Tin liên quan:

>> Giáo viên nghề tìm đường sống ngoài lương

>> Lý giải tình trạng dư thừa nhân lực ngành sư phạm

>> Ngành sư phạm eo hẹp đủ điều cho người tốt nghiệp



Họ từng là cô giáo, thầy giáo, nhưng vì nhiều nguyên nhân, trở thành những người làm việc tay chân 12 tiếng/ngày tại các khu công nghiệp.

Dang dở nghề giáo lao vào công nhân

Sau 3 năm làm giáo viên hợp đồng tại một trường cấp 3 ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, cô giáo Nguyễn Thanh Hương đành bỏ dở giấc mơ. Trường cách nhà 70km, lương chỉ đủ mua xăng, nhưng Hương cố gắng bám trụ do hy vọng được vào biên chế. Song, cánh cửa biên chế vẫn không đến lượt Hương. Thương con, mẹ Hương gọi về ở nhà… làm ruộng cho đỡ khổ.

giao vien lam cong nhan, nganh su pham, giao vien that nghiep, sinh vien su pham, du thua giao vien, vao bien che, tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, bao giao duc, giao duc, kham pha

 

Nhiều giáo viên không trụ nổi nghề đến các KCN tìm việc


Hương kể, gần một năm ở nhà, cô được bà con trong xóm gọi đùa là “cô giáo làm ruộng”. Mặc dù vẫn mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng Hương chỉ nhận được câu trả lời “Ở đây đã thừa giáo viên”. Mệt mỏi, tinh thần khủng hoảng, Hương tìm đến khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), gần 2 năm nay cô giáo Hương đã là một cô công nhân.

Hương nhớ lại, ngày đi phỏng vấn xin việc công nhân, trong hồ sơ có tấm bằng đại học nên bị loại ngay từ vòng... hồ sơ. Hóa ra, làm công nhân không được có bằng đại học, doanh nghiệp sợ những người có bằng đại học hay “đứng núi này trông núi kia”. Hương bèn nộp lại hồ sơ từ đầu, chỉ trình bằng cấp 3, vậy là trúng tuyển.

“Thời buổi này, muốn xin việc gì cũng phải mất tiền, chỉ có xin làm công nhân là không mất gì”, Hương nói. Chuyện giáo viên bỏ nghề đi làm công nhân ở khu công nghiệp Thăng Long không phải là hiếm. Chỉ tính trong 50 người cùng dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử với Hương, đã có 4 người là giáo viên lỡ nghề.

Nguyễn Thị Trang (26 tuổi, quê Hòa Bình) trước đây là giáo viên dạy nhạc. Gần 3 năm không được vào biên chế, Trang bỏ nghề xuống khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội). Trang cho biết, trong lúc chờ đợi cơ hội, Trang làm tạm nghề công nhân để có tiền tự lo cuộc sống, đỡ phải xin bố mẹ hàng ngày. Gọi là “tạm” nhưng Trang cũng gắn bó với việc đứng máy sản xuất thực phẩm ở khu công nghiệp Quang Minh hơn 1 năm qua. Trang nhớ lại những ngày làm giáo viên hợp đồng, lương 1,1 triệu đồng/tháng, tiền ăn hàng ngày trông cả vào máy quay nước mía của mẹ.

Ra trường 2 năm, Lê Thị Hà (24 tuổi, quê Mê Linh, Hà Nội) “tự hào” mình không thất nghiệp. Nhưng, công việc Hà đang làm khác hẳn với ngành được đào tạo. Hà  hóm hỉnh giới thiệu về mình: “Cử nhân sư phạm văn ra trường làm công nhân in ấn”.

Hà nhớ lại ngày mới tốt nghiệp đại học: “Khu công nghiệp là nơi duy nhất mở cánh cửa để tôi có thể bước vào. Bởi không cần đợi suất, không cần tới tiền trăm triệu vẫn có thể xin vào làm. Mặc  dù công việc lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán nhưng dù sao cũng hơn thất nghiệp”. Hiện tại, Hà đang làm ở bộ phận in ấn cho một công ty in trong khu công nghiệp Quang Minh, lương tháng 3,8 triệu đồng/tháng, tăng ca 5,2 triệu đồng/tháng.

