhiều trường hạng tốp phải xét tuyển bổ sung.
Đến nay, ngoài trường "tốp đầu" (trường có điểm trúng tuyển cao) như ĐH Kinh tế quốc dân xác định không gọi bổ sung đợt 2, hầu hết các trường đều phải tiếp tục tìm kiếm thí sinh.
Mỗi trường, ít thì khoảng 200, nhiều thì hơn 1.000, thậm chí 1.500 chỉ tiêu hiện vẫn đang chờ thí sinh đăng ký cho đợt xét tuyển sau ngày 21/8.
Cá biệt, "lần đầu tiên trong lịch sử" Trường ĐH Y Hà Nội "ế ẩm" ngành Y Đa khoa.
Mặc dù so với năm ngoái, điểm chuẩn năm 2016 của trường này đã giảm từ 0,25 đến 0,75 điểm, song nhiều ngành, lượng thí sinh nộp hồ sơ xác nhận nhập học chỉ được chưa tới 30% số lượng trúng tuyển.
Các trường đào tạo ngành Y - Dược trong cả nước cũng trong tình trạng tương tự. Chẳng hạn như Trường ĐH Y Dược TP. HCM , trường đào tạo ngành Y đứng đầu Sài Gòn cũng phải tuyển bổ sung tới 402 chỉ tiêu cho 12 ngành đào tạo, trong đó có cả những ngành được cho là"hot" như Răng Hàm Mặt.
Không chỉ có các trường đào tạo về Y - Dược, những trường "hạng sao" khác như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngoại giao cũng lần lượt phải ra thông báo tuyển bổ sung.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xét tuyển bổ sung hơn 800 chỉ tiêu trên tổng số 6.000 chỉ tiêu năm nay. Trong đó, ngoài những ngành đào tạo tiên tiến hay chương trình đào tạo quốc tế vốn khó khăn về nguồn tuyển thì nhiều ngành "hot" như Kỹ thuật Cơ điện tử hay ngành Công nghệ thông tin đều phải chờ thí sinh đợt tới.
Một trường "hot" khác là Trường ĐH Ngoại thương cũng phải tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu trên tổng số 200 chỉ tiêu ở cơ sở Quảng Ninh, dù mức điểm trúng tuyển tại cơ sở này của trường chỉ là 18 điểm, thấp hơn khá nhiều so với cơ sở Hà Nội.
Việc nhiều trường tốp đầu tuyển không đủ thí sinh là điều gần như "không thể tin nổi" vì chưa từng có trong lịch sử. Tới mức, ông Nguyễn Đức Hinh phải thốt lên: "Không hiểu thí sinh điểm cao đã đi đâu?".
Trường lớn tuyển thiếu vì chủ quan?
"Thí sinh ở đâu?" là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra trước hiện tượng "lạ" của đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm nay. Hầu hết các ý kiến cho rằng, do phương thức tuyển sinh, mỗi thí sinh được đăng ký 2 trường nên một cách tự nhiên, lượng thí sinh "ảo" tăng lên đáng kể so với năm trước.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu, đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 6.02.747 lượt trường. Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1. Lượng thí sinh "ảo" là đương nhiên - cũng là điều mà Bộ GD-ĐT cũng như các trường đã dự tính từ trước.
Tuy nhiên, hầu hết các trường đều cho rằng, việc tính toán phương án điểm chuẩn để vừa lọc được" ảo", vừa đảm bảo không tuyển vượt quá chỉ tiêu đã đăng ký là vô cùng khó khăn.
Ông Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi cho rằng, để đưa ra phương án điểm chuẩn 2016, trường đã phân tích kỹ các dữ liệu của trường ghi nhận cũng như dữ liệu do Bộ GD-ĐT cung cấp. Tuy nhiên, việc đưa ra được 1 phương án điểm chuẩn để vừa đảm bảo không hụt thí sinh do ảo vừa không vượt chỉ tiêu đăng ký là điều không dễ dàng.
Chia sẻ quan điểm này, ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP. HCM cho rằng, về lý thuyết, để chống "ảo", các trường phải gọi 200% thí sinh nhập học. Tuy nhiên, bản thân trường chỉ dám gọi 130-150% vì phòng thí sinh đến nhiều quá lại bị Bộ xử phạt.
