Bộ trưởng Giáo dục nhận trách nhiệm về đề án dạy và học ngoại ngữ
Sáng nay (16/11), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bắt đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Đã có 58 chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về giải pháp: Nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ; đào tạo sau đại học; phát triển đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; giải pháp phân luồng học sinh, khắc phục tình trạng "thừa thầy thiếu thợ"; đổi mới kỳ thi quốc gia, nâng cao chất lượng đào tạo, xử lý vấn đề dạy thêm, học thêm, bạo lực học đường; giải pháp giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường; đổi mới chương trình, sách giáo khoa...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Mở đầu phiên chất vấn, ĐBQH Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề: Đến 2020, đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia trong hệ thống giáo dục quốc dân có đạt mục tiêu như mong muốn đề ra? Đòi hỏi ngoại ngữ sinh viên cao hơn giáo viên có nghịch lý không?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, ngành đã rất cố gắng và đạt được những kết quả. Tuy nhiên, so với kỳ vọng của cử tri và nhân dân thì ngành vẫn còn nhiều tồn tại.Bộ trưởng mong muốn trong phiên chất vấn sẽ nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội để cùng trao đổi, phân tích, nhằm đưa ra những giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, xây dựng ngành phát triển.
Liên quan đến câu hỏi của ĐB Dương Minh Ánh, trả lời chất vấn, Bộ trưởng nêu rõ: Về vấn đề dạy và học ngoại ngữ, mục tiêu đã nêu trong đề án đào tạo ngoại ngữ 2020 đã đặt ra trước đây không đạt được.
Bộ trưởng giải thích: Việc dạy và học ngoại ngữ có tính chất lâu dài, đây là nhiệm vụ không chỉ trước kia, bây giờ mà còn tiếp tục liên quan đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Để đạt mục tiêu như đề án mong muốn, theo Bộ trưởng chúng ta cần thời gian và chi phí rất lớn. Khi xây dựng đề án đưa ra lộ trình và quyết tâm cao, nhưng thực hiện gặp vấn đề về chuẩn bị, thời gian, kinh phí.
"Chúng tôi nhận trách nhiệm, là khi xây dựng đề án phải hết sức thiết thực, khả thi, bám sát thực hiện" - Bộ trưởng nói.
Cũng liên quan đến dạy và học Ngoại ngữ, Bộ trưởng cho rằng: Chương trình nội dung phải thống nhất, biên soạn hệ thống, trong đó tính hội nhập quốc tế chứ không phải biên soạn theo năng lực các thầy các cô.
Đặc biệt, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, cần tập trung đào tạo cho giáo viên, vì trước đây khâu này chưa chuẩn bị kỹ nên khi tực hiện gặp khó khăn.
Phương thức tổ chức giảng dạy phải theo hướng để nhiều người hưởng lợi, để mọi người đều có quyền và được hưởng thành quả hội nhập, đặc biệt nhấn mạnh đến xã hội hóa.
"Cái được của đề án là bài học kinh nghiệm, để tập trung vào những vấn đề liên quan đến chuyên môn, không chỉ tập trung đào tạo sinh viên, giảng viên mà còn là toàn dân trong việc "xóa mù chữ" tiếng Anh" - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Chúng tôi xác định đào tạo đội ngũ giáo viên là ưu tiên đầu tiên. Tuy nhiên, thời gian qua cũng có một số thiếu sót và cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm. Và tôi xin nhận trách nhiệm”./.
Theo VOV, nguồn: http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/bo-truong-giao-duc-nhan-trach-nhiem-ve-de-an-day-va-hoc-ngoai-ngu-569723.vov