Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết sắp tới Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn về phân tầng và xếp hạng ĐH. Khi đó, một số chính sách về giáo dục đại học sẽ thay đổi.

Ông Ga cũng cho rằng muốn trở thành ĐH nghiên cứu, các trường cần đáp ứng những tiêu chí rất ngặt nghèo về nghiên cứu cơ bản hoặc ứng dụng. Những trường như vậy sẽ không nhiều và chỉ có trường đào tạo đơn ngành mới có thể phát triển thành ĐH nghiên cứu được. Những trường đào tạo đa ngành chỉ có thể chọn những ngành mũi nhọn để phát triển.

Buộc các trường phải chấn chỉnh nếu đào tạo lệch hướng


Buộc các trường chấn chỉnh nếu định hướng sai

Học viên cao học Trường ĐH Bách khoa (TP.HCM) trong giờ thực hành - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Thưa ông, sự phân tầng ĐH sẽ được triển khai như thế nào, khi trên thực tế hiện nay đa số các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) đều đặt mục tiêu trở thành trường ĐH nghiên cứu?

Hiện Bộ đang soạn thảo Nghị định về phân tầng và xếp hạng các trường ĐH để trình Chính phủ xem xét ban hành theo quy định của luật GDĐH. Đây là văn bản quy định những vấn đề mới mà trước đến nay chưa có ở nước ta. Do đó tổ soạn thảo cần có nhiều thời gian để nghiên cứu, trao đổi, thảo luận với các chuyên gia. Thông thường trường ĐH nghiên cứu cần có sự đầu tư rất lớn và có đội ngũ cán bộ rất mạnh, có nhiều công trình nổi tiếng. Do đó, số lượng các trường ĐH nghiên cứu trong hệ thống sẽ không nhiều.

Khi Nghị định về phân tầng ra đời, các trường sẽ phải uốn theo các tiêu chí quy định. Tùy theo năng lực của mình mà các trường sẽ đặt ra mục tiêu đào tạo phù hợp với 3 tầng bậc của hệ thống (nghiên cứu, ứng dụng và thực hành). Tôi đồng ý với quan điểm rằng các trường ĐH nghiên cứu không cao hơn trường ứng dụng và thực hành. Không phải cứ theo đuổi mục tiêu trở thành trường ĐH nghiên cứu mới là trường tốt.

Theo luật GDĐH thì kết quả phân tầng và xếp hạng ĐH sẽ là căn cứ để nhà nước ưu tiên, đầu tư theo từng giai đoạn. Nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu không được vào tầng ĐH nghiên cứu thì sẽ không được ưu tiên đầu tư?

Phân tầng và xếp hạng là việc rất mới ở Việt Nam. Trên thế giới việc xếp hạng chỉ là căn cứ để người học tham khảo lựa chọn cơ sở học tập hoặc để người tuyển dụng tuyển nhân viên cho phù hợp nhu cầu của mình. Ở Việt Nam, luật GDĐH lại quy định việc phân tầng, xếp hạng sẽ là căn cứ để nhà nước đầu tư. Như vậy việc xếp hạng có giá trị pháp lý để nhà nước có chính sách đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, việc đầu tư sẽ theo chất lượng của các trường chứ không phải căn cứ vào tầng bậc của các trường. Nghĩa là không phải cứ trường ĐH nghiên cứu là được đầu tư cao, mà việc đầu tư sẽ căn cứ vào thứ hạng của các trường trong tầng bậc đó. Nếu trường được xếp hạng cao thì sẽ được đầu tư cao.

Có ý kiến cho rằng nhiều quy định hiện nay chưa phù hợp với việc phân tầng. Vậy sắp tới những quy định này có thay đổi không?

Có nhiều tiêu chí để đảm bảo chất lượng đào tạo. Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào 2 tiêu chí chính, đó là số sinh viên/giảng viên quy đổi và diện tích sàn xây dựng/sinh viên. Đây là 2 tiêu chí cơ bản áp dụng chung cho các trường trong giai đoạn hiện nay. Tiêu chí đối với ĐH nghiên cứu chắc chắn sẽ còn khắt khe hơn nhiều. Khi phân tầng, các trường ĐH xác định theo định hướng nào thì sẽ có tiêu chí phù hợp với định hướng đó. Các tiêu chí về mở ngành đào tạo sẽ phải khác đi. Các trường sẽ phải thiết kế các chương trình đào tạo khác nhau. Tương ứng với mỗi chương trình sẽ có hướng dẫn các điều kiện mở ngành khác nhau.

Còn thiếu sự phân tầng xếp hạng các trường đại học

Hiện nay một số trường ĐH được xem là ĐH trọng điểm có nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao, định hướng thành trường ĐH nghiên cứu nhưng chỉ tập trung vào đào tạo ĐH, thậm chí có cả CĐ và trung cấp, rất ít đào tạo sau ĐH. Như vậy, các trường này có được xếp vào các trường định hướng nghiên cứu hay không?

Hiện Nghị định của Chính phủ về phân tầng, xếp hạng ĐH chưa được ban hành nên chưa có tiêu chí để các trường tự so sánh đánh giá trường mình thuộc nhóm nào. Tuy nhiên nếu việc đào tạo sau ĐH ít và không có thì chưa thể gọi là trường ĐH nghiên cứu được. Có thể nói, việc ban hành các nghị định phân tầng và xếp hạng còn đang là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau và là văn bản khó nhất khi thực hiện luật GDĐH. Hiện Bộ GD-ĐT đang tập hợp ý kiến của các chuyên gia để xây dựng văn bản và dự kiến sẽ ban hành vào quý 1 hoặc quý 2 năm nay. Khi đó việc phân tầng sẽ được triển khai và các trường phải thực hiện theo luật. Những trường nào chưa xác định đúng hướng thì Bộ sẽ có biện pháp chấn chỉnh buộc các trường phải thay đổi.