Theo ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì việc phân tích dữ liệu của thí sinh đăng ký cũng chỉ đảm bảo 50% vì lượng "ảo" năm nay rất lớn. Ngoài xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia, các thí sinh năm nay còn xét tuyển bằng học bạ, thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội hay đi du học.
Trong khi đó, ông Bùi Đức Triệu -Trưởng phòng Đào tạo- Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhìn nhận: Các trường đều phải phân tích rất kỹ và rất sâu trên các dữ liệu mình có được để tính toán tỉ lệ gọi tăng thêm phù hợp. Những trường thuộc tốp đầu như các ĐH Y Hà Nội không tuyển đủ thí sinh chủ yếu là do chủ quan nên không phân tích kỹ tình hình.
"Thí sinh điểm cao năm nay có nhiều lựa chọn. Nhiều em lựa chọn các trường công an, quân đội vì tính ổn định, trong khi nhiều em học giỏi, có điều kiện lại lựa chọn đi du học" - ông Triệu lý giải.
"Cuộc chiến" xét tuyển bổ sung
Việc nhiều trường lớn không tuyển đủ thí sinh trong đợt 1 và buộc phải tuyển bổ sung sẽ khiến cuộc chiến xét tuyển bổ sung thêm phần khốc liệt khi mà năm nay các trường không còn phải định điểm chuẩn đợt sau phải cao hơn đợt trước.
Ông Huỳnh Thanh Hùng phản đối việc các trường hạ điểm để xét tuyển nguyện vọng bổ sung vì cho rằng không công bằng. "Các trường nhóm trên hạ điểm trúng tuyển thì các trường bên dưới còn lấy đâu ra nguồn?".
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng nhìn nhận, việc các trường hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung cũng không công bằng với thí sinh. "Những thí sinh đã trượt đợt 1 sẽ thế nào nếu trường làm như vậy? Đáng lẽ em đó đã trúng tuyển vào trường với số điểm đó nhưng bị rớt phải qua trường khác, bây giờ lại có những người vào được trường đó với số điểm bằng số điểm của mình".
"Cáctrường có thể xét bao nhiêu đợt cũng được, nhưng phải lấy từ mức điểm chuẩn đầu tiên, không thể thấp hơn" - ông Hùng nói.
Thừa nhận việc các trường hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung sẽ không công bằng với các thí sinh không trúng tuyển đợt 1, song ông Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thì cho rằng, dù đưa ra phương án nào thì quá trình triển khai cũng có điểm tốt hay hạn chế.
Ông Bùi Đức Triệu phán đoán các trường sẽ gặp khó khăn trong đợt tuyển bổ sung sắp tới. Bởi lẽ, trong đợt tuyển bổ sung này, các thí sinh được đăng ký tới 3 trường với 6 nguyện vọng, do đó, về lý thuyết, lượng "ảo" trong đợt tuyển bổ sung có thể lên tới 70%, cao hơn cả đợt 1.
"Việc phân tích dữ liệu để lọc thí sinh ảo trong đợt tuyển bổ sung này sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với đợt 1. Do đó, tôi nghĩ rằng, các trường sẽ khó thành công" - ông Triệu dự đoán.
Theo ông, với phương thức tuyển sinh như năm nay, các trường buộc phải chấp thiếu một tỉ lệ nhất định để đảm bảo chất lượng chứ không thể mong muốn tuyển đủ chỉ tiêu.
"Hiện tại, đại học không còn là lựa chọn duy nhất của các thí sinh như trước đây. Nhiều thí sinh có điều kiện đi du học, thậm chí nhiều em lựa chọn con đường khởi nghiệp ngay từ sau khi tốt nghiệp.
Do đó, tôi cho rằng, các trường cần nhận thức và phân tích rõ tình hình hiện nay để đưa ra phương án tuyển sinh phù hợp nhất" - ông Triệu chốt lại.
Theo Vietnamnet, nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/322408/cac-truong-buoc-vao-cuoc-chien-xet-tuyen-bo-sung.html