Không dám về quê

Sau hơn một năm làm công nhân, cô giáo Hương trở nên trầm tư hơn trước. Hương cho rằng, người ta thường mơ ước làm cô giáo dạy học, làm bác sỹ chữa bệnh... chứ ai ước mơ làm công nhân bao giờ. Tuy nhiên, nếu so mức lương giáo viên hợp đồng trước đây, cuộc sống hiện tại của Hương tốt hơn. “Chỉ khổ tâm nhất một điều là các cụ ở quê hay lo, luôn coi mình là đứa chưa có việc làm. Mỗi lần về quê chơi, người này hỏi, người kia hỏi “Chưa xin được việc à? Vẫn phải làm công nhân à?”. Những câu hỏi như xoáy sâu vào nỗi đau khó nói trong lòng. Buồn nhất là phải nghe những lời bàn tán như: Học đại học làm gì, rồi cũng như cô Hương đi làm công nhân...

Lần về quê gần nhất của Hương cách đây chừng 6 tháng, mặc dù từ Hà Nội về Phú Thọ chưa đến 100 km. “Về thăm nhà, tôi có chút tiền tiết kiệm biếu bố mẹ, nhưng không ai chịu nhận. Đã vậy, lại còn gói bao nhiêu gạo, đồ khô, mỳ, nước mắm, đồ ăn... cho tôi mang xuống Hà Nội. Trước đây, khi còn là giáo viên, được bố mẹ quan tâm, tôi vui lắm, nhưng bây giờ thì ngược lại, cảm thấy như người có lỗi”.

Hương tâm sự: “Biết thế này, ngày xưa đừng đi học, đi làm công nhân ngay khi 18 tuổi có khi cuộc sống bây giờ ổn rồi”. Hương mong muốn tiết kiệm được nhiều tiền, về quê xin làm giáo viên để bố mẹ vui mà khoe với bà con láng giềng. Hương cũng muốn có nhiều thời gian rảnh hơn “chứ ngày làm 12 tiếng như này, có khi ế chồng”.

Trường hợp của Nguyễn Thị Trang còn “hoàn cảnh” hơn. Trang có nước da trắng trẻo, giọng nói nhẹ nhàng nên có nhiều người theo đuổi. Người yêu của Trang là Cường, người cùng xã. Trang kể, hai người đã dự định làm đám cưới, nhưng qua 3 năm Trang chưa có biên chế thì Cường vẫn chỉ dừng lại ở mức người yêu. Khi Trang không thể vào nổi biên chế, cũng là lúc Cường nói lời chia tay. “Nghe đâu anh ấy đã lấy một cô giáo khác cũng trong trường em, cô ấy nhà có “cơ to”, vừa ra trường đã được biên chế ngay”, Trang nói.

Theo lời Trang, một năm sau khi rời Hòa Bình xuống Hà Nội, bố mẹ cô vẫn chưa biết cô đang làm công nhân, họ vẫn nghĩ Trang đang đi dạy kèm ở một trung tâm sư phạm. Một năm nay Trang không dám về quê, sợ bị phát hiện nói dối bố mẹ. Hiện tại, Trang đang tham gia lớp học kế toán của trường Trung cấp kinh tế gần khu công nghiệp với mong muốn: Đổi nghề gì cũng được, miễn không có chữ công nhân cho bố mẹ khỏi ái ngại với làng.

 

Xem thêm: Ai sẽ dám cho con mình thi ngành sư phạm

Những nội dung đang được quan tâm nhiều nhất:

LUYỆN THI - TỈ LỆ CHỌI - TỈ LỆ CHỌI 2013 - TỶ LỆ CHỌI 2013

TUYỂN SINH - TUYỂN SINH 2013 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC - TRƯỜNG QUỐC TẾ

ĐẠI HỌC QUỐC TẾ - CAO ĐẲNG QUỐC TẾ - DU HỌC - TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

Theo Thanhnien